Đức Tin và Việc
Làm: Quan Điểm về Sự Xưng Công Bình của Phao-lô và Gia-cơ
(Lê Vĩnh Phước, Yang-peong,
2007)
Giới Thiệu
Thư tín của Gia-cơ
trình bày một vấn đề thần học quan trọng dẫn đến sự mâu thuẫn trực tiếp với
giáo lý của Phao-lơ về sự xưng công bình. Qua nhiều thập kỷ, vấn đề này được
bàn luận rất nhiều với nhiều tranh cãi gây gắt cho đến ngày nay. Cơ đốc nhân hiện
nay cũng bối rối khi nhận thấy có quá nhiều quan điểm về sự xưng công bình giữa
Phao-lô và Gia-cơ. Có phải một người tin Chúa “được xưng công bình bởi đức tin
mà thôi” (theo Phao-lô) hay là “bởi việc làm và không phải duy chỉ có đức tin”
(theo Gia-cơ)? Thực tế, đây là trường hợp không dễ dàng tìm thấy câu trả lời
hoàn hảo khi sự mâu thuẫn dường như thể hiện rất rõ ràng và khó tránh khỏi. Tuy
nhiên bằng mọi cách nào đó phải có một sự dạy dỗ vững chắc về sự xưng công bình
đem đến sự hòa giả cho cả hai quan điểm. Vì vậy, với mục đích trên, bài nghiên
cứu sau đây sẽ trình bày một số lý luận với mong muốn đem Phao-lô và Gia-cơ trở
về chung một sự xưng công bình. Bài nghiên cứu sẽ đề cập về thứ nhất, lịch sử về
sự tranh luận, thứ hai, sự mâu thuẫn của Phao-lô và Gia-cơ, thứ ba, các bước để
hòa giải và cuối cùng, đức tin của Cơ đốc nhân theo sự dạy dỗ của Phao-lô và
Gia-cơ.
- Lịch Sử
Về Sự Tranh Luận
Có
thể nói sự tranh luận giữa hai quan điểm của Phao-lô và Gia-cơ bắt đầu
trước khi các học giả Kinh Thánh nghiên cứu thư tín Gia-cơ. Một trong những mâu
thuẫn đầu tiên được tìm thấy trong sách Công Vụ chương 15. Phao-lô đề nghị rằng
sự cứu rỗi là bởi ân điển trong câu 11 “Trái
lại, chúng ta tin rằng nhờ ơn Đức Chúa Giê-xu, chúng ta được cứu cũng như người
ngoại vậy.” Tuy nhiên, cuối chương 15, Gia-cơ lại đề nghị một số điều kiện
trong câu 20-21 “Song khá viết thơ dặn họ
kiêng giữ cho khỏi sự ô-uế của thần tượng, sự tà dâm, sự ăn thịt thú vật chết
ngột và huyết. Vì trải bao nhiêu đời nay, trong mỗi thành vẫn có người giảng luật
pháp Môi-se, bởi mọi ngày Sa-bát, trong các nhà hội người ta có đọc luật ấy.”
Chính đoạn văn này cho thấy bối cảnh dẫn đến sự hiểu biết của hai sứ đồ.
Cuối
chương 15, Phao-lô dường như chấp nhận lời đề nghị của Gia-cơ, và không thể
tránh khỏi việc Gia-cơ vẫn giữ sự dạy dỗ của Môi-se. Điều này không có nghĩa rằng
Gia-cơ từ chối sự dạy dỗ về sự cứu rỗi bởi ân điển của Chúa Giê-xu, nhưng
Gia-cơ dường như còn nhiều điều muốn nói. Có thể nói từ sự kiện này, sự mâu thuẫn
bắt đầu và sau đó trở nên rõ ràng trong bài viết của họ.
Quan Điểm Khác Nhau của Học Giả
Hội
thánh dường như không lưu ý đến vấn đề này mãi cho đến thế kỷ 15 khi Martin
Luther nghiên cứu về Phao-lô và đưa ra tình huống này[1].
Luther chú trọng về ân điển của Chúa Giê-xu đã khiến ông quyết định rằng Gia-cơ
mâu thuẫn với Phao-lô và vì vậy, không xứng đáng là Kinh Thánh. [2]
Luther không chỉ gạt bỏ Gia-cơ vì mâu thuẫn với thần học của Phao-lô nhưng ông
còn cho rằng thư tín Gia-cơ thuộc vào hạng “Ngụy Kinh” trong phần Quy điển Kinh
Thánh như sau: “Tôi sẽ không để ông (Gia-cơ) trong Kinh Thánh của tôi, vào
trong số những quyển sách thực sự quan trọng, dầu tôi cũng không ngăn cản bất cứ
ai chọn hay đề cao Gia-cơ tùy họ thích, vì dẫu thế nào cũng có rất nhiều sự dạy
dỗ tốt trong đó.”[3]
Theo
sau quan điểm của Luther cũng có rất nhiều quan điểm khác ví dụ như của Phi-líp
Melanchthon và sau đó có John Calvin. Calvin cho rằng “dầu Gia-cơ dường như hạn
chế công bố ân điển của Đấng Christ hơn các Sứ đồ khác đã làm, điều đó không có
nghĩa rằng mọi người phải cùng có chung những lý luận.” [4]
Calvin thừa nhận rằng, trong bối cảnh Quy điển, các sách trong Kinh Thánh không
nên bị đối xử chỉ vì những gì họ không nói đến, vì nguyên tắc của quy điển đó
là vì giá trị của nội dung và sứ điệp. Calvin cho rằng Phao-lô cung cấp những
gì Gia-cơ còn thiếu sót không có nghĩa là hạ thấp giá trị của Gia-cơ, trong khi
ngược lại, Gia-cơ có thể cung cấp những gì mà Phao-lô thiếu sót.[5]
Một
học giả khác quan trọng trong thế kỷ 19 đó là F. C. Baur và chủng viện
Turbingen. Áp dụng phương pháp phê bình lịch sử, Baur cho rằng thư tín của
Gia-cơ có thể được hiểu là một bài viết của Gia-cơ tại Giê-ru-sa-lem gởi trực
tiếp cho Phao-lô.[6]
Ngược
lại với những quan điểm trên, một số người khác lý luận rằng Gia-cơ là phần hỗ
trợ cho Phao-lô bởi vì thứ tự của sách theo thứ tự trong quy điển. Tuy nhiên,
Robert Wall lại cho rằng thư tín Gia-cơ không phải là phần hỗ trợ nhưng phải được
đối xử ngang bằng với những thư tín của Phao-lô.
Mối liên hệ giữa các sách quy điển của Phao-lô và các
“trụ cột” quy điển [Gia-cơ- và Giăng] nên bắt đầu với sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời
từ Phao-lô và sau đó đến các sứ đồ khác để chứng minh và sữa chữa cho những sự
giải thích nào mà Phao-lô có thể dẫn đến hậu quả sai lạc cho đức tin và trong
thực hành. [7]
Cùng
chung quan điểm này, B. Childs thừa nhận rằng mối liên hệ của Gia-cơ đối với sự
dạy dỗ của Chúa Giê-xu và đối với Cựu ước, đã dẫn đến vai trò quy điển cung cấp
‘sự kiểm chứng chống lại sự hiểu lầm của Phao-lô.[8] Mặc
dầu vậy, ông vẫn cho rằng “xuất phát từ hai quan điểm quy điển và lịch sử hiện
đại, thì Gia-cơ có thể được xếp trong bối cảnh thần học hậu Phao-lô.” [9]
Nói
tóm lại, dù chúng ta thích hay không, vấn đề này đã tồn tại từ nhiều thập kỷ
trước. Nhiều ý kiến và quan điểm đã trình bày và vấn đề vẫn còn là khó khăn của
chính nó. Quan điểm của Luther có thể được cho là ‘chủ nghĩa cá nhân thái quá dẫn
đến nguy hiểm nghiêm trọng.’ Trong khi đó quan điểm của Baur phụ thuộc quá nhiều
và phương pháp phê bình lịch sử, mà không có minh chứng chắc chắn dẫn đến sự
nghi ngờ thẩm quyền của Kinh Thánh. Quan điểm của Robert Wall và B. Child được
cho là trung tính vì họ chấp nhận quy điển của Kinh Thánh.
Tuy
nhiên vấn đề xảy ra ở đây có thể tìm thấy qua văn cảnh. Dường như Phao-lô và
Gia-cơ sử dụng chung các dạng từ ngữ giống nhau khi cùng chỉ về một vấn đề,
nhưng lại mâu thuẫn nhau. Làm thế nào thể chúng ta dung hòa? Có phải họ khác
nhau và mâu thuẫn về vấn đề này không? Phần sau đây sẽ bàn luận chủ yếu về văn
cảnh trong cả hai sự dạy dỗ.
- Sự Mâu
Thuẫn của Phao-lô và Gia-cơ?
Nhìn
từ góc độ ngữ văn, người đọc có thể nhận thấy sự đối lập trực diện giữa
Phao-lô- và Gia-cơ. Tuy nhiên, khi phân tích từng chữ và câu hoặc theo dòng lý
luận, cả hai tác giả dường như đang bàn luận về hai vấn đề khác nhau thuộc hai
phương diện khác nhau. Sau đây sẽ là sự phân tích để tìm xem họ có phải đang
mâu thuẫn lẫn nhau hay không.
Phao-lô
và Gia-cơ trong Nghệ Thuật Sử Dụng Từ Ngữ
Có một số từ mà Phao-lô và Gia-cơ sử dụng không
giống nhau. Có ba từ quan trọng nhất được tìm thấy ở đây đó là: Đức tin, việc
làm và sự xưng công bình.
a) Đức tin:
Có nghĩa là sự tin tưởng, lòng tin. Đức tin theo
Gia-cơ 1:6 và 2:1 đó là sự nhất quyết cá nhân, bao gồm lòng tin và sự vâng lời,
ngược lại, niềm tin mà Gia-cơ phản đối đó là 2:14-26, đức tin không có việc
làm. [10]
Phao-lô cũng có định nghĩa riêng của mình về đức
tin, khi ông viết trong Rô-ma 10:9-10. Đức tin có nghĩa là sự nhất quyết của một
cá nhân tin vào Chúa Giê-xu là Đấng sống và thừa nhận rằng “Giê-xu là Chúa.” Định
nghĩa này nói đến mối liên hệ tin cậy và rất giống với định nghĩa đức tin của
Gia-cơ trong chương 1. [11]
b) Việc Làm
Việc làm trong
Gia-cơ không phải là khái niệm thông thường vì ông dẫn chứng hai câu chuyện
trong Cựu Ước. Vì như vậy, Gia-cơ rõ ràng muốn lý luận cho một số việc làm nào
đó. [12]
‘Việc làm’ theo Gia-cơ được
nhiểu như là công việc của đức tin. Vì vậy, Gia-cơ giới thiệu về đức tin như là
nguyên nhân cuối cúng của việc làm, mà qua đó Áp-ra-ham được xưng công bình. Điều
này có nghĩa là Gia-cơ đề cao “việc làm” của Áp-ra-ham là cớ, hay là phương tiện
để được xưng công bình.
Trong khi đó,
Phao-lô chứng minh rằng đức tin của Áp-ra-ham được chấp nhận để đưa đến sự xưng
công bình. Đối với Phao-lô, Áp-ra-ham và loài người thông thường được xưng công
chính vì đức tin chứ không phải vì việc làm (Rôm. 3:28).
c) Sự
Xưng Công Bình
Có hai ý nghĩa
trong từ này. Thứ nhất, đó là “được trắng án trong sự phán xét.” Thông thường trong Cựu ước, “đó là ý nghĩa của
một người được tuyên bố là đúng, dù trong trường hợp chi tiết nào, họ cũng là
đúng và vô tội. Ý nghĩa này rất gần với khái niệm phán xét cuối cùng. Thứ hai,
đó là “bày tỏ ra sự đúng đắn.” Math. 11:19 “Sự khôn ngoan được xưng là phải, bởi
những việc làm của sự ấy.” có nghĩa là sự khôn ngoan và giá trị của nó tồn tại
được biết đến bởi việc làm xuất phát từ nó. [13]
Nói
chung, Gia-cơ sử dụng từ “xưng công bình” thường ám chỉ ý nghĩa thứ hai. Gia-cơ
cho rằng Áp-ra-ham được xưng là đúng bởi hành động của ông: ông đã được Đức
Chúa Trời chấp nhận, sự công bình ông có là bởi đức tin, được thể hiện qua hành
động vâng lời. Tuy nhiên Gia-cơ lại chỉ ra rằng liệu đức tin kiểu như vậy sẽ cứu
được ông không? Có nghĩa là Áp-ra-ham được cho là công bình dựa trên hành động
trung thành của mình.[14]
Mặc
khác, đối với Phao-lô, ông thường sử dụng từ này ám chỉ về việc Đức Chúa Trời
xưng một tội nhân là công bình (Rôm. 3:24) hoặc là sự công bình được ban cho bởi
Đấng Christ (Rôm. 5:17), hay là kết quả của sự ban cho (Rôm. 4:25, 5:18).[15] Phao-lô chỉ ra rằng cả người Giu-da và
người ngoại bang đều thiếu mất tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời, và vì vậy
vấn đề đó là làm thế nào để Đức Chúa Trời khiến một người không công bình thành
công bình.
Tóm
lại, rõ ràng Gia-cơ và Phao-lô không mâu thuẫn nhưng họ đang đề cập đến hai
phương diện khác nhau. Kaiser nhận định rằng, “Trong Gia-cơ, văn hóa Do thái
không phải là vấn đề, có lẽ đa số các hội thánh là người Do thái, nhưng vấn đề ở
đây đó chính là đạo đức. Vấn đề ở đây liên quan đến những người thường cho rằng
mình được xưng là công chính dựa trên niềm tin truyền thống mà bỏ qua sự vâng lời,
đặc biệt là việc làm công ích.” [16]
Trong
khi đó, Phao-lô quan tâm đến mối liên hệ giữa người Do thái và người ngoại bang
trong hội thánh. Sự quan tâm của ông đó là lòng yêu mến Chúa Giê-xu và xưng
Ngài là Chúa, là vấn đề căn bản cần thiết cho sự cứu rỗi. Một người ngoại bang
không cần phải trở thành người Do thái để vào thiên đàng; những lề luật mà người
Do thái đòi hỏi không còn cần thiết nữa. [17]
Vì vậy, hai tác giả sử dụng từ ngữ trong
hai trường hợp khác nhau nhằm để giải quyết các vấn đề khác nhau.[18]
Phao-lô
và Gia-cơ trong Cách Dùng Ngữ Pháp
Gia.
2:4 và Rôm. 3:28 là trường hợp quan trọng chỉ ra sự mâu thuẫn rõ ràng nhất. Bằng
cách nhìn vào cách sử dụng ngữ pháp của hai bài viết, nhiều học giả kết luận rằng
Phao-lô và Gia-cơ mâu thuẫn lẫn nhau. Moo nhận định câu văn của Gia-cơ rằng “Nếu
câu này là tượng trưng cho sự dạy dỗ trọng tâm của Gia-cơ về sự xưng công bình,
thì nó sẽ là một lời biện luận trực tiếp gây mâu thuẫn cho thần học giữa
Phao-lô và Gia-cơ. Sự căng thẳng giữa Phao-lô và Gia-cơ là bằng chứng khi chúng
ta đem ra so sánh chúng với nhau về sự xưng công bình.” [19] Tuy
nhiên, chúng ta cần quyết định ý nghĩa của từng câu trước khi nhìn thấy sụ khó
khăn về vấn đề thần học. Có hai vấn đề cần được phân tích theo ngữ pháp như
sau:
Jas. 2:24 A
person is justified by works and not
by faith alone
Người ta cậy việc
làm được xưng công bình, chớ chẳng những là cậy đức tin mà thôi.
Rom.3:28 A person is justified by
faith and not by works of the law
Người ta được xưng
công bình bởi đức tin, chớ không bởi việc làm theo luật pháp.
Bằng việc phân
tích cấu trúc văn phạm của hai câu, người đọc có thể thấy sự khác nhau. Trước hết,
Gia-cơ sử dụng giới từ “Ex, và ek” để chỉ về hành động được xưng công
bình. Cả hai từ “đức tin” và “việc làm” ở thể sở hữu (genitive) và đi
chung với giới từ ‘ek hoặc ex.’ Vì vậy, ý nghĩa dịch ra trong trường hợp này đó
là, “từ đó, khỏi đó’ hơn là bởi hoặc bằng.
Giới từ ‘ek’ cho thấy ý nghĩa của nguồn gốc của sự
vật; nó không phải là phương tiện hay có tính chất là phương tiện. [22]
Có nghĩa là một người được xưng là công chính từ công việc và không phải chỉ nhờ
đức tin mà thôi. Với tinh thần này, vậy Gia-cơ không có ý nói đến ‘việc làm’ sẽ
đem đến sự công chính. Như vậy, Gia-cơ muốn nói đến một người sẽ được phán xét
dựa trên đức tin và hành động của mình trong sự phán xét tương lai.
Thứ
hai, bằng cách sử dụng thể (dative), cho từ ‘đức tin,’ Phao-lô muốn bày tỏ tầm
quan trọng của sự xưng công bình liên quan đến đức tin mà không phải bởi việc
làm của luật pháp. Mục đích sử dụng dạng dative,
đó là vì nó mang ý nghĩa định hướng hoặc nguyên nhân. Bởi chính vì đức tin mà một
người sẽ được xưng công bình. Vậy, Phao-lô đang giải quyết vấn đề gốc rễ của sự
cứu rỗi.
Nói
tóm lại, bằng cách phân tích câu trúc và cách sử dụng ngữ pháp của hai tác giả,
người đọc có thể thấy những câu nói trên đều nhằm mục đích giải quyết những vấn
đề khác nhau. Một người là về sự phán xét
tương lai, còn người kia là về nguyên tắc của sự xưng công bình.
- Hướng
Đến Sự Hòa Giải
Phần
trên đã bàn luận về cách sử dụng từ ngữ, và các khía cạnh ngữ pháp, bây giờ tác
giả bài viết sẽ phân tích văn cảnh của cả hai sách của Phao-lô và Gia-cơ. Cẩn
thận xem xét về bối cảnh mà hai tác giả đang nói đến, người đọc sẽ sớm nhận thấy
rằng, Phao-lô và Gia-cơ không phụ thuộc lẫn nhau, nhưng một mặt khác lại rất gần
gũi với nhau.
Sự Xưng Công Bình của Gia-cơ dưới
Ánh Sáng của Phúc Âm
Sự
xưng công bình của Gia-cơ căn bản bắt nguồn từ sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu.
(1)
Gia-cơ chương 2: 1-13 về mối quan hệ với người lân cận hay láng giềng. Cơ đốc
nhân phải không được thiên vị. Sự dạy dỗ này rất gần gũi với câu chuyện mà Chúa
Giê-xu kể về người Sa-ma-ri nhơn lành trong Luca 10:25-37. Đức tin được bày tỏ
bằng hành động thương xót.
Bối
cảnh mà Chúa Giê-xu kể câu chuyện trên là nói đến làm thể nào để hưởng được sự
sống đời đời. Làm sao để được xưng công bình trong sự đoán xét ngày sau, hay là
để hưởng lấy sự sống đời đời, một người phải bày tỏ đức tin bằng những việc làm
nhơn đức.
(2)
Gia-cơ 2:14-26 là về đức tin và việc làm. Trong phân đoạn này, Gia-cơ đưa ra
trường hợp về thức ăn và đồ mặc. Một lần nữa, sự dạy dỗ này liên quan đến câu
chuyện mà Chúa Giê-xu đã dạy về sự phán xét ngày sau. “Vì Ta đói, các người cho
ta ăn; ta khát, các ngươi cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta;
ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta, ta đau, các ngươi thăm ta, ta bị tù, các
ngươi viếng ta.” (Mat. 25:35-36). Trong tương lai, Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt tất
cả mọi người theo công việc họ làm. Trong tình huống rất giống nhau như vậy,
Gia-cơ kể lại về vấn đề thức ăn và đồ mặc để chỉ về đức tin và việc làm. Có thể
nói, rõ ràng Gia-cơ đang nói đến sự kiện sẽ xảy ra trong ngày phán xét, mà Đức
Chúa Trời sẽ đoán phạt mỗi người tùy theo công việc họ làm.
Sự Xưng Công Bình của Phao-lô dưới Ánh Sáng
của Luật Pháp
Từ
một khía cạnh khác, Phao-lô dạy dỗ về sự cứu rỗi bởi ân điển đến từ Đức Chúa Trời.
Phao-lô lý luận rằng bởi hành động vâng giữ luật pháp, một người không thể được
tha thứ. Vấn đề mà Phao-lô đề cập đến đó là tội lỗi. Để được xưng công bình, một
người phải được tha thứ. Tuy nhiên, “Không có một ai công bình, không có người
nào” (Rô ma 3:10). Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng
ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ, vì chúng ta chịu chết.”
(Rôm 5:8).
Sự xưng công bình mà Phao-lô đề cập đến đó là
món quà ban cho nhưng không (miễn phí). “Họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công
bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giê-xu Christ.”
(Rôm. 3:24). Phao-lô rõ ràng đang lý luận về từ “xưng công bình” để được sự cứu
rỗi bởi ân điển của Đức Chúa Trời trong đó chỉ đòi hỏi đức tin, và chỉ bởi đức
tin mà thôi.
Tóm
lại, sự xưng công bình của Gia-cơ bắt nguồn từ khía cạnh thực hành của sự cứu rỗi,
chỉ hướng về sự phán xét trong tương lai, trong khi đó, sự xưng công bình của
Phao-lô là từ khía cạnh nguyên tắc để được sự cứu rỗi, mà vì đó Đức Chúa Trời sẽ
đoán phạt tất cả mọi người trong ngày cuối cùng.
Phao-lô và Gia-cơ
về Đức Tin và Việc Làm
Sau khi đã nhận biết
văn cảnh và dòng tư tưởng của cả hai tác giả, sự hòa giải cho hai quan điểm là
cần thiết. Nói chung, Phao-lô và Gia-cơ đều đồng ý rằng cả “đức tin và việc
làm” là những phần căn bản của đời sống Cơ đốc nhân, mặc dầu hai người có những
chú trọng khác nhau. Vì Phao-lô và Gia-cơ viết cho người đọc khác nhau trong những
tình huống khác nhau để giải quyết những vấn đề khác nhau, vì vậy, họ có những
định kiến khác nhau và nhấn mạnh ở những điểm khác nhau. Tuy nhiên, người đọc
đã hiểu lầm và giải nghĩa không đúng nên dẫn đến sự mâu thuẫn càng sâu sắc hơn.
Để hòa giải hai quan điểm này, ngượi đọc cần nhìn thấy những gì Phao-lô và
Gia-cơ không nói đến.
Phao-lô:
-
Phao-lô không nói về “việc lành”; nhưng ông nói
“việc làm của luật pháp” đó là Luật Pháp của Môi-se về sự cắt bì, các của lễ
dâng, và những nghiêm cấm về cách ăn uống..”
-
Phao-lô không phản đối “việc lành”; ông xem điều
đó là một kết quả thiết yếu của đời sống Cơ đốc nhân (Rôm. 12-15).
-
Phao-lô không nói đến định nghĩa “đức tin” như
Gia-cơ, nhưng đối với Phao-lô “đức tin” có nghĩa là “tin cậy” Đức Chúa Trời,
hay là tin tưởng vào kế hoạch mà Đức Chúa Trời dành cho con người.
-
Phao-lô không dùng từ “chỉ” (duy nhất) trong
Rô-ma 3:28. Martin Luther đã thêm vào trong Kinh Thánh Tiếng Đức của ông chữ
“allein” (chỉ).
Gia-cơ:
-
Gia-cơ không chống đối vấn đề đức tin, ông thừa
nhận điều đó, nhưng nhấn mạnh rằng đức tin thuần khiết phải bày tỏ qua hành động,
không chỉ là ngôn từ sáo rỗng.
-
Đức tin đối với Gia-cơ có đặc tính về tâm trí
hơn là sự thật về thần học “tin rằng Đức Chúa Trời là duy nhất” (2:9).
-
Gia-cơ cũng không nói đến “chỉ bởi việc làm”
nhưng nhấn mạnh đến “không chỉ bởi đức tin mà thôi”; ông muôn nhấn mạnh cả hai
yếu tố.
Kết
lại, chữ “việc làm” mà Gia-cơ đề cập đến không phải tách rời hoặc độc lập với đức
tin, nhưng việc làm trong đức tin, không phải làm thay thế đức tin nhưng làm bởi
vì đức tin. Đức tin là là nền tảng căn bản của đời sống Cơ đốc nhân; còn việc
làm là lối sống; hướng đến sự trưởng thành và hoàn thiện là mục đích của đời sống
Cơ đốc. [23] Gia-cơ không phản đối đức
tin, ông chỉ phản đối đức tin không có hành động kèm theo. Vậy Gia-cơ mong muốn
Cơ đốc nhân có đức tin mà đức tin đó phải hành động.
- Đức
Tin Cơ Đốc Nhân theo sự Dạy Dỗ của Phao-lô và Gia-cơ
Gia-cơ
để lại một sứ điệp rất quan trọng cho Cơ đốc nhân ngày nay. Bởi vì sự hiểu biết
cho rằng Cơ đốc nhân được xưng công bình bởi đức tin, nhiều người dường như bỏ
qua tầm quan trọng của việc làm lành. Trong bối cảnh hiện nay, đạo đức Cơ đốc cần
được nhấn mạnh và đòi hỏi phải nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, hội thánh và Cơ đốc
nhân vẫn không bày tỏ chính mình là gương mẫu cho xã hội, hội thánh Việt nam là
một điển hình. Ví dụ, hội thánh không liên quan đến những công việc từ thiện của
xã hội nhiều như giúp đỡ nhiều người, ủng hộ và nuôi trẻ mồ côi v.v. Trong khi
đó những tôn giáo khác như Công Giáo bày tỏ việc lành của họ qua những công tác
từ thiện này rất nhiều và bỏ qua chức vụ giang dạy và học hỏi lời Chúa. Điều
này cũng nguy hiểm vì họ tin vào sự xưng công bình bởi việc làm.
Có
thể nói Phao-lô và Gia-cơ đều đồng ý rằng chúng ta được cứu duy bởi ân điển của
Đức Chúa Trời. Ngày hôm nay, Cơ đốc nhân phải thừa nhận như Koenkerk, rằng: “Cơ
đốc giáo đòi hỏi tất cả nơi bạn, nhưng khi bạn hoàn thành mọi thứ đòi hỏi đó,
cuối cùng, bạn cũng nhận ra rằng bạn được cứu bởi ân điển mà thôi và không phải
điều gì khác hơn.”[24]
Kết Luận
Trên đây là phần
trình bày và giải thích về sự xưng công bình theo quan điểm của Phao-lô và
Gia-cơ. Như đã nói ở trên, bài viết này chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ vào câu trả
lời cho vấn đề xưng công bình. Sau khi đã phân tích những mâu thuẫn và cách hòa
giải, bài viết đi đến kết luận như sau: Gia-cơ đã đưa ra một sự dạy dỗ mang
tính tranh cãi về thần học cách nghiêm trọng đến nỗi có thể được xem là mâu thuẫn
trực tiếp với thần học Phao-lô. Sau khi phân tích Gia-ơ 2:14-26, người đọc có
thể thấy Gia-cơ có một tấm lòng nóng cháy để nói lên sự dạy dỗ chân thật dù có
thể đem đến sự mơ hồ cho người đọc. Ý nghĩa của một đức tin thật đó là một đức
tin phải năng động, phải có hành động đi kèm theo. Nếu đức tin không thể hiện
việc làm, thì đức tin đó đang có vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, không phải bởi
việc làm mà một người có thể được tha thứ và được xưng công bình; nhưng đó chính là bởi ân điển của Đức Chúa Trời.
Thư
Mục (Bibliography)
Bauckham, Richard. James . New York : Routledge, 1999.
Childs, B. S. The New Testament as Canon: An Introduction .
London : SCM
Press, 1984.
Douglas J. Moo, The Letter of James (Grand Rapids : Eerdmans Publishing Company,
2000), 135.
J. Calvin, Commentaries on the Catholic Epistles,
Ed. And trans. J. Owen .Edinburgh:
Calvin Translation
Society,
1855.
Jonhson, Luke Timothy “The
Letter of James,” in Leander Kech et al, eds., The New Interpreter’s Bible, vol.
XII. Nashville : Abingdon,
2000.
Kaiser, W. C. 1997, c1996. Hard
sayings of the Bible (electronic ed.) . InterVarsity: Downers Grove , Il .
Luther, M. Word and Sacrament I, Luther’s Work 35,
Ed. E.T. Backman. Philadelphia :
Muhlenberg Press, 1960.
Magill, Elizabeth M. Paul and James: Compare or Contrast?
Quoted from
Internet: www.gbgm-umc.org/umw/james.
Martini, Black, & C. M.,
Metzger, B. M., & Wikgren, A. 1997, c1982. The Greek New Testament
(electronic ed.
of the 3rd ed.
(Corrected)) . United Bible Societies: Federal Republic
of Germany .
Stulac, George M. James .Downers Grove: IVP,2000.
1979.
Wall, R. W. ‘James and Paul in Pre-Canonical Context,’ in
R. W. Wall and E. E. Lemcio, The New
Testament
as Canon: A Reader in Canonical Criticism,
JSNTSS 76 . Sheffield : JSOT Press, 1992.
[1]
Elizabeth M. Magill, Paul and James:
Compare or Contrast? Quoted from Internet: www.gbgm-umc.org/umw/james.
[2] Luke
Timothy JOnhson, “The Letter of James,” in Leander Kech et al, eds., The New Interpreter’s Bible, vol. XII
(Nashville: Abingdon, 2000), 197.
[3] M.
Luther, Word and Sacrament I,
Luther’s Work 35, Ed. E.T. Backman (Philadelphia: Muhlenberg Press, 1960), 397.
[4] J.
Calvin, Commentaries on the Catholic
Epistles, Ed. And trans. J. Owen
(Edinburgh: Calvin Translation Society, 1855), 276.
[5] Ibid.
[6]
Richard Bauckham, James (New York:
Routledge, 1999), 119.
[7] R. W.
Wall, ‘James and Paul in Pre-Canonical Context,’ in R. W. Wall and E. E.
Lemcio, The New Testament as Canon: A
Reader in Canonical Criticism, JSNTSS 76 (Sheffield: JSOT Press, 1992),
250-271.
[8] B. S.
Childs, The New Testament as Canon: An
Introduction (London: SCM Press, 1984), 438.
[9] Ibid,
436.
[10]W.
C. Kaiser, 1997, c1996. Hard sayings of the Bible (electronic ed.) InterVarsity: Downers Grove , Il .
[11]Ibid.
[12]
Ibid.
[14]
Ibid.
[15]W.
C.Kaiser, 1997, c1996. Hard sayings
of the Bible (electronic ed.) . InterVarsity: Downers Grove , Il .
[16]
Ibid.
[17]
Ibid.
[18]
Ibid.
[19] Moo,
The Letter of James, 140.
[20]Black,
M., Martini, C. M., Metzger, B. M., & Wikgren, A. 1997, c1982. The Greek
New Testament (electronic ed. of the 3rd ed. (Corrected)) . United Bible
Societies: Federal
Republic of Germany
[21]
Ibid.
[22]
Curtis Vaughan and Virtus E. Gideon, A
Greek Grammar of the New Testament (Nashville: Broadman Press, 1979), 180.
[24]
Quoted by Richard Baukham, James,
163.