ĐỀ TÀI: BÀI GIẢI KINH Ê SAI ĐOẠN 52: 13 – 53:
12
GIỚI THIỆU
1. BẢN VĂN
2. PHÂN TÍCH BẢN VĂN
2.1 Giới hạn bản văn
2.2 Nhận định
3. HOÀN CẢNH LỊCH SỬ
3.1 Bối cảnh lịch sử của bản văn
4. PHÂN TÍCH VĂN HỌC
4.1 Cấu tạo
4.2 Chức Năng
5. PHÂN TÍCH CẤU TRÚC
5.1 Cấu Trúc Bản Văn
5.2 Mục Đích Cấu Trúc
6. PHÂN TÍCH THỂ LOẠI
6.1 Thể Loại
6.2 Nhận định
7. PHÂN TÍCH TỪ NGỮ
7.1 Từ Ngữ Quan Trọng
7.2 Mục Đích Sử Dụng của Tác Giả
8. GIẢI NGHĨA
8.1 Sứ Điệp Của Tác Giả
8.2 Giải Nghĩa
9. Ý NGHĨA THẦN HỌC
10. ÁP DỤNG
KẾT LUẬN
GIỚI THIỆU
Sách Ê-sai được gọi theo tên của tác giả.
Ê-sai là một tiên tri sống trong thời tiền lưu đày, vào khoảng năm 750 T.C,
dưới các triều vua Giu-đa: Ô-xia, Giô-tham, A-cha, Ê-xê-chia, Ma-na-se. Tên
“Ê-sai” có nghĩa là: “Sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va.”[1] Cả
sách Ê-sai gồm có hai phần: phần một là những lời tiên tri hình phạt và rủa sả
(1 – 39), đặc biệt phần hai là sứ điệp giải cứu và ban phước của Đức Chúa Trời
qua Đấng Mê-si-a (40 – 66).[2]
Trong bài này, người viết sẽ khảo
sát Ê-sai 52: 13 – 53: 12, là đoạn nằm trong phần sứ điệp giải cứu và ban
phước. Ê-sai đoạn 52: 13 – 53: 12 là lời tiên tri quý báu của Kinh thánh được
nhiều tín hữu yêu thích. Đây là một bài ca nói về người đầy tớ chịu khổ nạn của
Đức Giê-hô-va, là bài ca cuối cùng trong loạt các bài ca về người đầy tớ nằm
rải rác ở các đoạn 42: 1 – 9; 49: 1 – 13; 50: 4 – 11. Qua hình thức của một bài
ca, tác giả đã trình bày cho người đọc thấy được hình ảnh một người đầy tớ chịu
khổ nạn của Đức Giê-hô-va để gánh thay tội lỗi cho mọi người. Đây là bức tranh
mô tả Đấng Mê-si-a chịu khốn khổ và chết thay cho con người tội lỗi, để hoàn
thành chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời.
1. BẢN VĂN
1.1 Bản Văn Ê-sai 52:
13 – 53: 12.
52
13a Này, tôi tớ ta sẽ làm
cách khôn ngoan;
13b sẽ được tôn lên, dấy lên và
rất cao trọng.
14a Như nhiều kẻ thấy người
mà lấy làm lạ
14b (mặt mày người xài xể
lắm hơn kẻ nào khác,
14c hình dung xài xể hơn con trai
loài người).
15a thì cũng vậy người sẽ
vảy rửa nhiều dân,
15b và các vua ngậm miệng lại vì người;
15c vì họ sẽ thấy đều chưa ai nói
cho mình,
15d và sẽ hiểu biết đều mình chưa
hề nghe.
53
1a Ai tin, đều đã rao truyền cho chúng
ta,
1b và cánh tay Đức Giê-hô-va
đã được tỏ cho ai?
2a Người đã lớn lên trước
mặt Ngài như một cái chồi, như cái rễ ra từ đất khô
2b Người chẳng có hình
dung, chẳng có sự đẹp đẽ;
2c khi chúng ta thấy người
không có sự tốt đẹp cho chúng ta ưa thích được.
3a Người đã bị người ta
khinh dễ và chán bỏ,
3b từng trải sự buồn bực,
3c biết sự đau ốm,
3d bị khinh như kẻ người ta che
mặt chẳng thèm xem;
3e Chúng ta cũng chẳng coi
người ra gì.
4a Thật, người đã mang sự
đau ốm của chúng ta,
4b Gánh sự buồn bực của chúng
ta,
4c mà chúng ta lại tưởng
rằng người bị Đức Chúa Trời đánh và đập,
4d và làm cho khốn khổ.
5a Nhưng người đã vì tội
lỗi chúng ta mà bị vết,
5b vì gian ác chúng ta mà
bị thương,
5c Bởi sự sửa phạt người
chịu, chúng ta được bình an,
5d Bởi lằn roi người, chúng
ta được lành bịnh.
6a Chúng ta thảy đều như
chiên đi lạc, ai theo đường nấy,
6b Đức Giê-hô-va đã làm
cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.
7a Người bị hiếp đáp,
7b nhưng khi chịu khốn khổ chẳng
hề mở miệng.
7c Như chiên con câm ở trước mặt
kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng,
8a Bởi sự ức hiếp và xử đoán, nên
người đã bị cất lấy,
8b trong những kẻ đồng thời với người
có ai suy xét rằng: người đã bị dứt khỏi đất người sống vì cớ tội lỗi
dân ta đáng chịu đánh phạt?
9a Người ta đã đặt mồ người
với kẻ ác,
9b nhưng khi chết, người
được chôn với kẻ giàu;
9c dầu người chẳng làm đều
hung dữ,
9e và chẳng có sự dối trá nào
trong miệng.
10a Đức Giê-hô-va lấy làm
vừa ý mà làm tổn thương người,
10b và khiến người gặp đau
ốm.
10c Sau khi đã dâng mạng sống người
làm tế chuộc tội,
10d người sẽ thấy dòng dõi
mình;
10e những ngày người sẽ
thêm dài ra,
10f và ý chỉ Đức Giê-hô-va
nhờ tay người được thịnh vượng.
