Trang Nhà

Phước cho những người trọn vẹn trong đường lối mình,
Đi theo luật pháp của Đức Giê-hô-va.
Thi Thiên 119:1.

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Giải Nghĩa Giô-ên 2:12-17. Tác giả: Ân Đặng (G.U 2013)

     DẪN NHẬP
Mỗi quốc gia, mỗi tổ chức, mỗi hội đoàn đều có những ngày trọng đại; mỗi gia đình, mỗi con người sống trên trái đất này đều có những ngày quan trọng của riêng mình. Kinh thánh Cựu ước nói chung và sách Giô-ên nói riêng cũng đề cập đến thời điểm quan trọng được gọi là “Ngày của Đức-Giê-hô-va.” “Ngày của Đức-Giê-hô-va” có ý nghĩa rất đặc biệt bởi vì chúng vừa mang ý nghĩa: ngày vinh hiển cũng là ngày điêu tàn, vừa mang ý nghĩa: ngày phước hạnh cũng ngày phán xét, vừa mang ý nghĩa ngày hiện tại vừa mang ý nghĩa ngày của tương lai.
Căn cứ vào bối cảnh của sách Giô-ên, “Ngày của Đức-Giê-hô-va” chính là thời điểm Đức Chúa Trời sẽ thẩm phán dân tuyển nếu họ không chịu ăn năn và sứ điệp của vị tiên tri là hồi chuông báo động nhằm kêu gọi tuyển dân hãy xoay lại tìm kiếm sự tha thứ và ơn lành của Đức Chúa Trời. “Ngày của Đức-Giê-hô-va” là ngày phán xét sẽ đến trên cả Y-sơ-ra-ên, vì vậy nhà tiên tri kêu gọi toàn dân phải dốc đổ lòng mình trước mặt Chúa để tìm kiếm sự giải cứu.
Bài viết này sẽ xoay quanh sứ điệp mà vị tiên tri kêu gọi dân tuyển ăn năn được chép trong Giô-ên 2: 12 – 17. Đây là lời kêu gào thống thiết rằng: Hãy ăn năn với Đức Chúa Trời để tìm kiếm lòng nhân từ thương xót của Ngài, hãy trở lại với Đức Chúa Trời để Ngài đổi ý về tai vạ và làm ơn... Toàn dân Y-sơ-ra-ên cần phải ăn năn trước khi “Ngày của Đức-Giê-hô-va” đến.
I. HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA BẢN VĂN
1. Bối cảnh ra đời
Đất nước Giu-đa ở miền nam một sau thời gian nắng hạn và nạn cào cào tràn qua, một nạn đói khủng khiếp đã tàn phá đất nước, dân chúng và súc vật sắp chết vì thiếu thức ăn và nước uống.[1] Tận dụng thời cơ này, tiên tri Giô-ên đã đưa ra lời kêu gọi toàn dân hãy ăn năn tội lỗi mình, quay về với Đức Chúa Trời để xin Ngài thương xót. Vị tiên tri khẳng định rằng nạn cào cào không phải ngẫu nhiên xảy ra mà chính là lời cảnh cáo từ Đức Giê-hô-va để kêu gọi dân sự trở về với Ngài.[2]
Qua tai vạ cào cào, tiên tri Giô-ên mô tả cuộc xâm lăng của quân phương Bắc trong tương lai sẽ tấn công Giu-đa bởi một đạo binh đông đảo.[3] Nhà tiên tri động viên nhà cầm quyền, các thầy tế lễ, các trưởng lão cùng với toàn thể quần chúng, nông dân, những người trồng nho, thậm chí cô dâu, chú rể và trẻ con… Hãy tham gia than khóc.[4] Lời triệu tập của ông là áng văn bi hùng mà phần trọng tâm nằm trong chương 2: 12 – 17.
Giô-ên có lẽ là vị tiên tri rất khó xác định thời điểm trong lịch sử,[5] bởi vì niên đại của sách từng gây nhiều tranh cãi trong giới học giả. Một số người cho rằng sách này xuất hiện khoảng năm 737 B.C, người khác lại đặt cuộn sách giữa năm 640 B.C và 609 B.C, số còn lại tin rằng nó được viết trong thời hậu lưu đày, khoảng 500 B.C.[6]
Nhà thần học John Calvin cho rằng sứ điệp của Giô-ên xảy ra vào khoảng cuối đời vua Giô-ram, bởi vì có một nạn đói khủng khiếp xảy ra ngay sau đó.[7] Còn học giả Douglas Stuart cho biết Giô-ên đồng thời với tiên tri Giê-rê-mi.[8] Trái ngược với hai ý tưởng trên, nhà nghiên cứu Dean McBride lại đồng ý với tác giả G. Amon và Miloš Bič khi cho rằng chức vụ của Giô-ên đồng thời với triều đại vua Giô-ách.[9] Có cùng suy nghĩ, Giáo sư Macdonand tin tưởng rằng: Bút pháp của sách phù hợp với thời kỳ kinh điển sớm, hơn là phù hợp với kỷ nguyên hậu lưu đày của A-ghê, Xa-cha-ri và Ma-la-chi. Hơn nữa, sự kiện không nhắc đến tên vị vua nào rất có thể là do sách được viết vào thời thầy tế lễ Giê-hô-gia-đa làm nhiếp chính.[10] Giáo sư Spence Jones cũng tán thành‎ khi cho rằng sách Giô-ên được viết vào những năm đầu trị vì của Giô-ách.[11] Cũng như các học giả bảo thủ, giáo sư David M. Levy viết: có hai lý do tin tưởng rằng sách này được viết khoảng 838 – 756 B.C: thứ nhất sách không đề cập đến A-si-ri (722 B.C) hay Ba-by-lôn (587 B.C). Thứ hai, không có vua nào được đề cập trong sách vì thời nữ hoàng A-tha-li, tất cả các vương tử đều bị sát hại ngoại trừ Giô-ách đang được giấu trong đền thờ.[12] Cũng theo giáo sư Levy, quyển sách này có thể được viết ngay trước khi lễ đăng quang của Giô-ách vào năm 835 B.C.[13]
Từ những lý luận của John Calvin và các giáo sư ở trên đặc biệt là của William
Macdonand và David M. Levy, người viết tin rằng tiên tri Giô-ên thi hành chức vụ vào khoảng thời gian cai trị của vua Giô-ách (835 – 796 B.C).[14]
2. Bối cảnh chính trị, văn hoá, xã hội
Nam quốc Giu-đa vào thời cực thịnh của vua Giô-sa-phát, sau đó con trai Giô-sa-phát, Giô-ram kết hôn với A-tha-li (con gái của Giê-sa-bên, vợ A-háp). Vua Giô-ram bị chết bất ngờ bởi vua Giê-hu nên A-tha-li lập tức chiếm ngôi và cầm quyền trong sáu năm. Cuộc đảo chính của thầy tế lễ Giê-hô-gia-đa đã đưa Giô-ách lên làm vua lúc bảy tuổi (II Vua 11: 21), ban đầu Nhà Vua còn tìm kiếm Chúa nhưng về sau ông càng lìa xa Ngài. Một số học giả cho rằng sách Giô-ên được viết vào khoảng 30 năm đầu của thời trị vì Giô-ách, vua Giu-đa.[15] Chức vụ tiên tri của Giô-ên còn được cho là đồng thời với tiên tri A-mốt.
Bối cảnh văn hoá, xã hội: Nữ hoàng A-tha-li đã âm mưu tranh giành quyền lực, giết các vương tử và ra sức tiêu diệt nhà Đa-vít, gieo rắc sự thờ hình tượng (Ba-anh).[16] Vị vua Giô-ách còn non trẻ không trung tín bước theo Chúa, thậm chí về sau ông giết tiên tri Xa-cha-ri là con của thầy tế lễ Giê-hô-gia-đa. Cuối đời, vua Giô-ách bị các đầy tớ mưu sát. Cảnh “nồi da xáo thịt” đang diễn ra và đất nước Giu-đa đang ở trong những ngày tháng nhiễu nhương… Đây là bối cảnh mà sứ điệp của tiên tri Giô-ên được viết ra.
3. Mục đích viết
Giô-ên được cho là một trong các tiên tri đầu tiên viết sách[17] mang tên của ông.[18] Giô-ên kêu gọi và triệu tập cả quốc gia hãy hạ mình xuống, hãy ăn năn, thống hối về những tội lỗi mình đã phạm để tìm kiếm sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Nếu mọi người đáp ứng lời cảnh cáo, Chúa sẽ phục hồi và ban phước cho đất nước cả về tâm linh lẫn vật chất. Bởi vì “Ngày của Đức Giê-hô-va” sẽ đến, khi ấy sự kinh khiếp về cào cào sẽ không thể so sánh với sự phán xét và đoán phạt của Chúa. Chương cuối sách Giô-ên nói tiên tri về sự phục hồi và phước hạnh trong tương lai cho dân Do thái.[19] Điểm nhấn quan trọng của sách Giô-ên là: Hãy từ bỏ tội lỗi và trở về với Đức Chúa Trời vì Ngài đang kiên nhẫn và trì hoãn án phạt.
4. Thể loại
Sách Giô-ên thuộc thể loại tiên tri mang phong cách khải huyền.[20] Sách được xem là một kiệt tác của thơ văn Do-thái do cấu trúc ngữ pháp chặt chẽ, sử dụng ngôn ngữ trau chuốt, cách mô tả sinh động… Phong cách viết văn được xếp ngang hàng với sách Ê-sai và Ha-ba-cúc.[21] Tiên tri Giô-ên cho biết Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt dân tuyển và thẩm phán các dân ngoại, lời tiên tri về ngày của Chúa, sự đổ ra của Đức Thánh Linh, sự phán xét và phục hồi Y-sơ-ra-ên trong ngày sau rốt… Giô-ên nhấn mạnh nguy cơ chinh phục của các quốc gia ngoại bang trên Y-sơ-ra-ên.[22] Vì vậy sứ điệp chính là: Lên án tội lỗi của tuyển dân và kêu gọi một Hội đồng ăn năn toàn diện, đây là tư tưởng chính của sách.
II. NGƯỜI VIẾT
1. Tác giả
Kinh thánh cho biết tác giả của sách là Giô-ên, con trai Phê-thu-ên (Giô-ên 1: 1), ngoài ra không có thông tin nào khác về ông. “Giô-ên” là một tên phổ thông của người Do thái, có nghĩa: “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời.” Abraham Kuenen, giáo sư đại học Leiden cho rằng: tên “Giô-ên” là một bút danh mang ý nghĩa biểu tượng bằng cách đảo ngược chữ “Elijah” có nghĩa: “Đức Chúa Trời của tôi là Giê-hô-va”.[23]
Giô-ên là tiên tri của cả Y-sơ-ra-ên nhưng chủ yếu cho nước Giu-đa. Ông được xem là Giăng Báp-tít của thời Cựu ước, là nhà tiên tri của Lễ Ngũ tuần.[24] Theo truyền thống lịch sử của quyển sách, Giô-ên có thể có chức năng của một vị tiên tri trung tâm[25] và quan trọng bậc nhất bởi vì sứ điệp của ông bao gồm thời hiện tại (Thế kỷ thứ 8 B.C) và tương lai của Y-sơ-ra-ên thậm chí đến kỳ cuối cùng của nhân loại, trận chiến Ha-ma-ghê-đôn và Thiên-Hy-Niên.[26]
2. Cuộc đời và chức vụ của tác giả liên quan đến bản văn
Kinh thánh không cho chúng ta biết nhiều về cuộc đời của Giô-ên, ông được cho là đồng thời với A-mốt.[27] Căn cứ vào lời đối thoại của Giô-ên với các thầy tế lễ, Giáo sư Merill Unger cho rằng: Giô-ên cũng là một thành viên của dòng tộc thầy tế lễ.[28] Chức vụ của Giô-ên gắn chặt với đời sống tâm linh và sự hưng vong của quốc gia Y-sơ-ra-ên. Lời tiên tri của Giô-ên cho thấy ông sống trong vùng lân cận của Giê-ru-sa-lem.[29]
Cuộc khủng hoảng về “Ngày của Chúa” được Giô-ên cảnh báo chắc chắn xảy ra trong giai đoạn từ lúc chia đôi quốc gia Y-sơ-ra-ên (932 B.C) đến thời tiên tri Ma-la-chi (400 B.C).[30] Nạn cào cào cũng từng được Môi-se (Phục 28: 38) và Sa-lô-môn (I Vua 8: 37) tiên báo trước đó. Tai vạ cào cào, châu chấu tạo cơ hội để nhà tiên tri ám chỉ đến những đoàn quân sẽ giày xéo Giê-ru-sa-lem trong tương lai. Có nhiều giả định cho rằng Giô-ên cảnh cáo Giu-đa sẽ bị tấn công bởi quân Ba-by-lôn nếu họ không chịu xưng tội ăn năn với Đức Chúa Trời. Giô-ên nói tiên tri về sự kiện Nê-bu-cát-nết-sa sẽ chinh phục Giu-đa và bắt lưu đày toàn dân tộc.[31]
III. PHÂN TÍCH BẢN VĂN
1. So sánh các bản dịch
Sau đây là 4 bản dịch: Hebrew, bản RSV, bản Truyền thống và bản Dịch Mới.
      
Bản Hebrew

12     וְגַם־עַתָּה נְאֻם־יהוה שֻׁבוּ עָדַי בְּכָל־לְבַבְכֶם וּבְצוֹם וּבִבְכִי וּבְמִסְפֵּד׃
13     וְקִרְעוּ לְבַבְכֶם וְאַל־בִּגְדֵיכֶם וְשׁוּבוּ אֶל־יהוה אֱלֹהֵיכֶם כִּי־חַנּוּן וְרַחוּם הוּא אֶרֶךְ אַפַּיִם וְרַב־חֶסֶד וְנִחָם עַל־הָרָעָה׃
14     מִי יוֹדֵעַ יָשׁוּב וְנִחָם וְהִשְׁאִיר אַחֲרָיו בְּרָכָה מִנְחָה וָנֶסֶךְ לַיהוה אֱלֹהֵיכֶם׃
15     תִּקְעוּ שׁוֹפָר בְּצִיּוֹן קַדְּשׁוּ־צוֹם קִרְאוּ עֲצָרָה׃
16     אִסְפוּ־עָם קַדְּשׁוּ קָהָל קִבְצוּ זְקֵנִים אִסְפוּ עוֹלָלִים וְיֹנְקֵי שָׁדָיִם יֵצֵא חָתָן מֵחֶדְרֹו וְכַלָּה מֵחֻפָּתָהּ׃
17     בֵּין הָאוּלָם וְלַמִּזְבֵּחַ יִבְכּוּ הַכֹּהֲנִים מְשָׁרְתֵי יהוה וְיֹאמְרוּ חוּסָה יהוה עַל־עַמֶּךָ וְאַל־תִּתֵּן נַחֲלָתְךָ לְחֶרְפָּה לִמְשָׁל־בָּם גּוֹיִם לָמָּה יֹאמְרוּ בָעַמִּים אַיֵּה אֱלֹהֵיהֶם׃
         
          Bản Truyền Thống

12 Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ cũng hãy hết lòng trở về cùng ta, kiêng ăn, khóc lóc và buồn rầu. 13 Hãy xé lòng các ngươi, và đừng xé áo các ngươi. Khá trở lại cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi; vì Ngài là nhân từ và hay thương xót, chậm giận và giàu ơn, đổi ý về sự tai vạ. 14 Ai biết được Ngài sẽ chẳng xây lòng đổi ý, chẳng để lại phước lành sau mình, tức là của lễ chay, lễ quán cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, hay sao?15 Hãy thổi kèn trong Si-ôn; hãy định sự kiêng ăn, gọi một hội đồng trọng thể! 16 Hãy nhóm dân sự, biệt riêng hội chúng nên thánh; hãy mời các trưởng lão đến đó! Hãy họp lại các con trẻ, và những đứa đương bú vú! Người chồng mới khá ra khỏi buồng mình, và người vợ mới khá ra khỏi chốn động phòng! 17 Các thầy tế lễ, là những kẻ hầu việc Đức Giê-hô-va, khá khóc lóc giữa hiên cửa và bàn thờ, và nói rằng: Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy tiếc dân Ngài, và chớ để cơ nghiệp Ngài bị sỉ nhục, và bị các nước cai trị! Làm sao để người ta nói giữa các dân tộc rằng: Nào Đức Chúa Trời chúng nó ở đâu?


2. Nhận định sự khác nhau và các vấn đề liên quan đến bản văn
- Câu 12: Danh “Giê-hô-va.” Bản Hebrew viết יְהוָה”, bản Truyền thống dịch “Đức Giê-hô-va” là chính xác. Còn bản RSV dịch: “LORD” và bản dịch Mới dịch: “CHÚA” là do người Do-thái “kiêng” gọi Danh “Giê-hô-va”.[32] Danh “Giê-hô-va” rất quan trọng trong Cựu ước nhằm nhấn mạnh Thân vị và mối quan hệ của Ngài đối với con người.[33] Chữ “Chúa” (Adonai)  là tên gọi thay thế cho từ ngữ “Giê-hô-va.”[34]
- Câu 13: Bản Hebrew có liên từ “וְלֹא” (và không), bản RSV dịch “And rend your hearts and not your garments.” Bản Truyền thống dịch là “Hãy xé lòng, đừng xé áo” là chính xác với nguyên văn. Tuy nhiên bản dịch Mới “Hãy xé luôn cả lòng các con, Đừng chỉ xé áo mà thôi” là thiếu chính xác. Điều mà vị tiên tri muốn nhấn mạnh ở đây là hãy tan vỡ tấm lòng, hãy bày tỏ sự ăn năn chân thành cho cuộc khủng hoảng hiện tại.[35]
- Câu 14: Bản Hebrew viết מִי יוֹדֵעַ î Bản RSV “Who knows whether he will not turn and repent.” Bản Truyền thống dịch là “Ai biết được Ngài sẽ chẳng xây lòng đổi ý gây khó hiểu. Bản dịch mới dịch mới “Biết đâu Ngài sẽ nghĩ lại và đổi ý” dễ hiểu và khá chính xác. Câu này nhằm khẳng định chắc chắn Chúa sẽ cứu giúp nếu dân Ngài ăn năn.[36] Hơn nữa “xây lòng đổi ý” (ăn năn) ở đây không mang ý nghĩa Chúa đã làm điều gì sai nên Ngài phải ăn năn. “Ăn năn” ở đây có nghĩa là Ngài thay đổi kế hoạch (Sáng Thế K‎ý 6: 6).[37]
- Câu 15: bản Hebrew viết “שׁוֹפָר”, bản RSV dịch là: “The trumpet,” bản Truyền thống dịch: “Kèn” là chính xác. Còn bản Dịch Mới ghi “Tù và” là chưa chính xác, vì “Tù và” là một loại kèn làm bằng sừng trâu. Kèn ở đây làm bằng đồng thau hình cái phễu,[38] hoặc rất có thể là những ống loa bằng bạc được nói đến ở Dân-số- 10: 2. Chúng thường được thổi để: triệu tập dân chúng, chuẩn bị đánh trận, các kỳ lễ trọng thể và kêu gọi ăn năn (Ê-sai 58: 1, Ô-sê 5: 8).
- Câu 15: Bản Hebrew viết קִרְאוּ עֲצָרָה׃” chữ này có nghĩa cuộc hội họp thảo luận về luật pháp, tôn giáo hay giải trí.[39] Bản RSV dịch là: “A solemn assembly,” bản Truyền Thống dịch: “Hội đồng trọng thể!” là chính xác. Bản Dịch Mới “Buổi họp trọng thể!” Tuy nhiên, chữ  “Buổi họp” không phản ảnh tính nghiêm trọng như đáng phải có.
- Câu 17: Bản Hebrew viết “בֵּין הָאוּלָם וְלַמִּזְבֵּחַ” Bản KJV dịch là: “Between the porch and the altar,” (giữa hiên và bàn thờ).[40] bản RSV dịch làBetween the vestibule and the altarlet,” (giữa hành lang, tiền sảnh, cổng và bàn thờ).[41] Bản Truyền thống dịch là “giữa hiên cửa và bàn thờ,” bản Dịch Mới dịch “Giữa cổng đền và bàn thờ.Hai bản Việt ngữ giúp cho ý nghĩa rõ ràng hơn.
- Qua so sánh các bản dịch trên với nguyên văn Hebrew, chúng ta nhận thấy có sự khác nhau giữa các bản dịch về danh Đức Giê-hô-va, về mệnh lệnh ăn năn, mô tả quang cảnh cuộc hội đồng... Người viết nhận thấy bản Truyền thống dịch tốt hơn nên bài nghiên cứu này sẽ sử dụng bản Truyền thống, tuy nhiên có tham khảo một số chi tiết trong bản Dịch Mới giúp làm rõ thêm ý nghĩa.
3. Giới hạn bản văn
a. Cấu trúc của sách
1: 1                 Tựa đề
1: 2 – 2: 17     Kêu gọi cầu nguyện
                       1: 2 – 4          Tính cách nghiêm trọng của hoàn cảnh
                       1: 5 – 12        Thách thức từng thành phần nhân dân
                       1: 13 – 20       Kêu gọi công chúng cầu nguyện
                       2: 1 – 11         Giảng dạy về một phán quyết
                       2: 12 – 17       Cơ hội duy nhất
2: 18 – 3: 21   Đáp ứng Lời cầu nguyện
                       2: 18 – 27       Thắng nạn dịch cào cào
                       2: 28 - 2: 32  Cuộc tái tạo và sự bảo vệ dành cho dân sự của Đức Chúa Trời
                       3: 1 - 17      Nỗi khổ nạn của các nước và sự an toàn của Y-sơ-ra-ên
                     3: 18 – 21     Phước hạnh dành cho dân sự của Đức Chúa Trời.[42]
b. Bản văn trong bối cảnh cả sách
Nước Giu-đa đứng trước nguy cơ đối diện án phạt của Đức Chúa Trời, đây là vấn nạn cấp thiết quan trọng. Nhà tiên tri cho biết rằng ăn năn tội lỗi, trở về cùng Đức Chúa Trời là giải pháp tối ưu, là chìa khoá, là bí quyết để thoát khỏi hình phạt và hưởng những ơn phước của Chúa. Giô-ên cho biết dân tuyển còn một cơ hội và họ nên nắm lấy thời điểm này để trở lại cùng Chúa. Cơ hội này có tính chất quyết định, đây là điểm kết nối giữa phước hạnh và rủa sả. Vì vậy lời kêu gọi ăn năn trong chương 2: 12 – 17 là điểm nhấn quan trọng, là trung tâm của cả sách. Ăn năn chính là khởi điểm của phước lành, ngược lại không ăn năn cũng chính là khởi đầu của hình phạt.
c. Giới hạn bản văn
Sứ điệp chính của Giô-ên là lời cảnh báo cho toàn dân Y-sơ-ra-ên rằng: họ cần phải ăn năn tội lỗi với Đức Chúa Trời, nếu không thì thiên tai và nhân tai sẽ giáng trên họ. Giô-ên là lời tuyên cáo về nguy cơ tai ương, bệnh dịch, chiến tranh, hạn hán, đói kém...[43] sẽ tàn phá đất nước Giu-đa. Tiên tri Giô-ên cho thấy tình hình nghiêm trọng thời bấy giờ,[44] dân Y-sơ-ra-ên đứng trước hai sự chọn lựa: hoặc vâng theo lời của Đức Giê-hô-va hoặc xây lưng với Ngài.
Bản ký thuật của Giô-ên cho thấy: chủ thể phát ngôn – Đức Giê-hô-va – xuất hiện 3 lần trong sách Giô-ên. Chương 1: 1 Đức Giê-hô-va phán với Giô-ên... Chương 2: 15  Đức Giê-hô-va phán với toàn dân và chương 3: 1 Đức Giê-hô-va động lòng. Dò theo văn mạch, 2: 15 là một khởi đầu mới vì có sự phát ngôn cách trực tiếp của Đức Giê-hô-va cho dân sự, sau đó là lời giải thích và hy vọng. Đây là chỗ duy nhất trong sách Chúa phán trực tiếp với dân tuyển, do đó chương 2: 12 – 17 chính là trung tâm của cả sách.
IV. NGHĨA CỦA TỪ
1. Những từ ngữ quan trọng
- “Đức Giê-hô-vaיהוה  có nghĩa là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu,” (I Am that I Am
- Xuất 3: 15). Tạm dịch: “Ta là Đấng Ta Là.” Danh hiệu này có nghĩa: “Ta là Đấng có mặt, Ta hiện diện, Ta sẵn sàng cứu giúp và hành động...[45] Danh Đức Giê-hô-va hoặc “CHÚA” (Adonai - Bản RSV) nhằm nhấn mạnh đến giao ước, lời hứa.
- “Hãy hết lòng trở về”  trong nguyên văn Hebrew là  שֻׁבוּ, chữ này có nghĩa: quay trở lại, trở về.[46] Bản RSV dịch là “Return to me with all your heart.” Bản Truyền thống dịch “Hãy hết lòng trở về” rất chính xác.
- “Hãy xé lòng”: וְקִרְעוּ לְבַבְכֶם dịch sát nguyên văn “rend your heart (KJV). Động từ קִרְע “tear, rend” (xé rách) xuất hiện 19 lần trong Cựu ước,[47] nhưng chỉ có sứ điệp của tiên tri Giô-ên cho biết cần phải “xé” tấm lòng. Một cách nói thậm xưng cho thấy tính nghiêm trọng của tội lỗi và dân tuyển cần phải ăn năn tận đáy lòng, phải dốc đổ lòng mình ra trước mặt Chúa. Họ cần phải ăn năn toàn bản thể với tận đáy lòng của mình. Sự ăn năn thật đến từ tâm thần thống hối và đau thương (Thi thiên 51: 17) chứ không đến từ hình thức bên ngoài (như xé áo).
- “Của lễ chay, của lễ quán” của lễ chay מִנְחָה dâng bằng ngũ cốc,[48] (bột mì mịn), của lễ quán וָנֶסֶךְ dâng bằng rượu nho (Lê-vi-ký 23: 13).[49] “Của lễ chay, của lễ quán theo sau” có nghĩa khi nạn châu chấu qua đi, đất nước sẽ được phục hồi, cụ thể là hoa màu và ngũ cốc sẽ tăng trưởng trong đó có lúa mì (bột mịn) và cây nho (rượu).
- “Thổi kèn”: תִּקְעוּ שׁוֹפָר được dùng trong chiến tranh, giải trí, lễ hội, ma chay... Nhưng bối cảnh ở đây, “Kèn” được sử dụng cho mục đích tôn giáo,[50] cụ thể là triệu tập dân chúng để tuyên cáo một Kỳ hội đồng trọng thể.
- “Hội đồng trọng thể”: קָהָל קִבְצוּ : cuộc triệu tập, hội họp của toàn dân bao gồm nam phụ lão ấu... Từ người cao tuổi đến trẻ thơ, từ hàng giáo phẩm đến thường dân, từ các người hầu việc nơi đền thờ cho đến cô dâu chú rể vừa mới cưới...
- Biệt riêng hội chúng nên thánh: קַדְּשׁוּ . Từ “nên thánh” mang ý nghĩa biệt riêng, thánh hóa, tẩy sạch tội lỗi.[51] Tác giả muốn nhấn mạnh rằng dân tuyển cần phải có sự ăn năn, phân rẽ với tội lỗi cả trong tư tưởng lẫn hành động.
- Buồng, chốn động phòng: מֵחֶדְרֹו. Phòng cưới của đôi tân hôn. Sự ăn năn không ngoại trừ một ai, thậm chí những người đang hưởng tuần trăng mật.[52]
- Hiên cửa và bàn thờ: בֵּין הָאוּלָם וְלַמִּזְבֵּחַ. Tất cả những người hầu việc tại đền thờ cũng cần phải ăn năn cho thấy tính nghiêm trọng của nan đề.[53] Sự ăn năn phải khởi sự từ Nhà Chúa (I Phi 4: 17a), sau đó lan truyền đến toàn dân.
2. Số từ được lặp đi lặp lại
- “Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời” sự lặp lại Danh Chúa nhiều lần chứng tỏ Đức Chúa Trời là chủ thể phát ngôn, chính Chúa đang kêu gọi con cái Ngài hãy ăn năn tội lỗi mình.
- Hãy: Là từ ngữ mệnh lệnh, cho thấy việc ăn năn là rất khẩn cấp, đang ở mức báo động cao.
- Trở về: Nhấn mạnh sự xây lòng đổi ý là điều kiện quan trọng cho sự ăn năn.
- : Hành động bày tỏ sự ăn năn, thống hối, đau buồn ở mức cao nhất, chữ này cho thấy bản chất của sự ăn năn hết sức quyết liệt, rất dứt khoát. Chữ “xé” mô tả cuộc khủng hoảng chưa từng có.[54]
- Khóc lóc: Sự than khóc xuất phát từ tấm lòng ăn năn thống hối vì đã phạm tội, chọc giận Đức Chúa Trời.
- Kiêng ăn: Chứng tỏ sự đau buồn, hối tiếc đến nỗi quên ăn uống.
3. Mục đích sử dụng
Tiên tri Giô-ên sử dụng những từ ngữ trên cách rõ ràng, mạnh mẽ, dứt khoát  để kêu gọi dân chúng hãy đồng lòng hiệp ý trong sự ăn năn, cầu nguyện, tìm kiếm sự tha thứ và ân điển của Đức Chúa Trời. Nếu họ ăn năn, nhiều khả năng Đức Chúa Trời sẽ đổi ý và ban phước lành cho họ. Có một tia hy vọng thấp thoáng sau sứ điệp chính, điều này cho thấy ý thức về ân điển Đức Chúa Trời của tác giả xuyên suốt từ đầu đến cuối quyển sách.[55]
V. TÌM HIỂU CÚ PHÁP
1. Cấu Trúc Đoạn Văn

Chia làm hai phần: Phần 1 là sự kêu gọi ăn năn, phần 2 là công bố kỳ ăn năn

Cấu Trúc 1

Sự ăn năn thật

Câu
Cấu trúc
Bản Truyền thống


Phần 1
Kêu gọi ăn năn

12
Lời kêu gọi ăn năn
Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ cũng hãy hết lòng trở về cùng ta, kiêng ăn, khóc lóc và buồn rầu.
13a
Thái độ ăn năn
Hãy xé lòng các ngươi, và đừng xé áo các ngươi. Khá trở lại cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi.
13b - 14
Hy vọng từ sự ăn năn
Vì Ngài là nhân từ và hay thương xót, chậm giận và giàu ơn, đổi ý về sự tai vạ. Ai biết được Ngài sẽ chẳng xây lòng đổi ý, chẳng để lại phước lành sau mình, tức là của lễ chay, lễ quán cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, hay sao?

Phần 2
Công bố kỳ ăn năn

15
Lời kêu gọi ăn năn
Hãy thổi kèn trong Si-ôn; hãy định sự kiêng ăn, gọi một hội đồng trọng thể!
16
Những thành phần phải ăn năn
Hãy nhóm dân sự, biệt riêng hội chúng nên thánh; hãy mời các trưởng lão đến đó! Hãy họp lại các con trẻ, và những đứa đương bú vú! Người chồng mới khá ra khỏi buồng mình, và người vợ mới khá ra khỏi chốn động phòng! 17 Các thầy tế lễ, là những kẻ hầu việc Đức Giê-hô-va, khá khóc lóc giữa hiên cửa và bàn thờ.
17
Hy vọng từ sự ăn năn
Và nói rằng: Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy tiếc dân Ngài, và chớ để cơ nghiệp Ngài bị sỉ nhục, và bị các nước cai trị! Làm sao để người ta nói giữa các dân tộc rằng: Nào Đức Chúa Trời chúng nó ở đâu?

Cấu trúc 1 cho thấy  Bản văn có 2 phần rõ rệt. Phần 1 bày tỏ sự kêu gọi ăn năn, phần 2 công bố kỳ ăn năn. Phân đoạn này cho thấy một cấu trúc xen kẽ: lời kêu gọi ăn năn, thái độ ăn năn, hy vọng từ sự ăn năn. Phần 2: lời kêu gọi ăn năn, những thành phần ăn năn, hy vọng từ sự ăn năn... Phần 1 và 2 có nội dung song song:

(1) Lời kêu gọi ăn năn
(2) Thái độ ăn năn // Những thành phần ăn năn
(3) Hy vọng ăn năn


Cấu Trúc 2

Ăn năn và hy vọng

Phần 1

A. Nguồn gốc của sự ăn năn       2: 12             Mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va
B. Phương cách ăn năn              2: 13a           Tấm lòng ăn năn thật
C. Hy vọng từ sự ăn năn             2: 13b – 14    Đức Giê-hô-va là Đấng nhân từ

Phần 2

A’. Nguồn gốc của sự ăn năn     2: 15              Mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va       
B’. Phương cách ăn năn            2: 16              Nhóm họp dân chúng, ăn năn, khóc lóc
C’. Hy vọng từ sự ăn năn           2: 17              Cầu xin lòng thương xót của Chúa

2. Nhận định:
Cấu trúc Giô-ên 2: 12 – 17 cho thấy tác giả sử dụng những phương pháp:
- Cấu trúc xen kẽ: Lời kêu gọi ăn năn, thái độ ăn năn, hy vọng từ sự ăn năn được lặp lại hai lần. Đây là phương pháp thi văn Hebrew nhằm nhấn mạnh lẽ thật đang được trình bày.
- Từ mệnh lệnh: Dùng để bày tỏ tính nghiêm trọng của vấn nạn đương thời. Từ “Hãy” vừa là mệnh lệnh, vừa là lời kêu gọi, vừa là lời khuyên của Đức Chúa Trời.
- Phép hình bóng: Dùng ý nghĩa biểu tượng để làm nổi bật điểm nhấn quan trọng, tạo ấn tượng, tạo xúc động mạnh nơi người đọc. “Hãy xé lòng,” (c. 13) bày tỏ sự ăn năn tận đáy lòng. “Của lễ chay, của lễ quán” (c. 14) ngụ ý nói Chúa thăm viếng ban cho mùa màng dật.
- Song hành đồng nghĩa: Sử dụng từ ngữ giống nhau giữa các câu để nhấn mạnh: hãy kiêng ăn, hãy ăn năn, hãy khóc lóc…
- Lặp lại: Lặp đi lặp lặp lại những từ ngữ có cùng ý nghĩa để nhấn mạnh và làm sáng tỏ vấn đề đang bàn luận: kiêng ăn, khóc lóc và buồn rầu… cho thấy tấm lòng thống hối thành thật mà dân tuyển cần phải có. Nhân từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn, đổi ý về sự tai vạ… cho thấy lòng thương xót, sự thành tín với giao ước của Đức Chúa Trời.[56]
- Liệt kê: Phương pháp liệt kê dùng để mô tả quang cảnh và đa dạng hoá các thành phần phải tham gia hội đồng ăn năn. Trưởng lão, con trẻ, con đương bú, người chồng mới, người vợ mới, thầy tế lễ, kẻ hầu việc…Thổi kèn trong Si-ôn, sự kiêng ăn, hội đồng trọng thể, nhóm dân sự, biệt riêng hội chúng nên thánh, mời các trưởng lão, họp các con trẻ...
- Câu hỏi tu từ: “Ai biết được Ngài sẽ…? Làm sao để người ta nói…rằng: Nào Đức Chúa Trời chúng nó ở đâu?” Hai câu hỏi dùng để kết thúc hai phân đoạn Kinh thánh cho thấy thủ pháp đặc biệt của tác giả. Câu hỏi tu từ chỉ dùng để hỏi mà không có câu trả lời, nhằm dấy lên trong lòng người đọc sự suy gẫm, suy tư, tìm hiểu thậm chí tức giận phẫn nộ… xen lẫn tự ái dân tộc! Tác giả rất thành công vì để lại trong lòng người đọc ấn tượng sâu xa!
3. Mục đích của cấu trúc
Cấu trúc của bản văn cho thấy tác giả làm nổi bật sự kêu gọi ăn năn, phương cách phải ăn năn đồng thời gieo vào lòng người đọc hy vọng từ sự ăn năn đó. Đặc biệt hai câu C, C’ kết thúc bằng câu hỏi tu từ. Hai câu hỏi này cho thấy tác giả biết rất rõ lòng nhân từ thương xót của Đức Chúa Trời đối với dân Ngài trong quá khứ. Hai câu hỏi trên cũng là lời tuyên bố về chủ quyền tối cao của Đức Giê-hô-va,[57] chính Ngài đang nắm giữ mọi biến cố xảy ra trên mỗi quốc gia cũng như mỗi đời sống con dân Ngài. Hai câu hỏi này đang nhen nhóm ngọn lửa hy vọng nơi những người lắng nghe sứ điệp.
VI. PHÂN TÍCH THẦN HỌC
Ý nghĩa thần học: phân đoạn Kinh thánh của Giô-ên cho thấy Đức Chúa Trời muốn con dân Ngài nhận biết tình trạng của chính mình, ăn năn tội lỗi, trở lại với Chúa để được ban phước, tránh những án phạt không đáng có. Sứ điệp chính của Giô-ên kêu gọi toàn thể quốc gia Y-sơ-ra-ên ăn năn. Tư tưởng chính của vị tiên tri là hy vọng và vững tin nơi lòng nhân từ thương xót của Đức Chúa Trời.
Ngày của Đức Giê-hô-va không chỉ được nhìn thấy trong Giô-ên mà còn trong
Ê-sai, Amốt, Áp-đia, Sô-phô-ni, Xa-cha-ri… Có thể nói tư tưởng về “Ngày của Đức Giê-hô-va” xuyên suốt các sách tiên tri, “Ngày của Đức Giê-hô-va” cũng được nhìn thấy trong  sách Khải Huyền của Tân ước. Đây là ngày trọng đại,[58] ngày của sự thẩm phán cũng là ngày của phước lành. “Ngày của Đức Giê-hô-va” mang tính chất lưỡng diện: những ai trung tín với Đức Giê-hô-va sẽ được hưởng phước hạnh và ngược lại những ai không chịu ăn năn sẽ bị phán xét. Tai vạ cào cào châu chấu được nhà tiên tri mô tả chỉ là khúc dạo đầu của “Ngày Đức Giê-hô-va” được nhấn mạnh cách đặc biệt trong
chương 3.[59]
Sự ăn năn thật: là phương cách cứu vãn tình hình đất nước trên bờ vực sụp đổ. Ăn năn là xoay lòng mình trở lại với Chúa, từ bỏ đường lối cũ để bước theo điều răn của Đức Chúa Trời. Ăn năn là bí quyết đem đến phước hạnh cho quốc gia, Hội thánh và gia đình. Mọi người đều cần phải ăn năn và chính qua sự ăn năn, Đức Chúa Trời có cơ hội ban Đức Thánh Linh thay đổi vận mệnh[60] của cả cộng đồng, trên cả quốc gia. Điểm nhấn quan trọng của phân đoạn này là: Hãy ăn năn với Đức Chúa Trời bằng cả tấm lòng mình.[61]
Ân điển dựa trên giao ước: Giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham (Sáng 15: 4 – 5) khi xưa và sau đó được xác nhận bởi Môi-se (Xuất 34: 6), nay được nhà tiên tri xác nhận lần nữa. Sự kiện quan trọng là Đức Chúa Trời luôn trung thành với giao ước đầy ân điển của Ngài, đây chính là nền tảng của sự ăn năn. Dù dân Y-sơ-ra-ên bội giao ước Ngài nhiều lần nhưng với tình yêu thương đời đời, Ngài luôn sẵn sàng cho họ một cơ hội nữa.[62]
Đức Chúa Trời là Đấng quyền năng: Kinh thánh nói chung và Giô-ên nói riêng cho thấy một Đức Chúa Trời toàn năng. Ngài là Đấng có quyền trên mọi biến cố của thế giới và đời sống mỗi cá nhân. Đức Chúa Trời tể trị trên dòng lịch sử nhân loại cả về chính trị (phán xét các nước), quân sự (lưỡi cày rèn gươm, lưỡi liềm rèn giáo), tôn giáo (đổ Thần trên con người…), xã hội (Giu-đa sẽ còn đời đời), kinh tế (lúa mì, rượu mới, dầu), thiên tai dịch hoạ (châu chấu, sâu keo, cào cào)…
Đức Chúa Trời là Đấng giáng tai họa: Đây là một thực tế trải suốt lịch sử của Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương nhưng cũng là Đấng sẵn sàng giáng tai hoạ cho những ai bất tuân mạng lệnh của Ngài. Vì cớ dân tuyển phạm tội nên Đức Chúa Trời đã dùng thiên tai và các dân ngoại đánh phạt dân tuyển. Nhưng vì cớ các dân ngoại lạm dụng ngược đãi dân Chúa nên Ngài đã hiện ra để thẩm phán các dân tộc. Kết quả của hai sự thẩm phán là sự xuất hiện của Đấng Messiah để thiết lập kỷ nguyên mới.
Đức Chúa Trời là Đấng giàu lòng thương xót: Đây là điệp khúc lặp đi lặp lại trong suốt Cựu ước. Tuy nhiên lòng thương xót không được lạm dụng để che đậy tội lỗi. Nếu dân Chúa biết ăn thật lòng, Ngài sẽ thương xót trở lại để giải cứu họ. Những câu hỏi, những lời khẳng định trong sách luôn bày tỏ cách rõ ràng về sự thương xót này. Đức thương xót của Ngài là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sách Giô-ên!
Thần học phục hồi: Phía sau lời kêu gọi ăn năn là hy vọng, là lời khẳng định rằng Đức Chúa Trời sẽ phục hồi dân tuyển.[63] Tư tưởng phục hồi cũng xuyên suốt các sách tiên tri, phục hồi là điểm nối kết giữa hiện tại với tương lai, và ăn năn chính là khởi
điểm của thần học phục hồi. Nhà tiên tri cho biết Đức Chúa Trời sẽ thăm viếng và ban mưa xuống cho cánh đồng (2: 23), giải cứu họ (c. 28 – 32), đổ Thánh Linh (c. 28 – 29)… Đây là những yếu tố quan trọng để phục hồi dân sự Ngài.
VII. GIẢI NGHĨA
1. Sứ điệp của tác giả
Sứ điệp chính của Giô-ên công bố cho tuyển dân đương thời là: Hãy ăn năn. Sự ăn năn liên quan đến quyền tể trị, giao ước của Đức Chúa Trời và ý thức về ân điển Ngài. Tác giả kêu gọi toàn dân hãy ăn năn, hãy tổ chức một Hội đồng trọng thể, nhóm họp mọi thành phần trong xã hội để ăn năn tội lỗi, kêu la cùng Đức Chúa Trời, cầu xin Ngài thương xót. Tác giả cũng khẳng định Đức Giê-hô-va vì cớ giao ước, Ngài sẽ đổi ý về tại vạ và ban ơn cho xứ sở, đồng thời tuôn đổ Đức Thánh Linh trên Y-sơ-ra-ên. Điều này sẽ dọn đường cho sự xuất hiện của Đấng Messiah, Ngài cũng là Đấng sẽ phán xét toàn thể nhân loại tại trũng Meghido (3: 2, 12 – 13), chính Ngài sẽ thiết lập Vương quốc Thiên-Hy-Niên.
2. Giải nghĩa
2: 12 “Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ cũng hãy hết lòng trở về cùng ta, kiêng ăn, khóc lóc và buồn rầu.” Sau tai vạ cào cào châu chấu, hạn hán đói kém và lời cảnh báo về đoàn quân sẽ xâm lăng đất nước, tác giả công bố lời phán trực tiếp của Đức Giê-hô-va cho dân chúng. Đây là lời kêu gọi cũng là một mệnh lệnh. “Bây giờ” cho thấy đây là thời cơ tốt nhất để ăn năn. Hơn nữa cụm từ “Đức Giê-hô-va phán” cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề. Vì cớ tình trạng tội lỗi vượt quá mức cho phép và quốc gia Giu-đa đang đứng trước nguy cơ diệt vong nên lời kêu gọi ở đây mang tính cần thiết và cấp bách.[64]
2: 13: “Hãy xé lòng các ngươi, và đừng xé áo các ngươi.” Tục lệ xé quần áo của người Y-sơ-ra-ên bày tỏ phản ứng của họ trước khủng hoảng. Tuy nhiên ở đây nhà tiên tri kêu gọi dân chúng phải ăn năn tận đáy lòng chứ không phải các hành vi mang tính tôn giáo, bề ngoài. Con dân Chúa cần phải ăn năn, hối tiếc, dốc đổ bản thể mình, xây về Chúa. Sự thay đổi bên trong tấm lòng được Kinh thánh răn dạy là: cắt bì tấm lòng (Phục 10: 16).[65] Tấm lòng ăn năn thật được Chúa nhìn thấy và chính việc gìn giữ tấm lòng sẽ đưa đến con đường sống (Châm 4: 23).
2: 13 “Vì Ngài là nhân từ và hay thương xót, chậm giận và giàu ơn, đổi ý về sự tai vạ.” Đức Chúa Trời là tình yêu thương và chính tình yêu thương là cơ sở mà vị tiên tri đã xác nhận giao ước của Đức Chúa Trời với dân Ngài. Vì vậy Ngài sẵn sàng ban cho dân sự tội lỗi một cơ hội nữa. Mục đích tối hậu của Chúa không phải là án phạt nhưng để tái lập mối thông công với dân Ngài.[66]
2: 14 “Ai biết được Ngài sẽ chẳng xây lòng đổi ý, chẳng để lại phước lành sau mình.” Xây lòng đổi ý không có nghĩa rằng Đức Chúa Trời không kiên định hay Ngài đã làm điều gì sai, nhưng đây là sự thương xót, là ân điển vẫn đang chờ đợi người biết ăn năn… Ý chính ở đây là sự thay đổi tấm lòng của con người có thể lay động tấm lòng của Đức Chúa Trời, sự ăn năn có thể đưa đến sự đáp ứng của Đức Chúa Trời.[67] Nếu con dân Chúa biết “theo sau” Ngài, họ sẽ hưởng phước lành, bằng không họ đang đối đầu với Chúa Toàn Năng.
2: 14 “Của lễ chay, lễ quán” Của lễ chay làm bằng bột mì mịn, một sản phẩm của lúa mì. Của lễ quán dâng bằng rượu nho, một sản phẩm của cây nho. “Của lễ chay, của lễ quán theo sau” có nghĩa Đức Chúa Trời sẽ đoái thăm và ban mùa màng dư dật, cây nho sẽ sanh bông trái, lúa mì sẽ tốt tươi. Sự kiện này tương hợp với 2: 24: “Sân sẽ đầy lúa mì, thùng sẽ tràn rượu mới.” Của lễ chay nhấn mạnh sự tận hiến[68] và của lễ quán nhấn mạnh đến sự cảm ơn.[69] Sau khi nhận sự tha thứ và ơn lành của Chúa, dân Ngài sẽ bày tỏ lòng biết ơn và có đời sống thánh khiết.
2: 15 “Hãy thổi kèn trong Si-ôn.” Kèn ở đây là “Trumpet” được dùng để thổi
mỗi khi tập hợp dân chúng vào những dịp như: có sự nhóm hiệp thánh (Lê 23: 24), trong ngày lễ chuộc tội (Lê 25: 9), khi đánh trận (Giô-suê 6: 20), khi ngưng chiến (II Sam 20; 22), khi thỉnh hòm giao ước (II Sam 6: 15), khi lập vua mới (I Vua 1: 39; II Vua 9: 13)… Thổi kèn ở đây để triệu tập dân chúng cho một sự nhóm hiệp thánh.
2: 16 “Hãy họp lại các con trẻ, và những đứa đương bú vú ! Người chồng mới khá ra khỏi buồng mình, và người vợ mới khá ra khỏi chốn động phòng!” Câu này thường gây khó hiểu, vì sao con trẻ và con đương bú cũng được triệu tập? Vì sao chú rể và cô dâu cũng được gọi đến? Như chúng ta biết trẻ con được nghỉ ngơi vì chúng quá nhỏ. Cô dâu chú rể cũng được miễn làm việc theo luật pháp (Lê 24: 25). Tuy nhiên, bối cảnh của Giu-đa trong hiện tại là hết sức đặc biệt, đứng trước bờ vực hư vong của đất nước, thậm chí con trẻ, chú rể, cô dâu cũng cần phải tham dự nhóm họp trong ngày của Đức Giê-hô-va.[70] Hiệu quả ăn năn phải bao trùm toàn thể dân chúng từ người lớn nhất đến người nhỏ nhất, không ngoại trừ một ai. Hình ảnh này cho thấy mọi người đều là tội nhân[71] và cần có sự đồng lòng của toàn dân khi trở về cùng Chúa.
2: 16 “Các thầy tế lễ, là những kẻ hầu việc Đức Giê-hô-va, khá khóc lóc giữa hiên cửa và bàn thờ.” Mệnh lệnh ăn năn của Chúa truyền bao gồm mọi thành phần, từ các thầy tế lễ đến thường dân, từ các bậc trưởng lão đến trẻ đương bú, thậm chí những người được nghỉ ngơi theo luật pháp như chú rể, cô dâu cũng phải tham dự hội đồng này, không có ngoại lệ nào. Giữa hiên cửa và bàn thờ, thậm chí tội lỗi cũng có ở đây và vì vậy các người hầu việc ở đây cũng cần ăn năn. Giáo sư Walter Wolff, nhà thần học người Đức giải thích rằng: Đây là nơi Ê-xê-chi-ên thấy dân Y-sơ-ra-ên thờ lạy mặt trời (Êxê 8: 16), đây cũng là nơi tiên tri Xa-cha-ri bị giết (Mat 23: 35). Chính tại nơi này các Thầy tế lễ phải ăn năn và khóc lóc cho chính mình và cho dân sự.[72]
2: 17 “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy tiếc dân Ngài, và chớ để cơ nghiệp Ngài bị sỉ nhục, và bị các nước cai trị! Làm sao để người ta nói giữa các dân tộc rằng: Nào Đức Chúa Trời chúng nó ở đâu?” Nếu dân tuyển bị hình phạt, bị kẻ thù tấn công, sẽ có hai sự xấu hổ: thứ nhất dân Y-sơ-ra-ên sẽ bị các nước khác chê cười, bị xấu hổ. Thứ hai chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời cũng bị xấu hổ, Danh thánh Ngài sẽ bị sỉ nhục. Trong khi cầu nguyện ăn năn với Chúa, tuyển dân không ngần ngại trước một lý lẽ nào cả.[73] Từ ngữ “Làm sao” cho thấy rằng sự hình phạt là việc không thể chấp nhận. Câu này thể hiện nỗ lực, quyết tâm ăn năn, sự dự đoán và thậm chí quả quyết rằng: Sự hình phạt không thể và không nên xảy ra!
    VIII. ÁP DỤNG
1. Bố cục bài giảng

Bài giảng 1
Đề tài: Kêu gọi ăn năn
Kinh thánh: Giô-ên 2: 12 – 14
Câu gốc: Giô-ên 2: 13

1. Lời kêu gọi ăn năn (c. 12)
a. Hãy hết lòng trở về cùng Chúa
b. Kiêng ăn, khóc lóc, buồn rầu
2. Thái độ của sự ăn năn (c. 13)
a. Hãy xé tấm lòng
b. Trở lại cùng Chúa
3. Hy vọng từ sự ăn năn (c. 14)
a. Ngài sẽ đổi ý về tai vạ
b. Để lại phước lành

Bài giảng 2
Đề tài: Công bố kỳ ăn năn
Kinh thánh: Giô-ên 2: 15 – 17
Câu gốc: Giô-ên 2: 16 – 17a

1. Lời kêu gọi ăn năn
a. Thổi kèn tập hợp dân chúng
b. Hội đồng ăn năn
2. Những thành phần phải ăn năn
a. Nhà lãnh đạo
b. Dân chúng
3. Hy vọng từ sự ăn năn
a. Đức Giê-hô-va sẽ tiếc dân Ngài
b. Đức Giê-hô-va không để cơ nghiệp bị sỉ nhục

2. Áp dụng: Bài giảng này được dùng để giảng vào dịp cuối năm để Hội thánh cùng nhìn lại những thiếu sót, tội lỗi của mình và ăn năn cùng Đức Chúa Trời. Đặc biệt trong thời kỳ hiện nay tình trạng thuộc linh của Hội thánh chung đang đi xuống, sự thờ phượng, cầu nguyện, thông công chỉ ở mức trung bình trong khi những tiêu cực, tiếng xấu ngày càng gia tăng. Giới Tin lành thường đổ lỗi cho nhau vì cớ con  số 1 – 2 % CĐN/90 triệu dân vẫn không thay đổi nhiều suốt một trăm năm qua… Làm thế nào để vực dậy Hội thánh, bùng nổ Phúc âm, khuyến khích mọi người tham gia cuộc chạy đua Cơ-đốc tại Việt nam? Phương cách khả dĩ nhất đó là: Hội thánh cần phải ăn năn!
Ăn năn, cầu nguyện, trở lại cùng Chúa với cả tấm lòng chính là phương cách, là bí quyết để phục hưng các Hội thánh tại Việt nam hiện nay. Hàng giáo phẩm và toàn thể con dân Chúa hãy “xé lòng mình”, hãy dốc đổ chính mình, hãy trở lại cùng Chúa, hãy hiệp một trong Danh Chúa, hãy kiêng ăn cầu nguyện để Phúc âm có thể bùng nổ trên đất nước này. Nếu không, Chúa sẽ kíp đến để phán xét tất cả chúng ta!
KẾT LUẬN
Vì Ngài là nhân từ và hay thương xót, chậm giận và giàu ơn, đổi ý về sự tai vạchính là lời tuyên bố mang tính trọng tâm của sứ điệp sách Giô-ên. Sự nhân từ thương xót, chậm giận của Đức Chúa Trời luôn dành sẵn cho những người có lòng sẵn sàng! (Luca 2: 14).
Sách Giô-ên chính là lời công bố về “Ngày của Chúa,” là một sứ điệp có giá trị vượt thời gian. Sứ điệp của Giô-ên không chỉ đúng cho dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa mà còn đúng cho Hội thánh ngày nay và trong cả tương lai. Thiên tai, dịch hoạ, biến động, khủng hoảng xảy ra càng nhiều chứng tỏ rằng “Ngày của Đức Giê-hô-va” đang đến gần và tất cả những ai biết Chúa và kính sợ Ngài đều cần có sự ăn năn. Hãy dốc đổ lòng mình trước mặt Chúa, hãy xưng tội với Chúa và với nhau, hãy phục hồi mối thông công với Đức Chúa Trời để tìm kiếm ơn thương xót!
Muốn có đời sống thánh khiết, đẹp lòng Chúa, Hội thánh cần phải ăn năn, các Mục sư và các tín hữu cần phải ăn năn, từ người nhỏ đến các bậc Trưởng lão đều cần phải ăn năn với Đức Chúa Trời. Người viết tin rằng đây chính là bí quyết, là nguồn gốc của mọi phước hạnh và sứ điệp của Giô-ên không chỉ dành cho Y-sơ-ra-ên mà còn là của chúng ta! Amen.

THƯ MỤC


Archer, Gleason. A Survey of Old Testament Introduction. Chicago: Moody Press, 1974.
Baab, Otto J. The Theology of the Old Testament. New York: Abingdon Press, 1949.
Bromiley, Geoffrey W.  et. al. The International Standard Bible Encyclopedia - Volume: 2. Grand Rapids: Eerdmans, 1979.
Birch, Bruce. et. al. A Theological Introduction To The Old Testament [Translate into Vietnamese]. Nashvile: Abingdon Press, 1999.
Calvin, John. Calvin's Commentaries: Joel. Albany: Ages Software, 1998.
Cohon, Beryl D. The Prophets:Their Personalities and Teachings. New York: Charles Scribner's Sons, 1939.
Ellison, H. L. Sứ Điệp Cựu ước. Anaheim: Union University of California, Np.
Freedman, David Noel. The Anchor Bible Dictionary The Anchor Bible Dictionary. New York : Doubleday, 1996.
Finley, Thomas J. An Exegetical Commentary: Joel, Amos, Obadia. La Mirada: Biblical Studies Press,  2003.
Horn, Siegfried H. Seventh-day Adventist Bible Dictionary. Washington: Review and Herald Publishing Association, 1979.
Jeffrey, David L. A Dictionary of Biblical Tradition in English Literature. Grand Rapids:
Eerdmans, 1992.
Jones, Spence . The Pulpit Commentary: Joel. Bellingham: Logos Research Systems, Inc., 2004.
Levy, David M. Joel, the Day of the Lord : A Chronology of Israel's Prophetic History New Jersey: The  Friends of Israel Gospel Ministry, Inc, 1987.
Morgan, G. Campell. Giải Nghĩa Các Sách Tiên Tri. Saigon: Nhà Xuất Bản Tin Lành, 1965..
Marshall, I. Howard. et, al. Thánh Kinh Tân Từ Điển. Saigon: Nhà Xuất bản Phương Đông, 2011.
Mays, James Luther & Paul J. Achtemeier, Interpreting the Prophets. Minneapolis: Fortress Press, 1987.
Ogden, Graham S. A Promise of Hop - a Call to Obedience: A Commentary on the Books of Joel and Malachi . Grand Rapids: Eerdmans, 1987.
Sawyer, John F. A. Prophecy and the Biblical Prophets. Oxford: Oxford University Press, 1993.
Smith, Henry Preserved. Old Testament History. New York: Charles Scribner's Sons, 1925.
Unger, Merrill F. Ungers Bible Dictionary. Dallas: Moody Press, 1966.
Wenham, G. J. et. al. Giải Nghĩa Các Thư Tín – Tập IV. Hà Nội: Nhà Xuất bản Tôn giáo, 2004.
Wilson, Robert R. Prophecy and Society in Ancient Israel. Philadelphia: Fortress Press, 1980.
Wolff, Hans Walter.  et, al. Joel and Amos: A Commentary on the Books of the Prophets Joel and Amos. Philadelphia: Fortress Press, 1977.
Wood, D. R. W. New Bible Dictionary. Illinois: InterVarsity Press, 1996.
_______ Nghiên Cứu Các sách Tiểu Tiên Tri. Anaheim: Union University of California, 2002.
The Hebrew Bible: Andersen-Forbes Analyzed Text; Bible. O.T. Hebrew. Andersen-Forbes. Logos Bible Software, 2006.
Enhanced Brow-Driver-Brigges Hebrew And English Lexicon.
Merriam-Webster's Collegiate Dictionary
Bible Word Study




[1] _______ Nghiên Cứu Các sách Tiểu Tiên Tri (Anaheim: Union University of California, 2002), 157.
[2] G. J. Wenham et. al. Giải Nghĩa Các Thư Tín – Tập IV (Hà Nội: Nhà Xuất bản Tôn giáo, 2004), 449.
[3] William Macdonand, Chú Giải Kinh Thánh Cưu ước (Thomas Nelson Publisher, 2004), 993.
[4] Bruce Birch  et. al. A Theological Introduction To The Old Testament [Translate into Vietnamese] (Nashvile: Abingdon Press, 1999), 303.
[5] Thomas J. Finley, An Exegetical Commentary - Joel, Amos, Obadiah (La Mirada: Biblical Studies Press, 2003), 09.
[6] Beryl D. Cohon, The Prophets: Their Personalities and Teachings (New York: Charles Scribner's Sons, 1939), 214.
[7] John Calvin, Calvin's Commentaries: Joel (Albany: Ages Software, 1998), np.
[8] Thomas J. Finley, Ibid, 09.
[9] Hans Walter Wolff et, al. Joel and Amos: A Commentary on the Books of the Prophets Joel and Amos (Philadelphia: Fortress Press, 1977), 03.
[10] William Macdonand, Ibid, 992.
[11] Spence Jones, The Pulpit Commentary: Joel (Bellingham: Logos Research Systems, Inc., 2004) vi.
[12] David M. Levy, Joel, the Day of the Lord : A Chronology of Israel's Prophetic History (New Jersey: The  Friends of Israel Gospel Ministry, Inc, 1987), np.
[13] David M. Levy, Ibid, np.

[14] William Macdonand, Ibid, 992 – 993.
[15] Merrill F. Unger. Ungers Bible Dictionary (Dallas: Moody Press, 1966), 595.
[16] Henry Preserved Smith, Old Testament History (New York: Charles Scribner's Sons, 1925), 203 – 204.
[17] William Macdonand, Ibid, 993.
[18] William Macdonand, Ibid, 992.
[19] William Macdonand, Ibid, 993.
[20] John F. A. Sawyer, Prophecy and the Biblical Prophets (Oxford: Oxford University Press, 1993), 122.
[21] Siegfried H. Horn, Seventh-day Adventist Bible Dictionary (Washington: Review and Herald Publishing Association, 1979), np.
[22] Otto J. Baab, The Theology of the Old Testament (New York: Abingdon Press, 1949), 194.
[23] Hans Walter Wolff et, al. Ibid , 25.
[24] John F. A. Sawyer, Ibid, 112.
[25] Robert R. Wilson, Prophecy and Society in Ancient Israel (Philadelphia: Fortress Press, 1980), 290.
[26] Merrill F. Unger. Ibid, 595.
[27] D. R. W. Wood, New Bible Dictionary (Illinois: InterVarsity Press, 1996), 975.
[28] Ibid, 595.
[29] Geoffrey W. Bromiley et. al. The International Standard Bible Encyclopedia - Volume: 2 (Grand Rapids: Eerdmans, 1979), 1076.
[30] Merrill F. Unger. Ibid, 595.
[31] Hans Walter Wolff  et, al. Ibid, 04.
[32] David Noel Freedman, The Anchor Bible Dictionary (New York: Doubleday, 1996), S. 6:1012.
[33] I. Howard Marshall. et, al. Thánh Kinh Tân Từ Điển (Saigon: Nhà Xuất bản Phương Đông, 2011), 580.
[34] David Noel Freedman, Ibid, S. 6:1012. (Điều răn thứ ba: “Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi” [Xuất 20: 7]. Do đó, người Do-thái không gọi trực tiếp danh: “Giê-hô-va” mà gọi Ngài là “Adonai” - CHÚA).
[35] Graham S. Ogden, A Promise of Hop - a Call to Obedience: A Commentary on the Books of Joel and Malachi  (Grand Rapids: Eerdmans, 1987), 29.
[36] Ibid , 30.
[37] Ibid , 30.
[38] Merriam-Webster's Collegiate Dictionary
[39] Ibid.
[40] Bible Word Study - KJV
[41] Merriam-Webster's Collegiate Dictionary
[42] G. J. Wenham et. al. Ibid, 455.
[43] Beryl D. Cohon, Ibid, 214.
[44] H. L Ellison, Sứ Điệp Cựu ước (Anaheim: Union University of California, Np), 63.
[45] Gleason Archer, A Survey of Old Testament Introduction (Chicago: Moody Press, 1974), 128.
[46] Trong Cựu ước có hai chữ được dịch “ăn năn” là:  וְנִחָם  (hối tiếc, thay đổi tấm lòng) và שֻׁבוּ (quay lại, trở về). Chữ được dùng ở câu 12 là  שֻׁבוּ
[47] Bible Word Study - Rend
[48] David Noel Freedman, Ibid, 5:870.
[49] Enhanced Brow-Driver-Brigges Hebrew And English Lexicon, 651.1
[50] David Noel Freedman, Ibid, 4: 932.
[51] Bible Word Study - Sanctify
[52] Graham S. Ogden, Ibid , 30.
[53] David M. Levy, Ibid, 2: 16.
[54] Graham S. Ogden, Ibid, 30.
[55] G. Campell Morgan, Giải Nghĩa Các Sách Tiên Tri (Saigon: Nhà Xuất Bản Tin Lành, 1965), 29.
[56] Thomas J. Finley, An Exegetical Commentary: Joel, Amos, Obadia (Biblical Studies Press, 2003), 53.
[57] G. Campell Morgan, Ibid , 29.
[58] Duane A. Garret, The New American Commentary 19A: Hosea, Joel (Nashville: Broadman & Holman Publishers, 2001), 304.
[59] James Luther Mays & Paul J. Achtemeier, Interpreting the Prophets (Minneapolis: Fortress Press, 1987), 47.
[60] David L. Jeffrey, A Dictionary of Biblical Tradition in English Literature (Grand Rapids: Eerdmans, 1992), np.
[61] Hans Walter Wolff  et, al. Ibid, 49.
[62] G. J. Wenham et. al. Ibid, 467.
[63] Hans Walter Wolff  et, al. Ibid, 76.
[64] G. J. Wenham et. al. Ibid, 465.
[65] Duane A. Garret, Ibid, 344.
[66] G. J. Wenham et. al. Ibid, 465.
[67] Hans Walter Wolff et, al. Ibid, 50.
[68] David Noel. Freedman, Ibid  [Vol 5, Page 6].
[69] Lê-vi-ký 23: 9 - 18.
[70] Hans Walter Wolff  et, al. Ibid, 51.
[71] David M. Levy, Ibid , 2: 16.
[72] Hans Walter Wolff  et, al. Ibid, 51.
[73] G. J. Wenham et. al. Ibid, 469.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét