Trang Nhà

Phước cho những người trọn vẹn trong đường lối mình,
Đi theo luật pháp của Đức Giê-hô-va.
Thi Thiên 119:1.

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Ý Nghĩa của Đất và Sự Ban Phước của Đức Chúa Trời (Tác giả: Sinh viên T.V. Tốt, TpHcm)


I.                   GIỚI THIỆU – Đặt vấn đề
                  Những giá trị mà con người ấp ủ, những mục tiêu chúng ta nỗ lực đạt đến chỉ có thể đi đến quyết định thực hiện khi đã có nền móng là những “chân lý cơ bản”, nếu không có những điều cơ bản này thì khi thực hiện sẽ có nhiều nan đề, dễ thất bại, vì việc làm của chúng ta tựa như đi trong một hành trình tăm tối. Sách Sáng-thế-ký có thể nói là quyển chứa bao điều cơ bản vì đó là “sách về những khởi đầu” trong Kinh thánh, nơi sách sẽ giúp chúng ta biết nhiều lẽ thật căn bản, các nền tảng quý báu về Đức-Chúa-Trời, về thế giới, về loài người… Song sự hiểu biết của chúng ta thật có giới hạn, chưa trọn vẹn (Cô-rinh-tô 13:9), nên Wiersbe có nói rằng: “điều quan trọng không phải là biết mọi điều Đức-Chúa-Trời biết, nhưng là làm mọi điều Đức-Chúa-Trời bảo chúng ta làm”. Như vậy, từ đầu đến cuối, điều Ngài muốn bảo chúng ta làm là tin rằng sách Sáng-thế-ký chép lại câu chuyện về ý muốn tối cao, cùng ân sủng trong tình yêu lạ kỳ không ai thấu hiểu nổi của Đấng Tối thượng, Đấng Toàn năng đã đặt vào hành động tạo tác nên toàn cõi vũ trụ bao la nói chung, và sự dựng nên loài người cho Ngài nói riêng.
                  Cho nên, để đạt được mục tiêu chúng ta đang hướng tới: chuyên lòng học biết về Đức-Chúa-Trời, để yêu Ngài, tin cậy Ngài và bước theo Ngài…thì chúng ta phải nhờ Thánh Linh Đức-Chúa-Trời dẫn mỗi con dân Chúa đến với đức tin nơi Đấng Tạo hóa siêu việt, và đức tin đó đặt trên nền móng “chân lý cơ bản” của Sáng-thế-ký. Vì chính quyển sách này chỉ ra rằng loài người đó được mang ảnh tượng của Ngài, đặng quản trị muôn loài khác trên mặt đất và khắp cả đất (Sáng 1:26-28). Vậy thì phải chăng kế hoạch của lòng Đức-Chúa-Trời, trải qua mọi thế hệ loài người từ thuở gọi là “ban đầu” đó cho đến nay, vẫn luôn luôn được Ngài chu toàn bằng cách chính Ngài phải sắm sẳn mọi điều kiện tốt nhất, đầy đủ nhất cho loài người đó: “Đất và sự ban phước của Đức-Chúa-Trời” để cho họ tồn tại? Trong khuôn khổ của bài viết, ước mong chúng ta lần lượt bước vào tìm biết ý nghĩa của Đất cùng sự ban phước của Đức-Chúa-Trời trong bối cảnh Cựu ước và Tân ước mà Thánh kinh đã viết.
II.               GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1.      Phân tích ý nghĩa của đất
a.      Trong bối cảnh Cựu Ước:
            Nguồn gốc muôn vật và sự sống, luôn là bao thắc mắc trong suy nghĩ của con người. Đây là những thách thức, nhưng cũng là niềm say mê cho nhiều học giả nghiên cứu thời kỳ của những sự bắt đầu. Thực tế cho thấy rằng con người chỉ có thể tìm tòi quá khứ của mình nhờ vào Thánh Kinh Cựu ước, trong đó 11 chương đầu của sách Sáng-thế-ký cung ứng nhiều sự kiện mấu chốt, mở rộng tầm nhìn con người vào quá khứ, được xác lập chắc chắn mà các khảo sát của lịch sử đã kiểm chứng và khẳng định các chương này của Kinh Thánh là lời ký thuật đầu tiên, duy nhất và đích thực về sự sáng tạo vũ trụ của Đức-Chúa-Trời. Nói khác hơn phần này là khắc họa căn bản, cho toàn bộ mặc khải được tiết lộ trong Cựu ước và cả Tân ước nữa.[1]
            Song nhiều câu hỏi được đặt ra: đó có phải là huyền thoại, là ngụ ngôn hoặc là sự kết hợp các tài liệu hay là ý tưởng của một cá nhân nào đó, về nguồn gốc của mọi vật? Qua nhiều nghiên cứu của các học giả, họ đều công nhận Kinh Thánh là một tường thuật thẳng thắn, giản dị về hoạt động của Đức-Chúa-Trời trong việc tạo dựng thế gian như có chép rằng: “ Ban đầu Đức-Chúa-Trời dựng nên trời đất”(Sáng thế ký 1:1).
            Câu chuyện “ Ban đầu” đó mang diễn tiến cho sự chuẩn bị vũ trụ: một thế giới sẳn sàng cho loài người. Tuần tự và tiến triển đó thật hài hòa, được thực hiện trong ý định tốt lành của Đức-Chúa-Trời, qua việc Ngài truyền phải có sự sáng và sự tối, để cung ứng các thời kỳ ngày và đêm, trong ngày thứ nhất; rồi ngày thứ nhì, bầu trời được tách ra tạo khoảng trống chứa đầy không khí bao quanh quả đất đồng thời phân rẽ nước ở dưới khoảng không và nước ở trên khoảng không; kế tiếp là sự phân chia nước ở dưới trời tụ lại một nơi gọi là biển và phải có chỗ khô cạn bày ra mà Ngài đặt tên là ĐẤT[2]. (Sáng-thế-ký 1:10)
            Như vậy, Đức-Chúa-Trời là Đấng duy nhất không ai sánh bằng, sự mặc khải Thiên-thượng tỏ ra rằng thế gian được dựng nên bởi Lời của Ngài, từ chỗ không không chớ chẳng bởi từ bất kỳ một vật chất đã có sẳn nào, nghĩa là trước khi có mệnh lệnh sáng tạo của Đức-Chúa-Trời, không có một chút gì hiện hữu. Lời Chúa trong Hê-bơ-rơ 11:3
xác chứng: “ những vật bày ra đó đều chẳng phải vật thấy được mà đến”. Chỉ thật như thế Ngài mới là Đức-Chúa-Trời Chủ tể, là Đấng Toàn năng đã sáng tạo toàn cõi vũ trụ mà trong đó: ĐẤT để cho loài người có nơi ở (Ê-sai 45:18) cùng muôn loài sinh sống trên đó.
            Mối quan tâm của Ngài đến cuộc sống con người trên địa cầu được biểu lộ rất rõ: ĐẤT khô được cung ứng vào ngày thứ ba là cần yếu, vì đó không chỉ là nơi cư trú, là đối tượng Ngài cho con người quản trị, mà còn nhờ đó họ trồng tỉa để duy trì sự sống (Sáng-thế-ký 1:29-30).Chính trong lãnh vực này, Allen Moen, một giáo sư vật lý đã khẳng định:
Sách Gióp đoạn 38 là một ví dụ về lời giải đáp của Thượng Đế đối với Khoa học chủ nghĩa, một triết thuyết chối bỏ Thượng Đế của Thánh kinh, thay vào đó bằng sự sùng thượng những thành quả Khoa học của con người.” Đồng quan điểm đó, Tiến sĩ Vanneva Bush, người được xem như là cha đẻ của máy điện tử đã nói:” Nếu hiểu một cách đúng đắn thì Khoa học làm cho con người hổ thẹn trước sự ngu dốt và bé nhỏ của mình…”Kinh thánh cũng ghi lại lời Đức-Chúa-Trời hỏi Gióp rằng khi Ngài đặt nền trái đất thì người ở đâu, ai đã định độ lượng và giăng dây mực cho nó, lại nữa, nền của nó (ĐẤT) đặt trên chi?(Gióp 38:4-7), Gióp đã không trả lời được, thì con người cũng vậy: chỉ theo đuôi khoa học chớ chẳng thể nào đến nơi mà khoa học không thể hiểu và đến được, vì thế, “trong phút suy tư con người sẽ phải chấp nhận niềm tin”.[3]qua ít nhất 6 khía cạnh:
-Đức-Chúa-Trời trải ĐẤT ra cùng mọi vật trong đó, Ngài ban sự sống cho mọi dân ở trên đất và mọi loài đi lại trên . (Ê-sai 42:5) Ngài sáng lập Đất đến đời đời (Thi thiên 78:69).
-Chúa đã lập trái đất, ĐẤT còn vững bền trong cõi thiên nhiên, càng làm chứng cho Lời đã nâng đỡ nó, bởi năng lực Ngài ngự trị bên trong.(Thi thiên 119:90) và nguồn năng lực đó nâng đỡ vạn vật, khiến vũ trụ đã hình thành được duy trì. Nếu không bởi ý chỉ Đức-Chúa-Trời thì các vùng không gian, các từng trời với những miền xa thẳm của chúng chắc đã tan vỡ và các vì tinh tú sẽ run rẩy chìm vào bóng tối.[4]
-Đức-Chúa-Trời soi sáng ĐẤT với lời phán: phải có các vì sáng, đặng phân ra ngày và đêm, dùng làm dấu  để định thì tiết ngày và năm...hầu soi sáng đất như một giao ước đời đời (Sáng 1:14-16),(Giê-rê-mi 33:25).
-Ngài bảo tồn tất cả: Chính Ngài trải đi qua lại quan sát khắp đất (Xa-cha-ri 4:10).
 “ Bởi chưng Đất và mọi vật chứa trong đất đều thuộc về Chúa”, trách nhiệm coi sóc đất và cai trị toàn thế gian cũng thuộc nơi Ngài (ICô-rinh-tô 10:26). Đức-Chúa-Trời làm Vua, sự trị vì của Ngài khiến cả thế gian vui mừng. Ngài là Đấng không thể biết được, song sự tồn tại của toàn cõi vũ trụ cách trật tự, hài hòa từ trước vô cùng cho đến đời đời là mặc khải của thực tại trường cửu về sự hiện hữu của Ngài.[5]
-Đất cũng là ngai và bệ chân của Đức-Chúa-Trời vì Ngài là Đấng Sở Hữu toàn cõi vũ trụ. Con người nhìn cõi thiên nhiên sẽ nhìn biết Đức-Chúa-Trời, kẻ tin kính sẽ tán tụng và biết ơn Ngài, khi hiểu rằng Ngài luôn lấy lòng vui mừng về công việc của mình và hành động ưu ái liên tục của Ngài là lẽ sống của muôn loài thọ tạo. Thi thiên 104 đã vẽ nên bức tranh sống động về ngai ngự và bệ chân của Ngài tựa như khung trời được nâng cao, trải rộng ra trên đất dễ dàng như một căn lều được dựng, như người ta kéo tấm vải phủ trên trại mình, Đấng Tạo hóa chắp các đòn tay cho những phòng cao của Ngài trong nước, nước trở thành rắn chắc và vật trôi chảy hơn hết trở thành cố định đủ cho Ngài lập nền cung điện ngôi ngự của Ngài[6]...(Thi 104:2-3)
-ĐẤT chứa đầy tài sản được Đức-Chúa-Trời dựng nên, bức tranh các dân cư sống trên đất đó mang ý tưởng vượt cao hơn khi mà sự Khôn ngoan đã tạo nên tất cả: mặt đất được mặc lấy sự trù phú, nổi lên ngay từ trong vực thẳm, ngay cả núi cao, vượt trên khoảng không vời vợi, hoặc nơi thấp hơn mặt đất, những lượn sóng cuồn cuộn kéo dài tận chân trời, như bí nhiệm che giấu bao đời sống bơi lội nơi vực sâu cách lạ lùng Thế nhưng cho dù vật sống to lớn hay là li ti, ý tưởng và quyền năng Ngài vẫn bao trùm tất cả; mọi loài vật trên đất, dưới biển kể cả loài người đều lệ thuộc vào Ngài để sống và động. Mọi cung cấp đủ loại về nhu cầu tốt đẹp đều ở trong tay Ngài, thậm chí Ngài vùi sâu trong lòng của đất tài nguyên, khoáng sản nhờ đó mọi loài được đưa đến để chia xẻ sự vui vẻ với Đức-Chúa-Trời.[7]
                 b.    Trong bối cảnh Tân Ước:
            - ĐẤT và muôn vật cũng thuộc về Đấng Christ Con Đức-Chúa-Trời: Dựa vào Thi-thiên 24:1, sứ đồ Phao-lô nhắc các tín hữu tại Cô-rinh-tô rằng đất và mọi vật trên đất đều thuộc về Đức-Chúa-Trời. Đây là lời tuyên bố quyền sở hữu thiên-thượng và quyền bính trọn vẹn của Đấng Christ để cai trị. Nguyên nhân được đưa ra vì Đấng Christ đã dựng nên thế gian, chính Ngài là Đấng đã gom nước lại một chỗ và khiến đất khô lộ ra, chính Ngài là Đấng vạch ra các dòng sông, và “muôn vật đều là từ Ngài, bởi Ngài và hướng về Ngài. Vinh hiển về Ngài đời đời vô cùng.”(Rô-ma 11:36) Cho nên giờ đây Ngài đang đòi những điều thực sự thuộc về Ngài rồi, nhưng bị khước từ không chịu trao cho Ngài hằng bao thế kỷ.[8]
            -ĐẤT khô cạn bày ra giữa nước:Trong thư II Phi-e-rơ khi báo trước về sự xuất hiện của những kẻ gièm chê, nhạo báng, sứ đồ Phi-e-rơ cảnh tỉnh rằng một khi chối bỏ sự nhận biết Đức-Chúa-Trời, con người sẽ không sợ hãi đến việc Ngài sẽ hình phạt kẻ ác và tiêu diệt trái đất, bởi chính họ đã tự dối mình với lập luận rằng: “ Vì từ khi tổ phụ chúng ta qua đời rồi muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng thế”, song chính họ cũng quên rằng từ buổi xưa, bởi lời Đức-Chúa-Trời có các từng trời và trái đất. Ở đây điều cần đề cập duy nhất là câu: “Đất ra từ nước và làm nên ở giữa nước” vì câu Kinh thánh này chỉ ra rằng các lục địa được tách ra khỏi đại dương, và “ muôn vật đứng vững trong Ngài”(Cô-lô-se 1:17). Cũng trong đoạn 3 này, Phi-e-rơ còn đưa đến “Ngày của Chúa “ tức nói đến tình trạng đời đời khi đã có trời mới, đất mới. Suy cho cùng đây là nguyên nhân cho sự hiện hữu của con người: để tôn vinh hiển Ngài.[9]
            -ĐẤT và mọi vật hiện hữu đều thuộc về Chúa Jesus:Đương thời Chúa Jesus, qua sự kiện không tốt khi đưa danh Chúa vào trong thề nguyện (Ma-thi-ơ 5:35), Ngài đã nhắc Trời là ngôi của Chúa, đất là bệ chân Chúa, Giê-ru-sa-lem là thành của Chúa... chẳng có gì trong thế gian là không thuộc về Ngài. Bởi vậy, vô luận danh Đức-Chúa-Trời có trong lời thề hay không cũng chẳng quan hệ, vì Đức-Chúa-Trời đã có ở đó rồi. Đấng toàn tại ở khắp mọi nơi, trong cuộc sống và trong mọi sinh hoạt trên đất, cho nên người thật tốt lành không cần đến lời thề nơi đất hoàn hảo của Ngài.
            -Loài người được Đức-Chúa-Trời làm nên từ bụi của ĐẤT: Khi luận về tính chất sự sống lại, Phao-lô đã viện đủ bằng cớ chứng minh sự sống lại là chắc chắn (I Cô-rinh-tô 15:35-49), trong đó luận rằng:”...người đầu nhứt ra từ đất, là bụi đất...như chúng ta đã mang hình tượng thuộc bụi đất...”. Điều này một lần nữa xác lập một chân lý quan trọng: Đức-Chúa-Trời ban cho muôn vật từ đất mọc ra được hình thể riêng thích đáng với bản tính, địa vị và sinh tồn của nó, được ban cho theo sự khôn ngoan tối thượng của Đấng Tạo Hóa. Khoa vật lý học quan sát biết rằng trong vũ trụ kỳ diệu, bao la này, người với bốn sắc da, vật hơn hàng vạn loài, mỗi một đều có hình thái bất đồng và đặc thù riêng: từ cục đất cho đến con ong cái kiến, từ bụi cát rời rạt ngoài đồng cho đến ngôi sao sáng láng ở không trung...Cho nên khi ở trần gian chúng ta giống hình tượng của tổ tiên A-dam ắt  khi được sống lại trên thiên thượng chúng ta sẽ giống như hình tượng của Đấng Christ, bởi Đấng tạo dựng chúng ta là Đấng vinh diệu toàn năng có một không hai vậy.[10]
2.      Sự ban phước của Đức Chúa Trời
a.      Trong bối cảnh Cựu Ước:
-ĐẤT tượng trưng cho sự ban phước của Đức-Chúa-Trời:
                  Ngay trong các ngày thứ ba và thứ sáu của sự sáng tạo, có 3 sự kiện:
- Đức-Chúa-Trời đặt tên chỗ khô cạn là Đất, còn nơi nước tụ lại là biển Ngài thấy điều đó là tốt lành (Sáng1:10);
- Ngài lại khiến Đất sanh cây cỏ, cỏ thì kết hột, cây thì kết quả có hột tùy theo loại, Đức-Chúa-Trời cũng thấy điều đó là tốt lành (Sáng1:12).
-Sáng thế ký 1:24 còn chép:”Đức-Chúa-Trời lại phán rằng: Đất phải sanh các vật sống tùy theo loại, tức súc vật, côn trùng và thú rừng đều tùy theo loại thì có như vậy”…Đức-Chúa-Trời thấy điều đó là tốt lành.
                        Vậy nên có lời giải thích hợp lý nào cho cái sự thực rằng lúc kết thúc công việc ngày thứ hai, không thấy ghi lời khen chuộng thường lệ của Đấng Tạo Hóa, nhưng bây giờ lại có chép để kết thúc công việc ngày thứ ba, mà theo ý nghĩa nào đó Ngài lại khen chuộng đến hai lần trong ngày này! Tại đây, Đất tượng trưng cho sự Ban phước của Đức-Chúa-Trời cũng thật hữu lý, ấy là vì trong những trường hợp trước, khi lời Đức-Chúa-Trời phán, có kết quả theo sau. Trong trường hợp này, Đất làm trung gian :“ Đất phải sanh” cây cỏ, súc vật, côn trùng và thú rừng. Sự Ban phước từ Ngài ở hình thức quý hơn và cao hơn của sự sống thực vật và động vật trong công trình sáng tạo gián tiếp của Ngài. Tại đây cả hai cuộc sáng tạo hợp làm một- đó cũng là thực sự vốn có mà bản văn ghi nhận để đi tới tuyệt điểm: Ngài dựng nên loài người.[11]
                  - Ngài dựng nên loài người từ bụi ĐẤT: Tuy nhiên sự sáng tạo từ cái không có của Đức-Chúa-Trời, vẫn chưa lột tả hết lời dạy của Thánh-kinh về đề tài này. Loài người lại không được sáng tạo từ cái không có đó, song được Ngài làm nên từ bụi của ĐẤT (Sáng 2:7) và các loài thú đồng, chim trời cũng được tạo thành từ ĐẤT(Sáng 2:19). Hành động dựng nên qua việc Ngài sử dụng các vật liệu đã được sáng tạo, đứng bên cạnh sự sáng tạo đầu tiên là sự Ban phước như một phần lời chứng của Thánh-kinh. “Trong Ngài muôn vật gắn chặt lại với nhau”(Cô-lô-se 1:17) và “ trong Ngài chúng ta sống động và có” đó cũng là sự Ban phước của Ngài cho loài người cùng muôn vật trên ĐẤT này.(Công 17:28).[12]
                  -Ngài ban thức ăn cho loài người và mọi loài xác thịt từ ĐẤT: Chính từ ĐẤT Đức-Chúa-Trời ban phước thể hiện bằng sự hết sức quan tâm đến phúc lợi của loài người. Nếu như những câu chuyện thần thoại trong vùng Mê-sô-bô-ta-mi truyền kể rằng loài người được các vị thần tạo nên vì họ chợt nghĩ ra con người sẽ cung cấp thức ăn cho thần, thì Đức-Chúa-Trời trong Sáng-thế-ký hoàn toàn khác hẳn: Ngài lo cung ứng thức ăn cho họ: Ngài khiến ĐẤT là nơi dự bị thức ăn cho loài người, vì loài nguời vốn là công trình tuyệt mỹ trong sự sáng tạo của Ngài. Ý muốn tốt lành thiên thượng đối với loài người: ”ĐẤT phải sanh cây cỏ; ĐẤT phải sanh các vật sống tùy theo loại, tức súc vật, côn trùng và thú rừng tùy theo loại; để từ mọi loài thực vật, động vật mà Đất phải sanh đó chính là nguồn nuôi sống cho nhau.[13](Sáng 1:26-29). Ngày nay, khoa học bước đi nhiều chặng đường rất dài, nhưng nếu con người không thừa nhận rằng khả năng Khoa học chỉ là một trong những món quà do Đức-Chúa-Trời ban tặng, thì làm sao thấy được ĐẤT và Sự ban phước của Đấng Tạo hóa? Ai đã lập nền cho ĐẤT, đo nền ĐẤT, chống đỡ nó; và bởi ai đóng biển, định biên giới cho nó đồng thời khiến bảo các lượn sóng kiêu ngạo (Gióp 38:8-14) để bảo toàn bờ cõi ĐẤT? Lại bởi ai lập luật cho các từng trời, ai đào kinh cho dòng nước chảy, phóng đường cho chớp nhoáng của sấm sét, kiểm soát chiều gió thổi, truyền lịnh cho mưa xuống ĐẤT bỏ hoang, tưới ĐẤT hoang vu và làm cho các chồi cây cỏ mọc? Mưa có cha chăng? Ai sanh các giọt sương? Ai làm nước đông lại như đá rồi ẩn bí để mặt vực sâu trở thành cứng?(Gióp 38:24-30). Nếu Đức-Chúa-Trời đã ra lịnh cho thiên nhiên; hướng gió lẫn hướng mưa do Ngài điều khiển, vì nhu cầu của ĐẤT cần được đáp ứng, cho cây cỏ mọc lên, phát huy vẻ đẹp và mục đích nuôi sống muôn loài Tựa như tất cả chỉ là dụng cụ trong tay người thợ khéo, để thực hiện ý muốn tốt lành và trọn vẹn của Ngài thì đấy chẳng phải là sự ban phước của Đức-Chúa-Trời đó sao?[14]
                  -Lời hứa về ĐẤT trong Giao ước với Áp-ra-ham (Sáng 12-36): Đời sống Áp-ra-ham chỉ ra Ân điển kỳ diệu của Đức-Chúa-Trời, nơi đó lòng thương xót là tốt lành của Ngài đã dẫn bước, làm cho ông nên một dân lớn, ban phước, nổi danh để sẽ thành một nguồn phước. Do đó có 3 chủ đề mà Kinh thánh thường đề cập: Đức-Chúa-Trời, Con người và ĐẤT[15]. Dù Đất có tính biểu tượng, song lại rất quan trọng vì chính Áp-ra-ham được Ngài hứa ban cho Đất, một lời hứa thật nhiều ý nghĩa khi Lời hứa Đất đi kèm với Sữa và Mật cho dân Ngài trong sa mạc, nơi thật hiếm hoi và khó tìm được Sữa và Mật! Rõ ràng vùng đất đượm Sữa và Mật ấy không phải là vùng đất phì nhiêu, màu mỡ- nhưng vùng đất ấy được Đức-Chúa-Trời ban phước để chiến thắng, chiếm lấy, đem niềm tin của mình nơi một Chân thần duy nhất là Đức-Chúa-Trời cho các dân ngoại giáo tại vùng đất đó về mặt ý nghĩa tôn giáo vậy.[16]
b.      Trong bối cảnh Tân Ước
            - Khởi đầu sách Phúc âm, sứ đồ Giăng sử dụng từ mở đầu của Sáng 1:1 khi viết: ”Ban đầu có Ngôi-Lời.” để giới thiệu Chúa Jesus là Ngôi-Lời, nhờ Chúa Jesus ban phước mà con người có thể hiểu được Đức-Chúa-Trời, vì Chúa Jesus không chỉ là Đấng Tạo Hóa dựng nên muôn vật, là cội nguồn của muôn vật, trong đó có Đất với mục đích của nó (Cô-lô-se 1:16), mà Ngài còn là Đấng giải bày Cha cho chúng ta biết (Giăng 1: 18). Tất cả những gì đã có, hiện có và còn có đều được tạo dựng bởi Đấng Tối cao: Đức-Chúa-Trời. Kinh thánh đã khẳng định điều này cách tuyệt vời: quyền phép để tạo dựng là chính trong Bản thể Ngài, Ngài cũng là tác nhân trong sự sáng thế và hành động sáng thế thực hiện qua chính Ngài, là Ngôi vị trong Ba Ngôi Đức-Chúa-Trời (Cô-lô-se 1:17). Từ lúc ban đầu Ngài phán và làm nên thế giới này(Hê-bơ-rơ 11:3), Ngài hiện vẫn còn phán và Lời quyền phép đó vẫn ban phước, nâng đỡ sự sống, giữ cho vật chất trên đất liên kết với nhau.[17]
            -Khi Đức-Chúa-Trời dựng nên ĐẤT, Ngài đã khiến muôn vật đứng vững trong Ngài, chúng được ban phước  để gắn kết nhau bởi Chúa, suy cho cùng, thời gian được xác định bởi mối quan hệ của mặt trời đối với đất, song Đức-Chúa-Trời không bị giới hạn trong mối quan hệ ấy,Ngài không bị ảnh hưởng bởi thời gian “ trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày”(II Phi-e-rơ 3: 5-7)[18].
            -Hội thánh thời Tân ước là tiếp tục lịch sử của Y-sơ-ra-ên, nếu thuở ấy các tổ phụ sống trên Đất như những kẻ kiều ngụ (Sáng 17:8), thì ngày nay, “Đất hứa” như Kinh thánh tỏ ra trong Hê-bơ-rơ 11:9 chỉ về xứ Ca-na-an được Ngài hứa ban cho tuyển dân, lời hứa này trở thành hiện thực dưới thời của Giô-suê, và đạt ứng nghiệm trọn đầy nhất dưới thời Đa-vít và Sa-lô-môn. Tân ước đề cập rất ít về đất xứ này, mặc dù luôn có sự nhắc đến Lời hứa của Đức-Chúa-Trời được ứng nghiệm trong Chúa Jesus (II Cô 1:20). Có lập luận cho rằng “đất hứa” này không phải là điều quan tâm trong Tân ước( xứ được đề cập nhưng bỏ qua trong Công 7:3-7; 13:17-19), nhưng có khả năng hơn là đất hứa này được giải nghĩa qua ánh sáng của Đấng Christ. Lời hứa này được xem như một ẩn dụ mới chỉ về thế gian(Rô-ma 4:13). Theo nghĩa của Lai thế học, từ này như là biểu tượng của việc “nghỉ ngơi” được ban phước nơi thiên đàng(Hê-bơ-rơ 4:9), như sự trông đợi một quê hương tốt hơn trên thiên đàng(Hê-bơ-rơ 11:6).
      -Các tín hữu ngoại bang là những kẻ trước đây “ở xa” thì giờ đây được ban phước vì ở trong Ngài họ được đem đến gần những công dân khác (Ê-phê-sô 2:12-13;19). Nói khác đi, Tân ước không quan tâm đến vùng Đất theo nghĩa đen (Ga-la-ti 4:25), song con dân Chúa cũng cẩn thận việc thuộc linh hóa quá mức, như Wright lập luận rằng: khi nhấn mạnh cách hiểu theo tính biểu tượng và phổ quát hóa về “đất hứa” trong Tân ước, cũng phải hiểu xứ đó cũng là mô hình cho những nguyên tắc quan trọng về xã hội nữa.[19]
      - Không phải ngẩu nhiên, bài giảng trên núi đề cập phước lành thứ ba được công bố cho kẻ nhu mì: họ sẽ hưởng được “Đất”.Theo bản tính tự nhiên, con người vốn dễ đổi thay, thất thường và cộc cằn, nhưng nhờ mặc lấy bản tính của Đấng Christ, họ trở nên nhu mì, mềm mại và khiêm nhường (Ma-thi-ơ 11:29). Song phải hiểu thực ra, họ sẽ hưởng được Đất khi Đấng Christ, tức Vua cai trị một ngàn năm bình an và thịnh vượng.[20]Như vậy các thánh đồ được ban phước, họ hưởng được đất qua niềm trông cậy và hy vọng đó.
III.            KẾT LUẬN
Điều tôi học được qua vấn đề này:
                  Sách đầu tiên, Sáng thế ký, là cuốn sách của những khởi điểm. Trước hết, bày tỏ rằng Đức-Chúa-Trời là Đấng Sáng tạo muôn vật. Thật là có ý nghĩa khi câu đầu tiên chúng ta đọc trong sách là: “ Ban đầu Đức-Chúa-Trời…”: cụm từ này chỉ ra rằng mọi vật đều có khởi điểm, ngoại trừ Đức-Chúa-Trời, chỉ duy một mình Ngài là đời đời. Điều Môi-se đã viết, không phải là những điều chính ông có được từ các điều nghiên về lịch sử hay về khoa học, nhưng là sự khải thị từ Đức-Chúa-Trời, Môi-se đã ký thuật cách nhạy bén, nhất quán về khởi điểm của muôn vật theo như bày tỏ bởi Ngài, trong đó có Đất, được phơi bày qua tính cách thiên thượng hay qua khám phá của con người. Chúng ta không nổ lực nhằm giải quyết các ngày trong Sáng-thế-ký đoạn 1 cho khớp với các khám phá của khoa học, đặc biệt là môn địa chất học và môn cổ sinh vật học… Chúng ta cũng không bỏ qua các sự kiện, các nghiên cứu khoa học chân chính mang mục đích tôn vinh, tán tụng quyền năng của Đức-Chúa-Trời. Nhưng điều con dân Ngài hướng đến đó là: vì Kinh Thánh không nhằm giải thích mọi thắc mắc của chúng ta, nên điều quan trọng cần có là phải lấy đức tin chấp nhận những gì Kinh thánh nói cho chúng ta và phải gạt bỏ mọi quan điểm phi Kinh thánh nào phủ nhận sự sáng tạo của Đức-Chúa-Trời.
                  Nếu chúng ta nhớ rằng không có một bằng chứng khoa học nào giải thích cho nguồn gốc của vũ trụ, nếu Cơ-đốc-giáo bị người đời bác bỏ bởi vì những lý do về mặt triết học, chứ họ không bao giờ có thể chối bỏ Cơ-đốc-giáo vì những lý do dựa trên sự thật, và nếu biết rằng có nhiều câu Kinh thánh đưa ra những tuyên bố, định nghĩa rõ ràng những quá trình mang tính khoa học về các nguồn gốc của sự sống trên Đất, và không một câu Kinh thánh nào từng được chứng minh là vi phạm đến một điều luật đã được biết từ khoa học, thì nguyện Chúa ban phước và viết trên tấm lòng của dân sự Ngài: Đất và Sự Ban phước của Đức-Chúa-Trời là một trong những lẽ thật bất diệt của Ngài, đi cùng với lẽ thật là Đức-Chúa-Trời trân quý người nào giữ lòng tin, yêu, tôn, kính và trung thành đối với Ngài. Muốn thật hết lòng./.

THƯ MỤC
Alexander, Maclaren. Giải Nghĩa Thi Thiên II. Saigon, Phòng sách Tin Lành 1968.
Kiều, Toản. Nghiên Cứu Sách Gióp. Np. Thánh Kinh Thần học viện, 1999.
Lê, Vĩnh-Phước. Giáo Trình Nghiên Cứu Ngũ Kinh Môi-se. Trường Kinh Thánh, 2011.
Macdonald, William, Chú Giải Kinh Thánh Cựu Ước . Np. Nelson, 2008.
Macdonald, William. Chú Giải Kinh Thánh Tân Ước . Np. Nelson, 2006.
Marshall, Howard et.al. Thánh Kinh Tân Từ Điển. London: Inter Vasity Press, 2009.
Olsen, J.D. Giải Nghĩa Thư I Cô-rinh-tô. Saigon, Nhà in Tin Lành, 1955.Leupold H.C. Giải Nghĩa Sáng-Thế-Ký Tập I. Saigon, Phòng sách Tin Lành 1967.
Schultz, Samuel J. Cựu Ước Phán Truyền . Np. BEE International, 2007.
Wenham, G.J. et.al. Giải Nghĩa Kinh Thánh I. Np. Viện Thần học Việt nam, 2001.


[1] Samuel J. Schultz, Cựu Uớc Phán Truyền.( Np. BEE International, 2007), 25.
[2] Samuel J. Schultz, Cựu Ước Phán Truyền ( Np. BEE International, 2007), 27.
[3] Kiều Toản, Nghiên Cứu Sách Gióp. ( Np. Thánh Kinh Thần Học Viện, nd.), 477.
[4] Alexander Maclaren, Giải Nghĩa Thi Thiên. Quyển II ( Saigon, Phòng sách Tin lành, 1968), 479.
[5] Alexander Maclaren, Giải Nghĩa Thi Thiên, Quyển II, 263.
[6] Alexander Maclaren, Giải Nghĩa Thi Thiên,quyểnII (Saigon, Phòng sách Tin lành, 1968), 317.
[7] Alexander Maclaren, Giải Nghĩa Thi Thiên,quyểnII, 325.
[8] William Macdonald,  Chú Giải Kinh Thánh Cựu Ước ( Np. Nelson, 2008), 498.
[9] William Macdonal, Chú Giải Kinh Thánh Tân Ước (Np. Nelson,2006), 1310.
[10] J.D. Olsen, Giải Nghĩa Thư I Cỏ-rinh-tỏ.(Saigon, Nhà in Tin lành, 1955), 431.
[11] H.C. Leupold. Giải Nghĩa Sách Sáng-Thế-Ký, Tập I (Saigon, Phòng sách Tin Lành, 1967), 76.
[12] I. Howard Marshall et al. Thánh Kinh Tân Từ Điển. ( London, Inter Vasity Press, 2009), 1574.
[13] G.J.Wenham et al, Giải Nghĩa Kinh Thánh, Tập I. ( Np., Viện Thần học Việt Nam, 2001), 157.
[14] Toản Kiều,  Nghiên Cứu Sách Gióp. (Np. Thánh Kinh Thần Học Viện, nd.),481.
[15] Phước  Lê Vĩnh, Giáo Trình Nghiên Cứu Sách Ngũ Kinh Môi-se  ( Trường Kinh Thánh 2011), trang  26.
[16] Phước Lê Vĩnh, Giáo Trình Nghiên Cứu Sách Ngũ Kinh Môi-se.(Trường Kinh thánh, 2011),trang 27.
[17] William Macdonald, Chú Giải Kinh Thánh Tân Ước,(Np. Nelson, 2004), 1132.
[18] William Macdonald, Chú Giải Kinh Thánh Tân Ước, 1307.
[19] Howard Marshall et. al,Thánh Kinh Tân Từ Điển.(London, Inter Vasity Press, 2009), 502.
[20] William Macdonald,  Chú Giải Kinh Thánh Tân Ước.(Np. Nelson, 2006), 34.

3 nhận xét:

  1. Bài viết bày tỏ sự tiếp thu cơ bản, sự hiểu biết rộng rãi trong nghiên cứu các sách tham khảo cũng như qua việc học tập nghiêm túc của tác giả.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Good jobs for hard study Bible. God Bess you

      Xóa
    2. Good job for hard study Bible. God bless you. Sorry I missed spell. From Milpitas California U.S.

      Xóa