11a Người sẽ thấy kết quả
của sự khốn khổ linh hồn mình,
11b và lấy làm thoả mãn.
11c Tôi tớ công bình ta sẽ
lấy sự thông biết về mình làm cho nhiều người được xưng làm công bình
11e và người sẽ gánh lấy
tội lỗi của họ.
12a vậy nên ta sẽ chia phần người
với người lớn.
12b Người sẽ chia của bắt
với kẻ mạnh.
12c vì người đã đổ mạng
sống mình cho đến chết,
12d đã bị kể vào hàng kẻ dữ,
12e đã mang lấy tội lỗi của nhiều
người,
12f và cầu thay cho những kẻ phạm
tội.
1.2. Nhận Định
Trong phần Kinh thánh này có nhiều
từ được lặp đi lặp lại như :“Tôi tớ ta” (52: 13) “Tôi tớ công bình ta” (53:
11), “Đức Giê-hô-va,” (53: 1, 4, 10a, 10f), “Chúng ta” (53: 1, 2, 3, 4…), đặc
biệt từ “Người” được dùng xuyên suốt cả đoạn 52: 13 – 53: 12.
2. PHÂN TÍCH BẢN VĂN
2.1 Giới Hạn Bản Văn
Ê-sai 52: 13 – 53: 12 là cùng một
khổ văn, vì phân đoạn 52: 13 – 15 cùng thuộc về đoạn 53. Mở đầu 52: 13 – 15 là lời
giới thiệu về người đầy tớ được liên kết với đoạn 53, vì nội dung cùng nói về
lịch sử của người đầy tớ Đức Giê-hô-va từ đời sống chịu khổ, chịu chết, chôn rồi
kết thúc bằng sự đắc thắng vinh hiển ở cuối đoạn 53. Trước đó, các đoạn 51 – 52
nói về Giê-ru-sa-lem được cứu chuộc và được khôi phục. Sau đó, đoạn 54 là bắt
đầu một phần khác, đánh dấu cho một khổ văn khác, mô tả thành Giê-ru-sa-lem
được mở mang rộng lớn.
2.2
Nhận Định
Cốt truyện của Ê-sai 52: 13 – 53: 12 kể về sự
nhập thể, đời sống chịu khổ, sự thương khó, sự chết, sự phục sinh… của người
đầy tớ Đức Giê-hô-va. Tại đây, người đầy tớ chịu khổ nạn của Đức Giê-hô-va được
bày tỏ là Đấng Cứu chuộc.
Bản văn này có một số từ ngữ được
sử dụng nhiều lần, để nhấn mạnh ý nghĩa của nó. Như dùng
đại từ nhân
xưng: “Người,” “Chúng ta” ở dạng nhấn mạnh (53: 4 – 6) để bày tỏ lý do sự thống
khổ mà người đầy tớ phải gánh chịu là vì tội lỗi của chúng ta. Nỗi đau mà người
đầy tớ gánh chịu là nỗi đau của chúng ta, như một sự thay thế. Đồng thời vạch
trần sự hiểu lầm của chúng ta về người đầy tớ (53: 4b).
Dù bài ca này nằm riêng lẻ nhưng
có nội dung liên quan với các bài ca nói về người đầy tớ trong các đoạn trước.
Bài ca thứ nhất (42: 1 – 9) bày tỏ lòng kiên trì nhẫn nại của người đầy tớ. Bài
ca thứ hai (49: 1 – 13) nói về tinh thần chấp nhận sự hao tốn công sức của người
đầy tớ. Bài ca thứ ba (50: 4 – 11) nói về người đầy tớ chấp nhận sự khinh miệt,
khốn khổ.
3. HOÀN CẢNH LỊCH SỬ
Bản văn Ê-sai 52: 13 – 53: 12 nằm
trong phần giải cứu và ban phước của Đức Giê-hô-va (từ đoạn 40 – 66). Đây là bài
ca được viết ra trong thời kỳ Y-sơ-ra-ên và các dân ngoại phạm tội, họ bị Chúa lên
án, cảnh cáo hình phạt. Vì cớ tội lỗi mà Đức Giê-hô-va hình phạt Y-sơ-ra-ên,
phán xét các nước. Nhưng bởi ân điển Ngài kêu gọi ăn năn và ban lời hứa giải cứu
cho họ qua Đấng Mê-si-a. Trong bối cảnh cả nhân loại đều phạm tội, bài ca này được
viết ra để nói về người đầy tớ của Đức Giê-hô-va gánh thay tội lỗi, dâng mạng
sống mình làm của lễ chuộc tội để Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi.
4. PHÂN TÍCH VĂN HỌC
4.1 Cấu Tạo
Đây
có thể được xem là bài ca với nhiều người hát.
Người hát bài ca Đức Giê-hô-va) 52:
13 – 15 (Ngôi thứ 1, của ta)
Người hát bài ca (tiên tri, dân sự) 53: 1
– 11b (Ngôi thứ 1, chúng ta, của chúng ta)
Người hát bài ca (Đức Giê-hô-va) 53:
11c – 12 (Ngôi thứ 1, ta, của ta)
Trong 52: 13 và 53: 11c – 12
người rao giảng hay người hát là Đức Giê-hô-va trực tiếp nói về người đầy tớ
của Ngài. Còn từ 53: 1 – 11a người hát là tiên tri nói về người đầy tớ của Đức
Giê-hô-va. Nội dung của bài ca này nói về cuộc đời, chức vụ của người đầy tớ chịu
khổ nạn gánh thay tội lỗi và chịu chết thay để cứu chuộc con người tội lỗi. Bài
ca này là lời rao truyền của vị tiên tri (53: 1 – 11b) và là sự khải thị của
Đức Giê-hô-va (52: 13 – 15, 53 : 11c – 12) bày tỏ về người đầy tớ của Ngài là
Đấng Cứu chuộc.
4.2 Chức Năng
Cách dùng bài ca để mô tả về
người đầy tớ khổ nạn, là một phương cách rất hay, vì nội dung của bài ca dễ đi
vào lòng người nghe. Trong bài ca này, lời của bài ca làm cảm động lòng người
qua hình ảnh người đầy tớ chịu đau khổ, thương khó, chết, chôn... vì tội lỗi của
nhân loại. Tất cả để truyền tải sứ điệp cứu chuộc của Đức Chúa Trời cho con
người, khiến người nghe có thể hiểu và chấp nhận sứ điệp cứu chuộc của Đức Chúa
Trời.
5. PHÂN TÍCH CẤU TRÚC
5.1
Cấu Trúc Bản
Văn
Cấu trúc bài ca này có thể được chia thành 5 khổ theo cách song đối trong thơ
văn Hê-bơ-rơ, mỗi khổ có 3 câu.
52: 13 – 15 Sự cao
trọng của người đầy tớ
53: 1 – 3 Người
đầy tớ chịu khổ, bị khước từ
53: 4 – 6 : Người đầy tớ gánh thay tội lỗi cho mọi người à
Đây là phần trung tâm
53: 7 – 9 Người
đầy tớ chịu chết, bị loại trừ
53: 10 – 12 Kết
quả vinh hiển của người đầy tớ
Cấu trúc bài ca này được liên kết chặt
chẽ với nhau về nội dung lẫn nghệ thuật, vì tất cả các phần đều mô tả cuộc đời người
đầy tớ của Đức Giê-hô-va. Các phần của cấu trúc bài ca có sự tương ứng với nhau qua ý tưởng chính.[3] Bài
ca được mở đầu và kết thúc bằng sự vinh hiển cao trọng của người đầy tớ (Phần
thứ nhất và cuối). Phần thứ hai và thứ bốn có ý tưởng giống nhau khi nói về
người đầy tớ chịu khổ và chịu chết. Phần thứ ba (53: 4 – 6) là trọng tâm vì giải
bày ý nghĩa của sự chịu khổ của người đầy tớ, lý do người đầy tớ phải chịu khổ
là để chuộc tội lỗi cho mọi người. Phần cuối bày tỏ sự đắc thắng vinh hiển của
người đầy tớ sau khi hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời tương ứng với phần đầu
tiên.[4]
Điều đáng chú ý là mỗi khổ thơ được bắt đầu
bằng một từ hoặc cụm từ đầu tiên để tóm tắt ý nghĩa của cả khổ thơ, và trở
thành đầu đề cho khổ thơ ấy. Ở khổ thơ đầu tiên sau từ “Này” (có nghĩa là hãy nhìn
xem, hay coi kìa) mở đầu, cụm từ “Tôi tớ ta sẽ thạnh vượng” không chỉ trở thành
phần tóm tắt cho khổ thơ thứ nhất mô tả việc người tôi tớ được tôn cao, mà còn
là đề tài cho cả lời tiên tri như chúng ta sẽ thấy.[5] Khổ
thứ hai bắt đầu bằng câu “Ai tin,” và phù hợp với nội dung của nó, vì khổ này
mô tả sự vô tín và không chịu suy nghĩ của những kẻ được thấy người đầy tớ
nhưng không chịu tin và không hiểu biết ý nghĩa sự chịu khổ của người đầy tớ. “Thật
(có nghĩa chắc chắn là) người đã mang sự đau ốm của chúng ta” là đầu đề thích
hợp cho khổ thứ ba mô tả sự khổ nạn của người đầy tớ thay thế cho chúng ta như
thế nào. “Bị hiếp đáp nhưng chẳng hề mở miệng” là đề mục của khổ thứ tư, vì khổ
này đề cập đến sự khiêm nhường và vô tội của người đầy tớ, tương phản với sự
bất công đã được áp dụng đối với mình. Còn đầu đề của khổ thứ năm là “Đức
Giê-hô-va lấy làm vừa ý” (Đức Giê-hô-va định trước) cho chúng ta biết ý chính
của khổ thơ, tức là nói rằng ở đằng sau cách thức con loài người đối xử với
người đầy tớ, đó là ý chỉ của Đức Chúa Trời.[6]
6. PHÂN TÍCH THỂ LOẠI
6.1
Thể Loại
Đây là thể loại thơ ca, một bài
ca về người đầy tớ của Đức Giê-hô-va.
Sau đây là gợi ý về thể loại và
cấu trúc của người viết:
Bài ca này thuộc thể loại tiên
tri, là sự dự báo trước về chức vụ của một người đầy tớ Đức Giê-hô-va.
Chủ đề: thể
loại tiên tri
A. Giới thiệu người đầy tớ Đức
Giê-hô-va 52:
13 – 15
i. Khôn ngoan 52: 13a
ii. Cao trọng 52: 13b
B. Hình dung của người đầy tớ Đức
Giê-hô-va 53: 1 – 3
i. Hai câu hỏi tu
từ
a) Ai tin lời rao truyền của chúng ta? 53: 1a
b) Cánh tay Đức
Giê-hô-va đã được tỏ cho ai? 53: 1b
ii. Như cái chồi từ đất khô
53: 2a
iii. Không có sự đẹp đẽ
53: 2b
C. Chức vụ của người đầy tớ Đức
Giê-hô-va 53:
4 – 6
i. Mang sự đau ốm và gánh buồn bực 53: 4ab
ii. Chịu khốn khổ 53: 4c
iii. Gánh thay tội lỗi 53: 5 – 6
D. Sự chết của người đầy tớ Đức
Giê-hô-va 53: 7 – 9
i. Như chiên bị dắt đến hàng làm thịt 53: 6b
ii. Chịu chết vì tội lỗi dân sự 53: 8c
i. Làm một của lễ
chuộc tội 53: 10c
ii. Hoàn thành ý chỉ
của Đức Giê-hô-va 53:
10
iii. Xưng công
bình cho nhiều người
53: 11
6.2 Nhận Định
Tác giả đã sử dụng hình thức một
bài ca để nói tiên tri về người đầy tớ của Đức Giê-hô-va là Đấng Mê-si-a. Với
một lời văn đầy thương tiếc và hối hận, tác giả trình bày các nổi khổ, sự đau
đớn, sự chết… mà Đấng Mê-si-a gánh chịu vì tội lỗi của chúng ta. Đấng Mê-si-a
đã mang lấy hình dạng một người đầy tớ bị khinh dễ để thi hành chức vụ nhập
thể, chịu khổ, chịu chết, chịu chôn… để cứu chuộc nhân loại theo ý chỉ của Đức
Chúa Trời.
52: 13. Ngôn ngữ xưng hô ở phần đầu
và cuối bài ca là của chính Đức Giê-hô-va trực tiếp nói về người đầy tớ của
Ngài: “ Tôi tớ Ta” (52: 13), “Của Ta” (53: 11), “Ta” (53: 12).
53: 1 – 6... Ngôn ngữ xưng hô ở
phần giữa bài ca là lời của vị tiên tri nói về người đầy tớ chịu khổ nạn:
“Chúng ta,” “Của chúng ta” (53: 1 – 6).
53: 1. Trong câu 1 tác giả đã dùng
hai câu hỏi tu từ. Các câu hỏi này không dùng với mục đích để được trả lời,
nhưng dùng để cho thấy sự ngạc nhiên về người đầy tớ và để nhấn mạnh sự lạ lùng
của người đầy tớ ngoài sức tưởng tượng của con người.
53: 4 – 6. Cách dùng các đại từ
nhân xưng “Người” và “Chúng ta” được đặt
song đối nhau.[7]
53: 4 – 7. Có những cặp câu song đối về ý
nghĩa, chúng được biến đổi và lặp lại. Có những chữ, những câu giống nhau
thường được lặp lại và được đặt vào vị trí đối đáp lẫn nhau. VD: như hai lần từ
“Nhiều,” hai lần cụm từ “Hết thảy chúng ta, chúng ta thảy đều,” “Chẳng từng mở
miệng, chẳng hề mở miệng,” “Mang, gánh lấy”... Việc nhắc đi nhắc lại những từ,
cụm từ này để diễn tả sự thương tiếc, trách móc và nhắc lại những điều đau buồn,
đáng tiếc.[8] Điều
này gây ấn tượng sâu đậm cho người đọc về nỗi thống khổ của người đầy tớ Đức
Giê-hô-va...
53: 6 – 7. Trong một số câu, tác
giả đã dùng phương pháp so sánh như: khi mô tả con người lầm
lạc trong tội
lỗi thì được nói là “Như chiên đi lạc” (53: 6). Trong sự kiện Chúa tự phó mình
chịu chết vì
tội chúng ta,
tác giả đã so sánh Chúa bị dắt đi “Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt,” và
giống “Như
chiên câm ở
trước mặt kẻ hớt lông” (53: 7)...
53: 1 – 12. Tác giả nhắc đi nhắc
lại 29 lần chữ “Người” để mô tả về người đầy tớ.[9]
Trong suốt bài ca, tác giả chỉ nói
đến tên nhân vật chính là đầy tớ của Đức Giê-hô-va 2 lần (52:
13, 53: 11),
còn lại chỉ được đề cập bằng chữ: “Người.”
7. PHÂN TÍCH TỪ NGỮ
Có một số từ cần xem xét sau đây:
“Đầy tớ của Đức Giê-hô-va”: ở đây là nói về một cá nhân chứ không
phải một tập thể, tính cách cá nhân của người đầy tớ được biểu lộ rõ rệt từ sự
ra đời, sự khốn khổ, sự chết, sự chiến thắng… đó chính là Đấng Mê-si-a.[10]
“Người”:
(53: 2) ở đây là đầy tớ của Đức Giê-hô-va, là Đấng Mê-si-a.
“Chúng ta”: người được chọn bao gồm dân tuyển và dân ngoại.
“Khốn khổ, đau khổ” (53: 4d, 7b, 11a): theo Kinh thánh đau khổ được
xem là hậu quả của tội lỗi dưới hình thức đau đớn, hư hoại, chết chóc... Người
đầy tớ Đức Giê-hô-va, Đấng hoàn thành sự cứu chuộc đã chịu khổ thay cho nhân
loại, để cứu nhân loại ra khỏi mọi đau khổ, hư hoại, tội lỗi, chết chóc.[11]
“Tôi tớ ta”: (53: 12) là đầy tớ của Đức Giê-hô-va, là Đấng Mê-si-a.
“Xài xể”: nói đến hình dung xấu xí của người đầy tớ.
“Vảy rửa”: của lễ đền tội của người đầy tớ dâng lên sẽ tẩy sạch tội
lỗi cho mọi người.
“Đất khô”: có nghĩa môi trường xung quanh của Chúa không cung cấp
cho Ngài bất cứ điều gì. Ngài sinh ra trong một gia đình nghèo, nơi một thị
trấn bị khinh dễ.[12]
“Chồi”: Chúa Jesus là chồi nứt ra từ Y-sơ-ra-ên, mặc lấy nhân tánh
và ra đời từ dòng dõi nhà Đa-vít.[13]
“Chiên đi lạc”: (53: 6) là tội nhân không theo đường lối của Đức Chúa Trời.
“Tế chuộc tội: theo nguyên nghĩa có 3 ý: 1/. Che phủ. 2/. Thay thế:
chịu chết thế cho con người tội lỗi 3/. Vãn
hồi: làm nguôi cơn giận của Đức Chúa Trời.[14]
“Xưng công bình”: tuyên bố vô tội.
“Mang” và “Gánh lấy...”: Chúa đã tự
ý đón nhận các hậu quả của tội lỗi dân sự
mình.
“Mang lấy đau ốm”: chữa lành bệnh chúng
ta bởi quyền năng thần thượng.
“Buồn
bực”: là đau khổ.
“Ốm đau”: là bệnh tật.
“Tội lỗi”: là tên gọi bao hàm chung các sự vi phạm, tội ác, việc làm
sai trái và mọi điều gian ác.
8. GIẢI NGHĨA
A.
Sứ Điệp Của
Tác giả
Trong Ê-sai 52: 13 – 53: 12,
tiên tri Ê-sai đã trình bày sứ điệp cứu rỗi cho Y-sơ-ra-ên và các dân ngoại.
Đây chính là Phúc Âm cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại qua một vị cứu
tinh là Đấng Mê-si-a đã mang lấy hình người đầy tớ để thi hành chức vụ nhập
thể, chịu khổ, chịu chết, chịu chôn, phục sinh… để cứu chuộc cả nhân loại theo
ý chỉ của Đức Chúa Trời.
B.
Giải Nghĩa
52: 13 Này, tôi tớ ta sẽ làm cách khôn ngoan; sẽ được tôn lên, dấy
lên và rất cao trọng: Đấng Christ
được tôn cao và được nhắc lên và
rất cao trọng, Ngài hành động cách khôn ngoan và được thịnh vượng.
14 Như nhiều kẻ thấy người mà lấy làm lạ
(mặt mày người xài xể lắm hơn kẻ nào khác, hình dung
xài xể hơn con trai loài người). Khi con người xem thấy người đầy tớ
khác với những gì họ mong đợi,
thì lấy làm
kinh ngạc.
15 thì cũng vậy người sẽ vảy rửa nhiều
dân, và các vua ngậm miệng lại vì người; vì họ sẽ thấy đều
chưa ai nói cho mình, và sẽ hiểu biết đều mình chưa hề nghe. Hiệu năng sự cứu chuộc của Đấng
Christ có giá trị cho cả nhân loại. Con người đã bị người đầy tớ làm cho choáng
váng.
53: 1 Ai tin đều đã rao truyền cho chúng
ta: Lời rao truyền của nhà
tiên tri đã bị khước từ, và cánh tay
Đức Giê-hô-va đã được tỏ cho ai? là quyền năng của Đức Giê-hô-va. Khi
Chúa từ Na-xa-rét đi ra rao giảng Phúc Âm, đó là sự tỏ ra của quyền năng Đức
Giê-hô-va cho nhiều người. Nhưng họ không nhận biết Ngài vì họ không thấy Ngài
là chính Đức Giê-hô-va đến trong quyền năng để cứu họ. Tại sao họ không tin lời
rao truyền và tiếp nhận khải thị về Đấng Mê-si-a? Vì cớ: câu 2 giải thích
2: Người đã lớn lên trước mặt Ngài như
một cái chồi,: là cây non mềm mại, nhỏ bé, mong manh Chúa là một người
khiêm nhường không ai chú ý đến Ngài. Như
cái rễ ra từ đất khô: tượng trưng cho môi trường khó khăn, Chúa được
sinh trưỏng trong một gia đình nghèo, trong một vùng đất bị khinh dễ.
Người chẳng có hình dung, chẳng có sự đẹp
đẽ; khi chúng ta thấy người
không có sự tốt đẹp cho chúng ta ưa thích được: Chúa không có vẻ oai
nghi khiến người ta thán phục và diện mạo đẹp đẽ cho người ta ưa thích. Đây là
sự nhận biết Chúa theo nhân tính, chứ không theo Thần tính. Trong nhân tính
Ngài là cái rễ ra từ đất khô, chồi từ gốc Gie-sê (Ê 11: 1), một nhánh dẫn đến
Đa-vít (Giê 23: 5, 35: 15), là một người và là Tôi tớ của Đức Giê-hô-va, ra từ
dòng dõi Đa-vít.
3 Người đã bị người ta khinh dễ và chán
bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự ốm đau bị khinh như kẻ người ta che mặt
chẳng thèm xem; Chúng ta cũng chẳng coi người ra gì. Đây là những nỗi
đau về thể xác và tinh thần mà Chúa phải gánh chịu.
4 Thật người đã mang sự đau ốm của chúng
ta, gánh sự buồn bực của chúng ta: Chúa mang sự đau ốm của chúng ta vào
thời điểm Ngài bị Đức Chúa chất tất
cả tội lỗi chúng ta trên Ngài (53: 6). Trong
sự chết thay cho chúng ta, Ngài đã mang các sự đau ốm của chúng ta và gánh sự
buồn bực của chúng ta.
mà chúng ta lại tưởng rằng người bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và
làm cho khốn khổ: con người phán đoán rằng những sự đau đớn, khổ nạn của
Chúa là do bị Đức Chúa Trời hình phạt.
5 Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà
bị vết, vì gian ác chúng ta mà bị thương, Bởi sự sửa phạt người chịu, chúng ta
được bình an, bởi lằn roi người, chúng ta được lành bịnh. Đây là sự
chữa lành cả tâm linh lẫn thể xác.[15] Các
chữa lành trên con người sa ngã là kết quả sự cứu chuộc của Chúa trên thập tự
giá. Ngài đã cất những đau yếu của chúng ta, gánh các bệnh tật chúng ta, thực
hiện sự chữa lành trên chúng ta. Tuy nhiên trong thời đại này, việc áp dụng quyền
năng chữa lành thần thượng cho chúng ta chỉ là tiền vị, trong thời đại hầu đến
chúng ta sẽ kinh nghiệm trọn vẹn phép lạ này.
6 Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai
theo đường nấy, Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất
trên người: Đức Chúa Trời đã đặt tất cả tội lỗi của chúng ta trên Đấng
Christ, nhận Ngài làm Đấng thay thế chúng ta cách hợp pháp theo luật pháp của
Đức Chúa Trời. Vì vậy, Đấng Christ đã chết một cái chết thay thế, với tư cách
là Đấng thay thế tội nhân chịu chết và được Đức Chúa Trời công nhận và chấp
thuận theo luật pháp.
7 Người bị hiếp đáp: Chúa bị bắt
trói tại vườn Ghết-sê-ma-nê, đó là sự hiếp đáp, áp bức, là con người Chúa có
nhân quyền, Ngài không làm gì sai trái, vì vậy bắt giữ Ngài là hiếp đáp.
Nhưng khi chịu khốn khổ: Sau khi
bị bắt giữ, Chúa bị xét xử trước hết bởi các lãnh đạo Do-thái sau đó
là quan chức
La-mã. Trong khi bị xét xử Chúa người ta vu cáo, đánh, hành hạ, chế giễu, nhổ
trên Ngài, đây là sự khốn khổ.
chẳng hề mở miệng. Như chiên con câm ở
trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng: Chúa không chỉ bị dẫn
đến hàng làm thịt nhưng còn bị hớt lông bởi những kẻ hớt lông Do-thái. Dù vậy,
Ngài không phản ứng chống lại. Ngài không biện luận, không minh oan hay biện
minh cho Ngài, thay vì thế Ngài im lặng chịu khổ. Điều này làm cho Phi-lát ngạc
nhiên.
8 Bởi sự ức hiếp và xử đoán nên người đã bị cất lấy: Chúa bị
sự ức hiếp, áp bức của các nhà lãnh đạo
Do-thái giả hình và bị sự xử đoán
bất công của quan chức La-mã, nên Ngài đã bị giết.
trong những kẻ đồng thời với người có ai
suy xét rằng: người đã bị dứt khỏi đất người sống vì cớ
tội lỗi dân ta đáng chịu đánh phạt?: Điều này nghĩa là có rất ít người
(hoặc không có ai) hiểu rằng vì
cớ tội lỗi chúng
ta mà Chúa bị bắt bớ, bị xét xử và bị giết chết. Ngay cả những kẻ ở với Chúa
khi Ngài chịu chết cũng không hiểu Ngài chết cho họ. Sự đánh phạt lẽ ra dân
Do-thái phải chịu, thì bây giờ đổ lại
trên Ngài.
Chúa đã chịu chết vì chúng ta!
9 Người ta đã đặt mồ người với kẻ ác,
nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu; dầu người chẳng làm đều hung dữ và
chẳng có sự dối trá nào trong miệng: Những kẻ đóng đinh Chúa định chôn Ngài chung với hai phạm nhân là những kẻ
ác. Nhưng cuối cùng trong sự tể trị của Đức Chúa Trời, Chúa đã được chôn trong
mộ của người giàu (Math 27: 57 – 60). Chúa không có phạm tội trong hành động cũng
như trong lời nói, nhưng người ta đã đối xử với Ngài cách độc ác, bất công.
10 Đức Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm
tổn thương người, và khiến người gặp đau ốm: Trong sự chết thay thế của
Chúa là Đấng thay thế tội nhân, sự đau khổ, thương khó, sự chết... của Ngài là ý
chỉ của Đức Giê-hô-va.
Sau khi đã dâng mạng sống người làm tế
chuộc tội: là Ngài đã tự nguyện làm cho chính Ngài thành một của lễ vì
tội lỗi chúng ta.
người sẽ thấy dòng dõi mình: dòng
dõi ở đây bao gồm tất cả những người tin Chúa được sản sinh từ hạt giống là
Chúa xuyên qua sự chết và phục sinh của Ngài (Giăng 12: 24).[16]
Ngày nay Hội thánh là dòng dõi Ngài là sự gia tăng và mở rộng của Ngài.
những ngày người sẽ thêm dài ra: có
nghĩa là “kéo dài vô tận,” không chỉ nói về sự sống đời đời mà còn nói về quyền
cai trị của Đấng Christ nữa.[17] Ngày
nay, các ngày của Chúa cũng được kéo dài ra bởi Ngài đang sống trong các tín
hữu.
và ý chỉ Đức Giê-hô-va nhờ tay người
được thịnh vượng: Sự chết của Chúa không chỉ là trường hợp chết thay hay
cán cân công lý của loài người bị lệch lạc mà thôi. Nhưng còn là ý muốn, là
chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
11 Người sẽ thấy kết quả của sự khốn khổ
linh hồn mình, và lấy làm thoả mãn: Kết quả của sự chịu thống khổ, chết
thay thế và phục sinh là dòng dõi của Ngài, đây là niềm vui thoả của Đức Chúa
Trời và sự thoả mãn của Ngài.
Tôi tớ công bình ta sẽ lấy sự thông biết
về mình làm cho nhiều người được xưng làm công bình và người sẽ gánh lấy tội
lỗi của họ: vô số người được Đức Chúa Trời xưng công bình qua ơn cứu
rỗi của Chúa Jesus.
12 Vậy nên ta sẽ chia phần người với
người lớn. Người sẽ chia của bắt với kẻ mạnh. Người lớn và kẻ mạnh ở
đây là Đức Chúa Trời. Chúa Jesus (nhân tánh) được tôn cao làm Chúa của cả trời
và đất, ngang hàng với Đức Chúa Trời (Phi líp 2: 5 – 11).
vì người đã đổ mạng sống mình cho đến
chết: từ “mạng sống” có nghĩa là “hồn,” trong sự chết Chúa đã bỏ mạng
sống mình để làm của lễ chuộc tội. Trong mọi của lễ, nếu đó là một sinh tế, đều
phải bị giết và huyết phải đổ ra, khi ấy sinh tế đó mới được Đức Chúa Trời chấp
nhận. Trong sự chết của Chúa, Ngài cũng đã đổ mạng sống Ngài theo cách như vậy.
đã bị kể vào hàng kẻ dữ: Chúa đã
bị đóng đinh giữa hai phạm nhân, vì vậy Ngài bị chính quyền La-mã và những
người đương thời kể Ngài vào hàng tội phạm.
đã mang lấy tội lỗi của nhiều người, và
cầu thay cho những kẻ phạm tội: Khi ở trên thập giá Chúa gánh thay tội
lỗi của cả nhân loại và Ngài không chỉ cầu thay cho các môn đồ, cho hai kẻ phạm
tội bên cạnh mà Ngài cũng cầu thay cho cả những kẻ đang giết Ngài.
9. Ý NGHĨA THẦN HỌC
Ý nghĩa thần học của cả đoạn:
Nói về Đấng Mê-si-a là Cứu Chúa của cả nhân loại qua hình ảnh một tôi tớ chịu
khổ nạn của Đức Giê-hô-va trong đời sống và chức vụ của Ngài như:
Nhập thể: Là sự hiện đến của
Đấng Mê-si-a trong thân xác con người. Chúa
Jesus đã mặc lấy nhân tính giống như con người để đến thế gian hoàn thành sứ
mạng cứu chuộc của Đức Chúa Trời cho con người. Đoạn Kinh thánh Ê-sai 52: 13 –
53: 12 bày tỏ cho chúng ta biết về Đấng Mê-si-a đã mặc lấy hình tôi tớ, để cứu
chuộc con người tội lỗi. Đấng Christ trở thành nhục thể để thực hiện lời hứa
của Đức Chúa Trời. Lời hứa này chạy suốt qua Cựu Ước ngay khi loài người phạm
tội (Sáng 3: 15).[18] Ê-sai
đoạn 52: 13 – 53: 12 là một lời tiên tri rõ ràng nhất về nhập thể của Chúa
Jesus.
Sự chuộc tội: Sự chết của
Đấng Mê-si-a là sự chuộc tội cho con người tội lỗi. Chính sự hiện đến và sự
chết của Đấng Christ trong xác thịt là sự đảm bảo cho sự cứu rỗi của chúng ta.[19]
Sự chuộc tội có nghĩa là Đấng Christ đã giải cứu con người khỏi tội lỗi bằng
một giá là chính mạng sống Ngài. Sự chết của Chúa là “giá chuộc cho nhiều
người” (Mác 10: 45).
Của lễ chuộc tội: Của lễ
giống như con sinh tế thời Cựu ước để chuộc tội cho tội nhân. Tại đây
người đầy tớ
được mô tả vừa là của lễ vừa là Thầy tế lễ cho tội nhân.[20]
Chịu chết: Đây là trọng tâm của sự đền tội thay cho con
người. Sự chết của Ngài là một cái chết thay thế (Ês 53: 4 – 10a, 12b), vì tội
lỗi chúng ta.
Sống lại: Chúa đã đắc thắng tội
lỗi, sự chết… Ngài đã sống lại trong vinh hiển. Là trái đầu mùa của sự sống
lại.
Xưng công bình (c 11b): nói về việc Đấng Christ
sẽ làm cho nhiều người trở nên công chính, tức những người tin nhận Ngài.
Dòng dõi mình: Là những
người được Ngài cứu chuộc, tin nhận Ngài, ngày nay chúng ta là dòng dõi của
Ngài.
Sự cứu rỗi: Sự cứu rỗi là chủ
đề chính của sách Ê-sai, là đề tài chính của đoạn 52: 13 – 53: 12. Qua đoạn
Kinh thánh này chúng ta thấy Đức Chúa Trời là tác giả của sự cứu rỗi, chính Đức
Chúa Trời đã giải cứu con người thông qua vị Cứu tinh là Đấng Mê-si-a. Dù trong
bài ca này không trực tiếp dùng từ cứu rỗi, nhưng ý niệm về cứu rỗi thì thể
hiện suốt bài ca về phương diện giải thoát khỏi tội lỗi và các hậu quả của nó.[21] Đoạn
Kinh thánh này còn đề cập đến những phương diện khác nhau của sự cứu rỗi như:
“Xưng công bình,” “Gánh tội lỗi,” “Cầu thay cho kẻ phạm tội.”
Sự
phù hợp và quan trọng của đoạn 52: 13 – 53: 12 đối với sách Ê-sai: Trong
phần đầu sách Ê-sai từ đoạn 1 – 39 vị tiên tri cảnh cáo Y-sơ-ra-ên rằng sự gian
ác của họ sẽ bị hình phạt, cho thấy nhu cầu lớn lao của con người cần được cứu.
Còn trong phần hai của từ 40 – 66 bày tỏ sự dự bị đầy ơn của Đức Chúa Trời để
ban sự cứu rỗi cho Y-sơ-ra-ên và dân ngoại qua Đấng Mê-si-a. Vì vậy, phân đoạn
Ê-sai 52: 13 – 53: 12 bày tỏ Đấng Mê-si-a đến chịu khổ nạn và chết thay cho tội
lỗi nhân loại, để cứu chuộc nhân loại là phù hợp với nội dung của cả sách, nhất
là các bài ca về người đầy tớ của Đức Giê-hô-va trước đó ở các đoạn 42: 1 – 9;
49: 1 – 13; 50: 4 – 11.
Chúng ta thấy bài ca trong
đoạn 52: 13 – 53: 12 được nằm chính giữa phần thứ 2 của sách là phần giải cứu
và ban phước. Vì vậy, đoạn 52: 13 – 53: 12 chiếm địa vị trung tâm giữa các đoạn
liên hệ với nó. Đó là đoạn sách nói về Đấng Mê-si-a chịu khốn khổ, gánh thay
tội lỗi để cứu chuộc chúng ta. Đây là một phân đoạn rất quan trọng đối với sách
Ê-sai, là Phúc Âm cứu rỗi, là tin mừng cho mọi người.
Học biết về ý nghĩa thần học từ
đoạn 52: 13 – 53: 12: Học tập theo gương Chúa để hy sinh vì người khác.
Bằng lòng chịu khổ để hầu việc Chúa, làm theo ý muốn Chúa. Tiếp nhận ơn cứu rỗi
của Đức Chúa Trời, tin Chúa Jesus để được tha tội, cứu rỗi. Thấy được tình yêu
thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta.
10. ÁP DỤNG
A.
BỐ CỤC BÀI
GIẢNG (Bố cục đơn giản)
Đề tài: Đấng
Mê-si-a
Kinh thánh Ê-sai 53: 1
-12
1.
Sự nhập thể của Đấng Mê-si-a
2.
Sự thương khó của Đấng Mê-si-a
3.
Sự chết của Đấng Mê-si-a
4.
Sự phục sinh của Đấng Mê-si-a
B. ÁP DỤNG
Phân đoạn Kinh thánh này có thể được dùng để truyền giảng cho thân
hữu, đặc biệt giảng cho Hội thánh trong các dịp lễ Thương Khó, Phục Sinh, Tiệc
Thánh, cũng như phù hợp để học Kinh thánh chung với các loạt bài về Cuộc Đời
Chúa Cứu Thế… Đoạn Kinh thánh này thích hợp để nâng đỡ tín hữu trong bệnh tật,
khích lệ trong lúc ngã lòng, an ủi trong đau khổ khi dấn thân hầu việc Chúa.
Áp dụng bài học: ngày nay con người cần
phải tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, tin nhận Chúa Jesus để được cứu rỗi
và được chữa lành cả thể xác lẫn tâm linh. Bài ca này cũng là lời khuyến khích
rao truyền câu chuyện Phúc Âm cho nhiều người, hầu đem họ trở về với Chúa. Tin
Lành cần rao giảng ra khắp trái đất và sự chết của Chúa Jesus phải được truyền
khắp nơi. Đồng thời đây là bài học hạ mình theo gương mẫu của người đầy tớ Đức
Giê-hô-va, qua hình ảnh hy sinh của Chúa khiến chúng ta cảm động, yêu mến Chúa
nhiều hơn.
KẾT LUẬN
Ê-sai 52: 13 – 53: 12 là một bài ca tuyệt diệu đáng cho chúng ta ghi
nhớ. Bằng những lời văn u buồn, thương tiếc, hối hận, bài ca này là lời tiên
tri rõ ràng nhất về công cuộc cứu chuộc của Đấng Mê-si-a trong Cựu Ước. Những
lời tiên tri này đã được ứng nghiệm hoàn toàn trong Chúa Jesus. Sứ điệp của bài
ca mô tả về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời xuyên qua Đấng Mê-si-a nhập thể, chịu
đau khổ, chịu chết, phục sinh. Tại đây, chúng ta nhận thấy sự cứu rỗi Đức Chúa
Trời được thực hiện qua vị cứu tinh là Đấng Mê-si-a trong hình ảnh người đầy tớ.
Thật, có ai trong chúng ta khi thấy được tình yêu thương của Đức Chúa Trời
trong Kinh thánh mà không thấy lòng mình cảm động? Có ai nghĩ đến sự chết của
Chúa Jesus Christ mà nước mắt mình không tuôn rơi? Vì Đức Chúa Trời đã yêu
thương chúng ta đến nỗi đã ban Con Một của Ngài đến thế gian chịu chết cách đau
thương để cứu chuộc chúng ta (Giăng 3: 16). Cảm ơn Ngài. Amen!
THƯ MỤC
Le, Thien V. Nguồn Sống Bất Diệt – Quyển 2. TP. Hồ
Chí Minh: NXB Tôn Giáo, 2007.
Le, Phuoc V. Nghiên Cứu Các Sách Tiên Tri II. Lưu
Hành Nội Bộ.
Mashall,
I. Howard et al. Thánh Kinh Tân Tự Điển. Ấn bản thứ ba. TP. Hồ Chí Minh: NXB Phương
Đông, 2009.
Macdonald,
William. Kinh Thánh Chú Giải Cựu Ước.
Thomas Nelson Publishes: Translate in to
Vietnamse, 2004.
Smith, Adam. Giải Nghĩa Sách Tiên tri Ê-sai – Quyển 2. Sài Gòn: Nhà Sách Tin
Lành, 1974.
Suh, Young Hwang. Thần Học Tân Ước Qua Thư Tín I Giăng. Seoul :
Korea Presbyterian Theology
College , 2009.
Pham, Tin X. Thần Đạo Căn Bản. Nha Trang: Thánh Kinh Thần Học Viện, 1968.
Wenham, G. H et al. Giải Nghĩa Kinh Thánh – Tập 4. Hà Nội:
NXB Tôn Giáo, 2004.
[1]
William Macdonald. Chú Giải Kinh Thánh
Cựu Ước (Thomas Nelson Publishes: Translated in to Vietnamse, 2004), trang
840.
[3]
Young Hwang Suh. Thần Học Tân Ước Qua Thư
Tín I Giăng (Seoul : Korea Presbyterian
Theology College ,
2009), trang 6.
[4] G. H
Wenham et al. Giải Nghĩa Kinh Thánh,
trang112.
[5] Adam
Smith. Giải Nghĩa Sách Tiên Tri Ê Sai
– Quyển 2 (Sàigòn: Nhà Sách Tin Lành, 1974), trang 376.
[6] Adam
Smith. Giải Nghĩa Sách Tiên Tri Ê Sai
– Quyển 2, trang 376.
[7] Adam
Smith. Giải Nghĩa Sách Tiên Tri Ê Sai
– Quyển 2, trang 377.
[8]
Adam Smith. Giải Nghĩa Sách Tiên Tri Ê
Sai – Quyển 2, trang 377 – 378.
[9] Thien Le
V. Nguồn Sống Bất Diệt – Quyển 1 (TP.
Hồ Chí Minh: NXB Tôn giáo, 2007), trang 178.
[10]
I. Howard Marshall et al. Thánh Kinh Tân
Từ Điển, trang 512 – 513.
[12] Thien
Le V. Nguồn Sống Bất Diệt – Quyển 1,
trang 178.
[13] Thien
Le V. Nguồn Sống Bất Diệt – Quyển 1,
trang 178.
[14] Thien
Le V. Nguồn Sống Bất Diệt – Quyển 1,
trang 223.
[15] Thien
Le V. Nguồn Sống Bất Diệt – Quyển 1,
trang 214.
[16] Thien
Le V. Nguồn Sống Bất Diệt – Quyển 1,
trang 184.
[17] Thien
Le V. Nguồn Sống Bất Diệt – Quyển 1,
trang 185.
[18]
Tin Pham. X. Thần Đạo Căn Bản (Nha
trang: Thánh Kinh Thần Học Viện, 1968), trang 138.
[19] I.
Howard Marshall et al. Thánh Kinh Tân Từ
Điển, trang 1289 – 1290.
[20] G. H
Wenham et al. Giải Nghĩa Kinh Thánh,
trang115.
[21] I.
Howard Marshall et al. Thánh Kinh Tân Từ
Điển, trang 438 – 439.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét