Trang Nhà

Phước cho những người trọn vẹn trong đường lối mình,
Đi theo luật pháp của Đức Giê-hô-va.
Thi Thiên 119:1.

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Giải Nghĩa Thi Thiên 42 (Tác giả: Sinh Viên N.K.Đ, TpHCM)


GIỚI THIỆU
                             Trong Kinh thánh Cựu Ước có một sách tuyệt vời, đó là Thi-thiên. Thi-thiên là một trong năm sách văn thơ, được nằm ở vị trí trung tâm của Kinh thánh. Đây là bộ sưu tập những bài Thánh ca, ngợi khen, cầu nguyện... của nhiều tác giả. Từ xưa đến nay, Thi-thiên luôn giữ vị trí chủ yếu trong sinh hoạt tâm linh của cộng đồng tín hữu Cơ đốc. Không riêng người Do-thái mà các tín hữu trên thế giới đều say mê đọc, ca hát và ngâm vịnh Thi-thiên. Có lẽ không có quyển sách nào trong Kinh thánh nói lên những kinh nghiệm sâu nhiệm và sự dạy dỗ thiết thực giúp ích đời sống thuộc linh của tín hữu cho bằng Thi-thiên.[1] Thi-thiên dẫn chúng ta vào mối tương giao với Đức Chúa Trời qua những lời cầu nguyện, ngợi khen, cảm động, suy gẫm và khao khát. Đặc biệt, là những bài Thi-thiên cầu nguyện than khóc xin Đức Chúa Trời giải cứu khỏi hoạn nạn.
              Trong bài này, người viết sẽ khảo sát Thi-thiên đoạn 42, đó là lời cầu nguyện trong khổ nạn. Tại đây, chúng ta sẽ thấy được lòng trông đợi và đức tin của tác giả đối với Đức Chúa Trời, với mong muốn khích lệ đức tin giúp các tín hữu đứng vững trong những hoàn cảnh khó khăn trên bước đường theo Chúa.
   I. BẢN VĂN
A.    Các Bản Dịch: King James, Truyền thống, Hiện Đại và Bản Dịch Mới.



       King James
42
Tothe chief Musician, Maschil,
for the sons of Korah.
   1 As the hart panteth after the water brooks, so panteth my soul after thee, O God.  2My soul thirsteth for God, for the living God: when shall I come and appear before God? 3My tears have been my meat day and night  while they continually say unto me, Where is thy God? 4When I remember these things, I pour out my soul in me: for I had gone with the multitude, I went with them to the house of God , with the voice of joy and praise, with a multitude that kept holyday. 5Why art thou cast down, O my soul? and why art thou disquieted in me? hope thou in God: for I shall yet praise him for the help of his countenance.  6O my God, my soul is cast down within me: therefore will I remember thee from the land of Jordan, and of the Hermonites, from the hill Mizar. 7Deep calleth unto deep at the noise of thy waterspouts: all thy waves and thy billows are gone over me. 8Yet the LORD will command his lovingkindness in the daytime, and in the night his song shall be with me, and my prayer unto the God of my life. 9I will say unto God my rock, Why hast thou forgotten me? why go I mourning because of the oppression of the enemy? 10As with a sword in my bones, mine enemies reproach me; while they say daily unto me, Where is thy God?  11Why art thou cast down, O my soul? and why art thou disquieted within me? hope thou in God: for I shall yet praise him, who is the health of my countenance, and my God.
               Truyền Thống
   42
 Thơ của con cháu Cô-rê, dùng để
I.                    dạy dỗ, cho thầy nhạc chánh                                                                 
   1Đức Chúa Trời tôi ôi! Linh hồn tôi  mơ ước Chúa, Như con nai cái thèm khát khe nước. Linh hồn tôi khát khao Đức Chúa Trời, là  Đức Chúa Trời hằng sống: 2 Tôi sẽ đến ra mắt Đức Chúa Trời chừng  nào? Đương khi người ta hằng hỏi tôi:  Đức Chúa Trời ngươi đâu. Thì nước mắt làm đồ ăn cho tôi ngày và  đêm.4 Xưa tôi đi cùng đoàn chúng, Dẫn họ đến nhà Đức Chúa Trời, Có tiếng reo mừng và khen ngợi … Một đoàn đông giữ lễ, Rày tôi nhớ những điều ấy mà lòng buồn thảm.                        
5Hỡi linh hồn ta, vì sao ngươi sờn ngã và bồn chồn trong mình ta? Hãy trông cậy nơi Đức Chúa Trời. Ta sẽ còn ngợi khen Ngài nữa; vì nhờ mặt Ngài bèn được cứu rỗi. 6 Đức Chúa Trời tôi ôi! Linh hồn tôi bị sờn ngã trong mình tôi;  Nên từ xứ Giô-đanh, từ núi Hẹt môn và từ gò Mít-sê-a, tôi nhớ đến Chúa. 7 Vực gọi vực theo tiếng ào ào của thác nước Chúa: Các  lượn sóng và nước lớn của  Chúa đã ngập tôi. 8 Dầu vậy, ban ngày  Đức Giê-hô-va sai khiến sự nhơn từ Ngài: Còn ban đêm bài hát Ngài ở cùng tôi. Tức là bài cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời của mạng sống tôi. 9.Tôi sẽ thưa cùng Đức Chúa Trời là Hòn Đá tôi rằng: Cớ sao Chúa quên tôi? Nhơn sao tôi phải buồn thảm, Vì cớ kẻ thù hà hiếp tôi. 10 Trong khi các cừu địch tôi hằng hỏi Tôi rằng: Đức Chúa Trời ngươi đâu? Thì chúng nó sỉ nhục tôi, Khác nào làm gãy các xương cốt tôi. 11Hỡi linh hồn ta, cớ sao ngươi sờn  ngã và bồn chồn trong mình ta? Hãy trông cậy nơi Đức Chúa Trời. Ta sẽ còn ngợi khen Ngài nữa: Ngài là sự cứu rỗi của mặt ta, và là Đức Chúa Trời ta
           Hiện Đại
42
Giáo Huấn Ca của Con Cháu Cô-rê. Soạn cho NhạcTrưởng
    1 Như nai cái khát khao tìm khe suối, Tâm hồn con khao khát Chúa trên trời.
2 Hồn linh con mơ ước Đấng Vĩnh Sinh, Bao giờ con được gặp Chúa? 3 Khi kẻ thù trêu chọc: "Thượng Đế anh đâu?"
Ngày đêm nuốt lệ thay vì thức ăn.4 Nhớ xưa con cùng cả rừng người Đi diễn hành long trọng,
Con đưa họ đến nhà Thượng Đế, Giữa những tiếng hoan ca chúc tạ, Người dự lễ đông như kiến cỏ; Hoài niệm ấy làm tan nát lòng. 5 Hồn ta hỡi, sao bồn chồn, buồn bã? Cứ hy vọng nơi Ngài! Vì ta còn cảm tạ Ngài vẫn là Cứu Chúa của ta, 6 Khi hồn con thất vọng, con nhớ Chúa. Từ đồng xanh Giô-đan, Từ núi tím Hẹt-môn,
Từ đồi trọi Mịch-san. 7
Nước gọi nhau trong thác lũ ầm ầm, Sóng thần lớp lớp phủ tràn thân con. 8 Ngày ngày Chúa chan hòa nhân ái, Đêm đêm, ca khúc dâng lên tự đáy lòng, Như lời nguyện cầu Thượng Đế của đời con 9 Con xin hỏi Vầng Đá muôn đời: "Tại sao nỡ quên con, thưa Chúa? Sao con phải đau buồn vì kẻ thù áp đảo?" 10 Xương cốt con gãy vụn khi có người chế nhạo, Và liên tục căn vặn: "Thượng Đế anh đâu?" 11 Hồn ta hỡi, sao bồn chồn, buồn bã? Cứ hy vọng nơi Ngài! Vì ta còn cảm tạ. Ngài vẫn là Cứu Chúa, và Chân Thần ta
        Bản Dịch Mới
42
Thơ con cháu Cô-rê làm để dạy dỗ
     1 Đức Chúa Trời ôi! Linh hồn tôi mong đợi Chúa Như con nai thèm khát suối nước. 2 Linh hồn tôi khao khát Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời hằng sống. Khi nào tôi mới được đến trình diện trước mặt Đức Chúa Trời? 3 Khi người ta còn hỏi Đức Chúa Trời ngươi đâu? Thì suốt ngày đêm nước mắt làm đồ ăn cho tôi. 4 Tôi nhớ lại những điều này và linh hồn tôi tan vỡ. Thể nào tôi đã đến, dẫn đoàn người vào nhà Đức Chúa Trời, Trong tiếng reo hò vui vẻ cảm tạ của đoàn người dự lễ.5  Hỡi linh hồn ta, tại sao ngươi chán nản và lo lắng trong mình ta? Hãy hy vọng nơi Đức Chúa Trời. Vì ta sẽ còn ca ngợi Ngài, Ngài là Đấng cứu rỗi và Đức Chúa Trời hằng giúp đỡ ta. 6 Linh hồn tôi chán nản trong tôi,
Nên tôi nhớ đến Ngài. Từ vùng đất Giô-đanh, Từ rặng núi Hẹt-môn và đồi Mítsêa.7  Vực sâu này đến vực sâu khác, Tiếng ầm ầm của các thác nước; Tất cả sóng gió ba đào của Ngài đã tràn ngập tôi. 8 Ban ngày CHÚA truyền ban tình yêu thương Ngài, Ban đêm bài hát Ngài ở cùng tôi, Tức là lời cầu nguyện dâng lên Đức Chúa Trời của đời tôi.9  Tôi sẽ thưa cùng Đức Chúa Trời, là vầng đá của tôi. Tại sao Ngài quên tôi? Vì sao tôi bước đi buồn thảm? Trong sự đàn áp của kẻ thù? 10 Xương cốt tôi như gẫy nát Khi kẻ thù chế giễu, Suốt ngày chúng hỏi tôi: Đức Chúa Trời ngươi đâu? 11 Hỡi linh hồn ta, tại sao ngươi chán nản? Vì sao ngươi lo lắng trong mình ta? Hãy hy vọng nơi Đức Chúa Trời,  Vì ta sẽ còn ca ngợi Ngài, Là Đấng Cứu Rỗi và Đức Chúa Trời hằng giúp đỡ ta


B. Các Vấn Đề Bản Văn: Cách dịch
        Trong 4 bản dịch trên, bản King James, Truyền thống và bản Dịch Mới dùng danh xưng “God,” “Đức Chúa Trời” là chính xác, trong tiếng Hê-bơ-rơ, là “Elohim,” nghĩa đen là: Đấng quyền năng...[2] Còn bản Hiện Đại dịch: “Chúa trên trời,” “Đấng Vĩnh Sinh” (câu 2, 3) là thiếu chính xác, hoặc dùng danh “Thượng Đế,”“Chân Thần” (câu 3, 11) thì dễ hiểu, nhưng thiếu ý nghĩa.
             Trong câu 6: Chỉ có 2 bản King James và Truyền Thống có cụm từ “Đức Chúa Trời tôi ôi,” còn Bản Dịch Mới và Hiện Đại thì không có, nên  thiếu ý nghĩa cho câu thơ.
       Trong câu 9: Bản King James dịch: “I will say unto God my rock.” Truyền thống: “Tôi sẽ thưa cùng Đức Chúa Trời là Hòn Đá tôi,” bản Dịch Mới: “Tôi sẽ thưa cùng Đức Chúa Trời, là Vầng đá của tôi” là chính xác và đầy đủ ý nghĩa. Riêng bản Hiện Đại thì dịch là: “Con xin hỏi Vầng Đá” gây khó hiểu cho người đọc.
             Trong câu 11: Bản King James là: “Hope,” Truyền thống: “Trông cậy,” 2 bản còn lại dịch là “Hy vọng.” Về từ này cả 4 bản đều dịch gần giống nhau và chính xác...
             Qua các bản dịch trên, chúng ta nhận thấy có sự khác nhau về danh xưng Đức Chúa Trời, cũng như có một vài thiếu sót và đôi điều khác nhau giữa các bản dịch. Điều này có thể gây khó hiểu hoặc khiến người đọc hiểu đoạn Kinh thánh này một cách khác nhau, dẫn đến giải nghĩa khác nhau... Sau khi so sánh với bản King James, người viết nhận thấy bản Truyền thống dịch chính xác hơn 2 bản còn lại, vì vậy bài viết này sẽ dựa trên bản văn của bản Truyền thống.
II. GIỚI HẠN BẢN VĂN
A.    Giới Hạn Bản Văn
              Thi-thiên 42 có 11 câu, đây là lời cầu nguyện xin Chúa giải cứu trong khi bị kẻ thù tấn công. Theo đa số học giả, đoạn 42 và 43 là cùng một bài thơ, vì đoạn 43 thiếu tiêu đề, còn phần lớn câu văn, từ ngữ, ý tưởng giống với đoạn 42, đặc biệt là phần điệp khúc.[3] Trước đó, đoạn 41 là lời Đa-vít cầu xin Chúa chữa bệnh và giải cứu khỏi bạn hữu phản bội. Sau đó, trong đoạn 44 con cháu Cô-rê nhắc lại ơn phước Chúa và xin Ngài giải cứu khỏi cảnh lưu đày. Trong bài này, người viết chỉ giới hạn bản văn từ 42: 1 –11.
B.     Bản Văn Trong Bối Cảnh Cả Sách
  Cấu trúc sách Thi-thiên được chia làm 5 quyển như sau:
  Quyển 1: từ đoạn 1 – 41
Quyển 2: từ đoạn 42 – 72
Quyển 3: từ đoạn 73 – 89
Quyển 4: từ đoạn 90 – 106
Quyển 5: từ đoạn 106 – 150
               Năm quyển này tương ứng với năm sách luật pháp của Môi-se. Từ quyển 1 – 3 là phần than khóc và quyển 4 – 5 là phần ngợi khen. Bên cạnh đó, sách Thi-thiên còn được phân loại thành những bộ nhỏ hơn theo chủ đề như: Thánh ca, ngợi khen, tin cậy, Hoàng gia, Si-ôn... Thi-thiên 42 là bài mở đầu của quyển 2 (42 – 72), còn được gọi là Elohim Thi-thiên, vì được nằm trong số các Thi-thiên thường dùng danh Elohim (42 – 84), và cũng thuộc về phần Thi-thiên than khóc.[4]
III. BỐI CẢNH
                A.    Bối Cảnh Sáng Tác
                        Đoạn 42 được tác giả sáng tác trong cảnh lưu đày và bị kẻ thù tấn công, đặc biệt đang bị xa cách hiện diện Đức Chúa Trời. Do đó, tác giả viết ra Thi-thiên này để than khóc và kêu xin Chúa cứu giúp. Theo một số học giả Kinh thánh thì đoạn 42 được viết trong lúc Đa-vít bị Áp-sa-lôm rượt đuổi, nhưng số khác lại cho rằng đây là tiếng than khóc của dân Do-thái trong thời kỳ lưu đày...[5] Nhưng những địa danh tác giả nói đến không phù hợp với các nơi Đa-vít ẩn trốn, vì vậy có lẽ Thi-thiên này được viết vào thời kỳ dân sự bị lưu đày.
                         Tác giả của Thi-thiên 42 là con cháu của Cô-rê. Họ thuộc về dòng Lê-vi, có nhiệm vụ canh giữ Đền thờ (Dân 26, I Sử 9: 19). Việc ghi chú tác giả là một nhóm người, cho thấy tiêu đề không chỉ định rõ ai là tác giả, nhưng để cho biết sáng tác cho ai sử dụng. Dù ai đã viết ra Thi-thiên này đi nữa, thì nó cũng mặc lấy một hình thức bất tử về một tấm lòng trông đợi Chúa, và lời thở than đã biến thành giai điệu.[6]
                      B. Bối Cảnh Sử Dụng
               Theo tiêu đề, Thi-thiên 42 dùng “Để dạy dỗ” và dành “Cho thầy nhạc chánh” có nghĩa: bài thơ này được sáng tác để ca hát thờ phượng Đức Chúa Trời.[7] Vì vậy, Thi-thiên 42 được dùng ca hát, dạy dỗ trong lúc đau khổ, than khóc để nhớ đến Chúa và được an ủi. Dù nan đề chưa được giải quyết nhưng vẫn tin cậy, kêu cầu cùng Ngài. Về sau, các Thi-thiên được dân sự ca hát thờ phượng Đức Chúa Trời tại Đền thờ, trong nhà hội
người Do-thái, trong thời Chúa Jesus, trong Hội thánh đầu tiên...[8]
IV. PHÂN TÍCH VĂN HỌC
A. Cấu Tạo
           Đây có thể được xem là lời cầu nguyện dưới hình thức bài ca của cá nhân với Đức Chúa Trời.[9]
           Người cầu nguyện                 (con cháu Cô-rê) câu 1 – 4, 6 – 10 (ngôi thứ 1, tôi)
           Đối tượng cầu nguyện           (Đức Chúa Trời) câu 1 – 4, 6 – 10 (ngôi thứ hai, Đức Chúa Trời)
           Người nói                               (con cháu Cô-rê) câu 5, 11            (ngôi thứ nhất, ta)
           Người nghe                            (linh hồn)            câu 5, 11            (ngôi thứ 2, ngươi)
           Đối tượng tin cậy, ngợi khen (Đức Chúa Trời) câu 5, 11            (ngôi thứ 3, Ngài…)
              Trong đoạn 42: 1 – 4, 6 – 10 người cầu nguyện hay người hát là con cháu Cô-rê trực tiếp kêu cầu Đức
Chúa Trời để trình bày nỗi khao khát, nan đề của mình với Ngài. Còn từ 42: 5, 11 là lời tự vấn và tự khẳng
định về niềm tin nơi Chúa của tác giả với chính linh hồn mình, trong khi chờ đợi giải cứu.
              B. Chức Năng
                 Cách dùng hình thức một bài ca để cầu nguyện và dạy dỗ là một phương cách rất hay và phổ biến trong thời bấy giờ.[10] Qua bài ca này, tác giả đã bày tỏ cảm xúc khao khát và kinh nghiệm trông cậy Chúa trong cảnh khổ, khiến người nghe cảm động, dễ hiểu, dễ nhớ lời dạy dỗ của tác giả. Đặc biệt, giúp người nghe tìm thấy sự an ủi, nâng đỡ tinh thần trong những lúc gặp hoàn cảnh tương tự.[11] Tất cả để truyền đạt sứ điệp kêu gọi giữ vững đức tin nơi Đức Chúa Trời.
           V. PHÂN TÍCH CẤU TRÚC
   A. Cấu Trúc Bản Văn
                                                Cấu trúc 1
                                       Đức tin trong khổ nạn
                          Phần 1
a. Đức tin         42: 1 – 2         Linh hồn khao khát Chúa
b. Ngã lòng      42:  3 – 4        Khóc ngày đêm vì bị kẻ thù tấn công
c. Đức tin         42:  5              Tin cậy nhờ Chúa sẽ được cứu rỗi
                                      Phần 2
a’ Đức tin         42: 6 – 8         Liên hệ các nơi chốn quen thuộc để nhớ Chúa
b’ Ngã lòng      42: 9 – 10       Đau đớn như gãy xương vì bị kẻ thù tấn công
c’ Đức tin         42: 11             Tin cậy Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi
                                                   Cấu trúc 2
                                   Cảm nhận trong cơn đau khổ
Phần 1:     Khao khát Đức Chúa Trời
Phần 2:     Trông đợi Đức Chúa Trời
Câu 1– 2   Bên trong linh hồn bị xa cách Chúa
Câu 6 – 8   Bên trong linh hồn nhớ đến Chúa
Câu 3 – 4  Bên ngoài bị kẻ thù tấn công
Câu 9 – 10 Bên ngoài bị kẻ thù tấn công
Câu 5        Điệp khúc khẳng định đức tin nơi Chúa                                                  
Câu 11       Điệp khúc khẳng định đức tin nơi Chúa
                  Bài ca này được chia làm hai phần. Phần 1 được đánh dấu với mẫu câu nói: “Đức Chúa Trời ôi...” và phần 2 cũng được bắt đầu bằng câu: “Đức Chúa Trời tôi ôi...” Cuối hai phần đều kết thúc bằng một điệp khúc.
                 Trong cấu trúc Thi-thiên 42, tác giả đã sử dụng các phương pháp như:
               So sánh: Dùng cách nói tỉ dụ để nói rõ sự ví sánh bằng các từ: “Như, khác nào…”[12] Ở đây, tác giả ví nỗi khao khát Chúa giống ‘như’ sự khát nước của con nai cái, những lời nói mỉa mai của kẻ thù gây đau đớn ‘khác nào’ làm gãy các xương cốt (1, 10)...
   Giải thích: Trình bày vấn đề trong câu thơ trước và giải thích ở các câu tiếp theo, như nói: “người ta”  sau đó giải thích là: “thù nghịch.” Trước đó, nói “bài hát” kế đến giải thích “tức là bài cầu nguyện” (3 – 10, 8).
               Song hành đồng nghĩa: Diễn đạt bằng những câu tương đồng. Câu 2 dùng hình ảnh, từ ngữ... lặp lại ý tưởng của câu 1 để làm sáng tỏ ý nghĩa và gây ấn tượng cho người đọc.[13] Như câu 1 nói linh hồn khao khát Chúa, câu 2 mô tả giống như nai cái khát nước (1 – 2)...
               Đối xứng: Có nhiều câu mang tính đối xứng nhau: Mở đầu khổ thơ thứ 1 với một khung cảnh khô hạn qua hình ảnh nai cái khát nước và sau đó là cảnh thác nước ngập lụt (1 – 7). Tác giả xưng nhận “Đức Chúa Trời tôi” ở câu trước và kẻ thù hỏi “Đức Chúa Trời ngươi” ở các câu sau đó (6 – 10).
              Bắt đầu bằng lời than thở và kết thúc bằng lời hứa ngợi khen (1 – 5, 6 – 11).
              Trình bày sự giao tranh giữa đức tin và ngã lòng xuyên suốt bài thơ.  Tác giả nói “Đức Chúa Trời của mạng sống” trong khổ thơ thứ 2 để đối lại với “Đức Chúa Trời hằng sống” ở khổ thơ thứ 1.[14]
              Từ hiện tại nhớ đến quá khứ: Xưa, rày. (3 –  4). Ngày và đêm (3b, 8).
              Từ trong ra ngoài: Từ nỗi buồn trong hồn bị xa cách Chúa đến sự tấn công bên ngoài của kẻ thù (1, 2 – 3, 6 – 10).
               Hình bóng: Dùng biểu tượng nói lên ý nghĩa và làm tăng vẻ đẹp, sự sinh động cho bài thơ: Như nói Đức Chúa Trời là Hòn đá: ngụ ý Ngài là chốn nương cậy, đồn lũy mạng sống (9)...
              Điệp khúc: Đây là phép lặp lại câu thơ một cách đều đặn để nhấn mạnh ý chính[15] với dụng ý nêu bật sứ điệp của bài thơ, khiến người đọc dễ nhớ (5, 11).
              B. Mục Đích Cấu Trúc
              Tác giả muốn gieo vào lòng người đọc một niềm tin vững chắc nơi Đức Chúa Trời trong thì hoạn nạn. Qua đó, tác giả kêu gọi mọi người hãy giữ đức tin nơi Đức Chúa Trời, và thấy được chỉ có Ngài là Đấng giải cứu. Bằng cách trình bày những cảm xúc và trải nghiệm tin cậy Đức Chúa Trời trong cảnh lưu đày khốn khổ bị kẻ thù liên tục tấn công, mà Đức Chúa Trời dường như vắng mặt, để khẳng định niềm tin vững chắc của mình nơi Ngài. Từ đó, tác giả dạy dỗ người đọc hãy tiếp tục trông cậy Chúa cho dù hoàn cảnh có khốn khổ đến đâu. Vì vậy, giữ vững đức tin trong thử thách là điều quan trọng nhất mà mỗi tín hữu cần học theo.
VI. PHÂN TÍCH BẢN VĂN
A. Phân Tích Thể Loại
                             Thi-thiên 42 thuộc thể loại thơ ca. Đây là bài ca than khóc của một cá nhân hướng về Đức Chúa Trời
               trình dâng những nan đề trong cuộc sống và cầu xin Ngài giải cứu.[16]
                             Câu chủ đề: thể loại than khóc. Lời cầu nguyện trong khổ nạn.
A.          Lời kêu cầu cùng Chúa           c 1 – 2
i.      Đức Chúa Trời ôi, linh hồn tôi mơ ước Chúa    c 1 – 2
ii.     Linh hồn tôi khao khát Đức Chúa Trời hằng sống   c 2
iii.    Câu hỏi tu từ:
      a) Tôi sẽ ra mắt Chúa đến chừng nào?  c 2
     B.     Lời than thở về hoạn nạn    c 3 – 4
i.                                            Bị kẻ thù tấn công bằng câu hỏi:
  a)  Đức Chúa Trời ngươi đâu?      c 3
ii.                                          Nước mắt làm đồ ăn ngày đêm         c 3b
iii.                                        Buồn thảm nhớ lại cảnh thờ phượng xưa     c 4
    C.     Lời xưng nhận lòng tin cậy         c 5
i.                                            Hỡi linh hồn ta, cớ sao phải sờn ngã      c 5a
ii.                                          Hãy trông cậy nơi Đức Chúa Trời     c 5b
     D.    Lời hứa nguyện ngợi khen       c 5cd
i       Ta sẽ còn ngợi khen Ngài nữa      c 5c
ii.     Vì nhờ mặt Ngài bèn được cứu rỗi     c 5d
A’  Lời kêu cầu cùng Chúa
    i.      Đức Chúa Trời ôi, linh hồn tôi sờn ngã      c 6
i.                          Từ những nơi chốn xưa tôi nhớ Chúa         c 6
ii.                                        Tin rằng thác nước và sóng gió là của Chúa      c 7
iii.                                      Ngày có sự nhơn từ, đêm có bài hát Chúa ở cùng    c 9
B’  Lời than vãn về hoạn nạn        c 9 – 10
i.                            Hai câu hỏi tu từ:
       a) Cớ sao Chúa quên tôi?    c 9a
       b) Nhơn sao tôi phải buồn thảm vì bị kẻ thù hà hiếp?   c 9b
ii.     Bị kẻ thù tấn công bằng câu hỏi:            c 10a
                  a)  Đức Chúa  Trời ngươi đâu?       c 10b
iii.    Đau đớn khác nào bị gãy xương cốt      c 10b
   C’  Lời xưng nhận đức tin       c 11a
i.      Cớ sao linh hồn phải sờn ngã, bồn chồn?     c  11a
ii.         Hãy trông cậy nơi Đức Chúa Trời                c 11b
   D’  Lời hứa nguyện ngợi khen      c 11bcd
               i.      Ta sẽ còn ngợi khen Ngài nữa        11b
ii.     Ngài là sự cứu rỗi của mặt ta       11c
iii.                                     Ngài là Đức Chúa Trời ta     11d
Nhận định:
               Tác giả dùng hình thức bài ca để cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời. Với những câu thơ than thở, khóc lóc, chờ mong, tác giả đã bộc lộ nỗi lòng khao khát được giao thông với Đức Chúa Trời trong hoạn nạn. Từ đó, tác giả bày tỏ rằng chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng giải cứu và cuối cùng khẳng định niềm tin nơi Ngài.
               Câu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 10, 11: Tác giả dùng danh hiệu Elohim để cầu nguyện và nói về Đức Chúa Trời, vì danh Elohim nói lên Ngài là Đấng quyền năng, Tạo hoá,[17] Ngài có thể làm mọi việc Ngài muốn.[18]
              Câu 8: Nhắc đến Giê-hô-va là danh hiệu riêng biệt,[19] nói lên mối liên hệ gần gũi với dân Y-sơ-ra-ên, Ngài là Đấng lập giao ước với họ,[20] Ngài sẽ làm mọi việc Ngài đã hứa.[21]
              Câu 1, 3, 4, 10... Có các cặp câu tương đồng ý tưởng với nhau để nhấn mạnh điều tác giả muốn nói.       
              Câu 1, 6, 7: Tác giả dùng cảnh vật thiên nhiên, để bày tỏ tâm trạng của mình, cũng như thu hút sự chú ý của người đọc. Như hình ảnh con nai đáng thương, mỏi mệt, đi tìm nước, làm xúc động lòng người,[22] để minh họa cho nỗi lòng khao khát được giao thông với Chúa.
Câu 1, 4, 6, 7: Tác giả mô tả cảnh vật, hình ảnh, âm thanh sống động. VD: đoàn đông dân sự dự lễ, thác nước ào ào... để bộc lộ cảm xúc, nỗi nhớ và hoàn cảnh nguy hiểm của mình.
Câu 3, 10, 5, 11: Dùng các câu hỏi để gây ấn tượng và câu trả lời để tăng thêm tính thuyết phục. Qua sự đối thoại, tác giả truyền đạt ý tưởng chính cho người đọc. Như hỏi linh hồn: “Cớ sao ngươi sờn ngã?” và trả lời: “Hãy trông cậy  Đức Chúa Trời... Ngài là sự cứu rỗi của mặt ta...”
               Câu 2b, 9: Tác giả dùng câu hỏi tu từ. Các câu hỏi này không dùng với mục đích trả lời, nhưng để bộc lộ sự khao khát cháy bỏng được giao thông với Chúa và được giải cứu khỏi cảnh khổ của tác giả, như: “Tôi sẽ đến ra mắt Đức Chúa Trời chừng nào?”...
               Dùng từ, cụm từ diễn tả thời gian: “Chừng nào,” “Đương khi,” “Ngày và đêm,” “Xưa, rày” “Hằng ngày” để bày tỏ tình trạng của nỗi khổ, lòng khao khát được giải cứu, đồng thời liên kết nội dung bài thơ.
              Câu 5, 11: Tác giả dùng điệp khúc để nhấn mạnh sứ điệp của bài thơ.
              Tại đây, tác giả đã dùng những danh hiệu, hình ảnh, câu hỏi tu từ... để bộc lộ cảm xúc, chuyển tải ý tưởng của mình, giúp người đọc hiểu được Đức Chúa Trời là Đấng cứu rỗi và tiếp tục tin cậy Ngài.
                 B. Đặc Điểm Cú Pháp
                 Thi-thiên 42 là một bài thơ, thuộc thể loại khổ thơ, bao gồm các khổ thơ được trình bày như sau:
                 42: 1 – 4     Khổ 1
                 42: 5           Điệp khúc  (chuyển đổi) 
                 42: 6 – 10   Khổ 2
                 42: 11         Điệp khúc  (kết thúc).[23]  
                    Đoạn 42 được viết theo thể: song hành đồng nghĩa. Có thể tìm thấy trong cách dùng: ngữ pháp, cấu trúc, từ ngữ, chủ đề liên quan... Các câu thơ đều được liên kết một cách chặt chẽ với nhau. Như câu đầu tiên được mang thể loại cấu trúc ngữ pháp nào thì câu thứ hai, thứ ba sẽ mang cấu trúc đó, hoặc lập lại ý nghĩa bằng các từ đồng nghĩa khác.[24] VD: c 1.        
         VII. GIẢI NGHĨA TỪ NGỮ
     A. Từ Ngữ Quan Trọng
                     Linh hồn: Gồm có 3 phần: tâm trí, tình  cảm và ý chí. Linh hồn là trung tâm của mọi cảm xúc và ước
      muốn. Từ “Linh hồn” trong nguyên văn Hê-bơ-rơ thuộc về giống cái, cho nên ở đây đã được so sánh với con nai cái, vì “thèm khát” là hình thức theo giống cái của động từ, dù danh từ ấy thuộc giống đực.[25]
                     Khao khát: Nói đến sự khao khát thuộc linh, lòng mong ước được tương giao với Đức Chúa Trời.
                     Nai cái: Còn gọi là con hoàng dương, nó có tính hiền lành, chơn mạnh và chạy nhanh.[26] Tác giả dùng hình ảnh nai cái để mô tả tấm lòng đang bất an, khao khát, cần sự cứu giúp.
                     Nhà Đức Chúa Trời: Là Đền thờ của Đức Chúa Trời trong thời Cựu Ước.
                     Giô-đanh: Một con sông rất nổi tiếng ở xứ Palestine, dài chừng 300 km, bắt nguồn từ chân núi Hẹt- môn chảy từ phía bắc xuống phía nam rồi đổ vào Biển Chết.  [27]
                     Hẹt-môn: Đây là một ngọn núi đẹp và cao hơn mặt nước biển độ 2.000 m. Đứng ở núi này, có thể nhìn thấy sông Giô-đanh và gò Mít-sê-a.[28]
                    Mít-sê-a: Một gò nhỏ ở phía đông sông Giô-đanh.[29]
                    Vực, thác nước, lượn sóng: Ám chỉ những hoạn nạn, cảnh nguy hiểm mà tác giả đang gặp phải.[30]
                    Ào ào: Tiếng thác nước đổ mạnh, ngụ ý nói các hoạn nạn nhiều và liên tục.
     Hòn đá: Tượng trưng cho sự an ninh che chở. Ngụ ý Đức Chúa Trời là nơi nương dựa, chốn ẩn náu.[31]  
                    Thù nghịch: Có thể là quân Ba-by-lôn, người ngoại bang.
                    Sờn ngã: Nói đến sự  nao sờn và ngã lòng.
                    Bồn chồn: nóng nảy, không yên.                                                                                                                                      
                    Trông cậy: Bày tỏ tấm lòng nương nhờ trên một đối tượng mạnh mẽ, từ ngữ này cho thấy một người liên tục tín nhiệm và tuỳ thuộc vào Đức Chúa Trời.[32] Sự trông cậy ở đây còn được diễn đạt bằng những động từ như: “khao khát,” “mơ ước,” “nhờ”... để bày tỏ sự tin cậy, chờ đợi của tác giả nơi Đức Chúa Trời.
                    Ta sẽ: Bày tỏ sự khẳng định của tác giả, cho thấy lòng quyết tâm tin cậy nơi Đức Chúa Trời.
              B. Mục Đích Từ Ngữ
              Tác giả dùng những từ ngữ trên để trình bày sứ điệp giữ vững đức tin. Trong đoạn 42 tác giả dùng các từ ngữ này với dụng ý kêu gọi chính mình và dân sự hãy tiếp tục tin cậy và trông đợi Đức Chúa Trời là Đấng giải cứu họ khỏi cảnh lưu đày khốn khổ. Vì tác giả chưa được Chúa đáp lời, nan đề chưa được giải quyết, còn kẻ thù thì hỏi rằng: “Đức Chúa Trời ngươi đâu?” Qua đoạn 42, dù tình trạng tuyệt vọng của họ dường như bị Đức Chúa Trời bỏ quên, kẻ thù chế giễu… thì tác giả kêu gọi hãy vững lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, vì chỉ có Ngài là Đấng giải cứu.  
        VIII. GIẢI NGHĨA
              A. Sứ Điệp Của Tác Giả
              Trong Thi-thiên 42: 1 – 11, tác giả truyền đạt sứ điệp kêu gọi giữ vững đức tin cho dân sự đang chịu cảnh lưu đày. Đồng thời nhấn mạnh chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng giải cứu. Qua niềm tin, sự trông đợi Đức Chúa Trời trong cảnh xa cách hiện diện Chúa và bị kẻ thù tấn công, dân sự thấy được đức tin của tác giả nơi Ngài. Đây cũng là sứ điệp dành cho chúng ta ngày nay: Hãy quyết tin cậy nơi Chúa và trung tín theo Ngài hầu được Ngài cứu rỗi trọn vẹn.[33] 
               B. Giải Nghĩa
Câu 1: Đức Chúa Trời tôi ôi! Linh hồn tôi mơ ước Chúa, Như con nai cái thèm khát khe nước: Tác giả ví sánh nỗi khao khát Chúa như sự khát nước mãnh liệt của con nai cái ở vùng quê khô cháy. Vì nai là động vật dễ bị bắt nhất, không có khả năng tự vệ, nó sẽ chạy nhanh trốn khỏi kẻ thù khi tìm thấy suối nước, uống nước và có sức mạnh để trốn thoát. Vì vậy, suối nước là nơi nó có thể sống còn. Điều này giống như tác giả trong cảnh lưu đày, bị áp bức không thể làm gì để chống đỡ, chỉ có hy vọng duy nhất vào Đức Chúa Trời để được giải cứu.
Câu 2: Linh hồn tôi khát khao Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời hằng sống: Tác giả chỉ khao khát một mình Đức Chúa Trời, không phải là một hình tượng chết mà là Đức Chúa Trời hằng sống.[34] Tôi sẽ đến ra mắt Đức Chúa Trời chừng nào? Câu hỏi này bộc lộ nỗi lòng mong ước được tương giao với Chúa.
Câu 3: Đương khi người ta hằng hỏi tôi: Đức Chúa Trời ngươi đâu? Những kẻ thù vô danh đang tấn công tác giả bằng câu hỏi chế nhạo: “Đức Chúa Trời ngươi đâu?” Mà sao ngươi bị hà hiếp, bị khốn khổ như thế này? Ngụ ý mỉa mai tác giả đã bị Chúa bỏ rơi, không cứu giúp. Thì nước mắt làm đồ ăn cho tôi ngày và đêm: Bày tỏ nỗi khổ đang hành hạ tác giả ngày đêm.
Câu 4: Xưa tôi đi cùng đoàn chúng, dẫn họ đến nhà Đức Chúa Trời có tiếng reo mừng và khen ngợi. Một đoàn đông giữ lễ, Rày tôi nhớ những điều ấy mà lòng buồn thảm: Trong cảnh khổ tác giả nhớ lại những ngày vui vẻ, phước hạnh cùng dân sự đến Đền thờ dự lễ (Vượt qua, Chuộc tội, Lều tạm), thờ phượng, ngợi khen Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, tác giả không chỉ nhớ cảnh cũ, người xưa để so sánh với nỗi khổ hiện tại mà buồn thảm, nhưng còn nhớ lại những gì đã từng làm, từng kinh nghiệm nơi Chúa để tiếp tục đứng vững trong khó khăn.[35]
Câu 5: Hỡi linh hồn ta, vì sao người sờn ngã và bồn chồn trong mình ta? Hãy trông cậy nơi Đức Chúa Trời: Ta sẽ còn ngợi khen Ngài nữa; vì nhờ mặt Ngài bèn được cứu rỗi. Nói lên sự ngã lòng vì nan đề chưa được giải quyết. Dù có sự tranh chiến giữa đức tin và ngã lòng, nhưng cuối cùng tác giả tự dặn lòng mình hãy tin cậy Đức Chúa Trời. Có thể nói, ở đây là tiếng nói của linh động viên hồn, chớ có sờn ngã nhưng hãy tiếp tục tin cậy Chúa là sự cứu rỗi. Như vậy, đức tin đã đắc thắng, và tác giả hứa nguyện sẽ ngợi khen Chúa.
Câu 6: Đức Chúa Trời tôi ôi! Linh hồn tôi bị sờn ngã trong mình tôi; Nên từ xứ Giô-đanh, từ núi Hẹt môn và từ gò Mít-sê-a, tôi nhớ đến Chúa. Đức tin tác giả bị chi phối bởi ngoại cảnh. Từ chốn lưu đày tác giả nhớ đến núi Hẹt môn, sông Giô-đanh... Vì ở Ba-by-lôn, tác giả không cảm nhận được hiện diện của Chúa, thậm chí lời cầu nguyện chưa được đáp lời, nên đã liên tưởng đến sông núi ở quê nhà để nhớ Chúa. Điều này, cho thấy tác giả vẫn đặt niềm tin nơi Chúa.
Câu 7: Vực gọi vực theo tiếng ào ào của thác nước Chúa: Các lượn sóng và nước lớn của Chúa đã ngập tôi: Cho thấy các tai họa ào ạt đến với tác giả liên tục, tưởng chừng như các hoạn nạn là những vực nước rủ rê nhau đổ xuống như thác lũ, cho thấy hoàn cảnh nguy hiểm của tác giả. Tuy nhiên, trong niềm tin tác giả nói rằng các lượn sóng này là do Chúa cho phép.[36]
Câu 8: Dầu vậy, ban ngày Đức Giê-hô-va sai khiến sự nhơn từ Ngài: Còn ban đêm bài hát Ngài ở cùng tôi, Tức là bài cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời của mạng sống tôi: Ở đây, tác giả kêu danh: “Giê-hô-va” là xưng nhận dựa trên giao ước. Tác giả nhận biết sự nhơn từ của Chúa vẫn còn và giải thích bài hát [Thi-thiên] là: bài cầu nguyện. Đây là tia hy vọng cho tác giả giữa cơn ba đào, ngày được đầy dẫy sự nhơn từ, còn đêm có bài hát Chúa ở cùng,[37] giúp tác giả tiếp tục tin cậy Ngài, dù giữa thử thách vẫn ca hát, cầu nguyện.
Câu 9: Tôi sẽ thưa cùng Đức Chúa Trời là Hòn đá tôi rằng: Tác giả bày tỏ niềm tin về Đức Chúa Trời là nơi ẩn náu, chốn nương thân. Điều này cho thấy sự trông cậy của tác giả chỉ đặt nơi Đức Chúa Trời. Cớ sao Chúa quên tôi? Nhơn sao tôi phải buồn thảm? Vì cớ kẻ thù hà hiếp tôi?: Đây là câu hỏi trong cảm xúc lúc đau khổ, dù biết rằng Chúa không quên. Câu hỏi này cho thấy tâm trạng đau buồn của tác giả vì chưa được Chúa đáp lời cầu xin, nan đề chưa được giải quyết, dù đã cầu nguyện lâu ngày.
Câu 10: Trong khi các cừu địch tôi hằng hỏi tôi rằng Đức Chúa Trời ngươi đâu? Thì chúng nó sỉ nhục tôi, khác nào làm gãy các xương cốt tôi: Một lần nữa sự ngã lòng quay lại do kẻ thù tấn công. Câu hỏi mỉa mai của kẻ thù làm tác giả đau đớn như gươm đâm gãy xương cốt, vì nhìn bên ngoài dường như tác giả bị Chúa bỏ rơi.
Câu 11: Hỡi linh hồn ta, cớ sao ngươi sờn ngã và bồn chồn trong mình ta? Hãy trông cậy nơi Đức Chúa Trời, ta sẽ còn ngợi khen Ngài nữa: Ngài là sự cứu rỗi của mặt ta và là Đức Chúa Trời ta: Tác giả tiếp tục giữ vững đức tin giữa khó khăn chưa được giải quyết và khẳng định Đức Chúa Trời là Đấng giải cứu trong tương lai. Đồng thời, cho thấy lời cầu nguyện không chỉ có sự thở than và cầu xin, nhưng còn có lời ngợi khen.
            IX. Ý NGHĨA THẦN HỌC
      A.    Các Vấn Đề Thần Học
Đức Chúa Trời: Tiếng Hê-bê-rơ là “Elohim,” đây là danh tổng quát chỉ về Đức Chúa Trời.[38] Trong Thi-thiên 42, tác giả dùng danh Elohim để nhấn mạnh bản tánh và quyền năng của Ngài. Qua danh hiệu này, tác giả cho người đọc tìm thấy một nguồn động viên để tiếp tục tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Vì Elohim “là danh hiệu của Đấng Tạo Hoá và cai trị thế gian, nó bày tỏ quyền năng và sự oai nghiêm của Đấng mà mọi sinh vật nhờ đó mà hiện hữu, có sự sống hằng ngày và nơi trú ngụ.[39] Lý do, tác giả thường dùng danh xưng Elohim, vì cớ họ đang ở trong hoàn cảnh xa cách Chúa, bị lưu đày, áp bức, nên đã kêu danh Đức Chúa Trời là Đấng giải cứu. Vì niềm tin về Đức Chúa Trời là Đấng giải cứu: “Là điều cốt yếu của tư tưởng Cựu Ước. Vì vậy, để biết về Đức Chúa Trời, đó là biết rằng Ngài là một Đức Chúa Trời giải cứu. Cho nên, từ ‘Đức Chúa Trời’ và ‘Cứu Chúa’ thật ra trong Cựu Ước có thể xem là một từ tương đương.”[40]
               Đức Chúa Trời tôi: Đây là xưng nhận diễn tả đức tin của cá nhân đối với Đức Chúa Trời.[41] Một cách gọi thân mật, cho thấy con người có thể trực tiếp đến với Đức Chúa Trời.
               Sự cầu nguyện: Đây là lời chứng về sự quan trọng trong mối tương giao của cá nhân đối với Đức Chúa Trời, cho thấy niềm tin vào quyền năng của lời cầu nguyện để giải quyết nan đề và mong ước được nhậm lời. Lời cầu nguyện ở đây có tính tự phát, trực tiếp và gần gũi với Đức Chúa Trời.
               Chờ đợi Chúa trong sự cầu nguyện: Diễn tả một đời sống cầu nguyện sâu nhiệm hơn, gồm có 3 ý nghĩa: 1/. Tuỳ thuộc vào Chúa. 2/. Sự hạ mình trước mặt Chúa. 3/. Tin cậy sự giải cứu đến từ Chúa.[42]
                           Đức tin: Dù trong Thi-thiên 42 không dùng từ đức tin, nhưng ý niệm về đức tin được thể hiện xuyên suốt cả đoạn. Đức tin được thể hiện ở đây là sự thừa nhận của lý trí, sự tán đồng của ý chí, và sự nhấn mạnh của kinh nghiệm quá khứ. Một đức tin nhận lấy Đức Chúa Trời làm đối tượng trông cậy, lấy sự cầu nguyện làm lối thoát cho nan đề.[43] Tác giả bày tỏ đức tin của dân sự thời Cựu Ước nghĩ về Đức Chúa Trời là một Đấng quyền năng, đáng tin cậy. Họ không đặt lòng tin nơi bất cứ một điều gì, mà chỉ tin nơi Đức Chúa Trời. Điều này được thể hiện qua Thi-thiên 42, bằng sự tin cậy Chúa như Hòn Đá, Đấng Cứu rỗi...[44]  
                          Sự cứu rỗi: Ở đây là sự giải cứu, giải thoát khỏi cảnh khổ, khỏi kẻ thù. Sự cứu rỗi mang ý nghĩa gần, trong đời sống hiện tại. Những câu trong đoạn 42 đề cập đến sự cứu rỗi đều cho thấy Đức Chúa Trời là tác giả của sự rỗi. Đây là niềm tin của dân sự thời Cựu Ước nơi Đức Chúa Trời.[45]
                           Sự tin cậy: Là một trong những chủ đề chính của sách Thi-thiên,[46] là đề tài chính của đoạn 42. Sự tin cậy được mô tả qua hình ảnh nai cái khát nước, linh hồn mong ước và trông đợi Đức Chúa Trời là Đấng Giải cứu trong hoạn nạn. Qua đó, tác giả khích lệ dân sự đang bị lưu đày, áp bức hãy tin cậy nơi Đức Chúa Trời.
              B. Mục Đích Và Ý Nghĩa Liên Quan
              Mục đích: Để kêu xin Đức Chúa Trời giải cứu, làm bài hát thể hiện đức tin nơi Chúa và dùng để dạy dỗ những người có cùng hoàn cảnh hãy tiếp tục tin cậy Đức Chúa Trời là Đấng Cứu rỗi. Từ đó, tác giả kêu gọi mọi người hãy giữ vững lòng tin nơi Đức Chúa Trời dù trong bất cứ cảnh khổ nào.
              Để củng cố đức tin cho chính mình và dân sự đang bị lưu đày, vì khi ấy họ bị ngã lòng trước sự tấn công của kẻ thù, và chưa được Đức Chúa Trời đáp lời. Đồng thời, đem lại nguồn trông cậy và sự hy vọng vững chắc nơi Đức Chúa Trời là Đấng giải cứu.
              Ý nghĩa: Sự cầu nguyện trong cơn hoạn nạn giúp nâng đỡ đức tin, chiến thắng sự ngã lòng và đứng vững trước thử thách. Đức Chúa Trời là Đấng quyền năng đang tể trị trên mọi sự. Vì vậy, trong hoàn cảnh khó khăn chúng ta hãy cầu nguyện trình dâng các nan đề cho Đức Chúa Trời và vững lòng tin cậy Ngài.     
               Ý nghĩa liên quan: Tác giả cho thấy trong thì giờ khó khăn, chúng ta hãy trao mọi nan đề cho Chúa, bởi vì Ngài luôn lắng nghe và an ủi những ai đến với Ngài. Lời cầu nguyện của chúng ta không chỉ chú trọng đến nổi khổ hay những nhu cầu, nhưng cũng cần thể hiện lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, và sự ngợi khen Ngài. Sự nâng đỡ của lời cầu nguyện: chúng ta thấy được tầm quan trọng của sự cầu nguyện, nhờ cầu nguyện chúng ta được nâng đỡ, gia tăng đức tin. Một trong những nguyên nhân gây khô hạn, mất phước hạnh, thiếu đức tin trong đời sống tâm linh là do tín hữu thiếu cầu nguyện. Vì vậy, cầu nguyện là bí quyết để giữ vững đức
tin và có đời sống phấn hưng trên bước đường theo Chúa.[47]
X. ÁP DỤNG
      A.    Bố Cục Bài Giảng:
                          Đề tài: Tấm lòng khao khát Chúa
                          Kinh thánh: Thi-thiên 42: 1 – 5
                          Câu gốc: Thi-thiên 42: 1
            1. Thái độ của người khao khát Chúa        42: 1 – 2 
                       a. Như con nai cái khát nước (c. 1)
                       b. Khao khát Đức Chúa Trời hằng sống (c 2)
            2. Hoàn cảnh của người khao khát Chúa    42: 3 – 4
                       a. Xa cách hiện diện Chúa (c 2b)
                       b. Bị kẻ thù tấn công (c. 3)
           3. Đức tin của người khao khát Chúa         42: 5
                       a. Tự động viên chính mình hãy trông cậy Chúa (c. 5b)
                       b. Khẳng định Chúa là Đấng Cứu rỗi  (c. 5c)
                       Đề tài: Sự trông đợi Đức Chúa Trời
                       Kinh thánh  Thi-thiên 42: 6 – 11
                       Câu gốc: Thi-thiên 42: 11
           1. Đối tượng của sự trông đợi
                       a. Đức Chúa Trời của mạng sống (c. 8b)
                       b. Đức Chúa Trời  là Hòn Đá (c. 9a)
           2. Nguyên nhân của sự trông đợi
                       a. Bị hoạn nạn dồn dập  (6 – 7)
                       a. Bị kẻ thù hà hiếp, sỉ nhục (c. 9b – 10) 
           3. Kết quả của sự trông đợi
                       a. Đứng vững trong đức tin (c. 11a)
                       b. Hứa nguyện ngợi khen Đức Chúa Trời (c. 11b)
   B. Áp Dụng
               Bài giảng này có thể giảng bồi linh cho Hội thánh, để khích lệ các tín hữu đứng vững trong đức tin. Đặc biệt, trong tình trạng Hội thánh bị bắt bớ, tấn công. Ngày nay nhiều người hỏi rằng: Đức Chúa Trời ngươi đâu? Mà sao ngươi phải chịu khổ? Tại sao trong Hội thánh lại có sự tiêu cực như thế này?... Thì hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời là Đấng tể trị trên mọi sự. Đừng bao giờ nghĩ rằng Chúa quên chúng ta. Đừng tưởng rằng khi chúng ta thờ phượng, hầu việc Chúa hay chịu khổ vì danh Chúa là vô ích! Hãy tin cậy Chúa và luôn cầu nguyện cùng Ngài. Qua Lời Chúa trong Thi-thiên 42 sẽ nâng đỡ đức tin, giúp các tín hữu vượt qua thử thách. Đối với các tín hữu tìm kiếm và trông đợi Chúa đáp lời, thì đoạn 42 là lời khích lệ và bảo đảm, còn đối với tín hữu đang chịu đau khổ thì đây là lời an ủi và dẫn dắt.
         KẾT LUẬN
                             Thi-thiên 42 chính là âm nhạc của tấm lòng khao khát Đức Chúa Trời, một áng thơ tuyệt vời xuất phát từ đức tin trong cảnh đau khổ, lưu đày. Dù Thi-thiên 42 là một lời cầu nguyện trong khổ nạn, nhưng không chỉ  xót xa, than thở về cảnh khổ mà còn bày tỏ Đức Chúa Trời quyền năng, là Đấng giải cứu dân sự Ngài. Qua đó,  tác giả cho chúng ta thấy kinh nghiệm tin cậy, trông đợi Đức Chúa Trời là Đấng cứu rỗi, để truyền đạt sứ điệp  giữ vững đức tin. Vì vậy, ngày nay trong hoàn cảnh thử thách, chúng ta đừng ngã lòng, nhưng hãy cầu nguyện  và hết lòng tin cậy Đức Chúa Trời, chính Ngài là Đấng quyền năng đang nắm giữ đời sống chúng ta. Bởi đức tin, bởi sự cầu nguyện, bởi lời ngợi khen đến Đức Chúa Trời là Đấng lắng nghe, giải cứu và chuyển xoay tình thế. Đây là điều chắc chắn, mà các con cái Chúa đã từng kinh nghiệm trải các đời. Vì vậy, muốn có đời sống phấn hưng, đắc thắng chúng ta phải luôn cầu nguyện. Thật vậy, “Hỡi linh hồn ta... Hãy trông cậy nơi Đức Chúa Trời. Ta sẽ còn ngợi khen Ngài nữa. Ngài là sự cứu rỗi của mặt ta và là Đức Chúa Trời ta.” Đây là điệp khúc đức tin của tác giả và cũng là của mỗi chúng ta ngày nay. Vì Đức Chúa Trời, Đấng quyền năng, Ngài đã, đang và sẽ còn giải cứu chúng ta.[48] Cảm ơn Ngài. Amen!





                                   
THƯ MỤC


Cadman, Wm. Thánh Kinh Tự Điển – Quyển Thượng & Hạ. Sài Gòn: Nhà In Tin Lành, 1958.
Le, Thai V. Châu Ngọc Thi Thiên – Quyển 1. Nhà Sách Tin Lành, 1970.
Le, Thien V. Nguồn Sống Bất Diệt – Quyển 2. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2007.
Le, Phuoc V. Lịch Sử Tuyển Dân. Lưu Hành Nội Bộ, 2011.
Le, Phuoc V. Nghiên Cứu Các Sách Văn Thơ. Lưu Hành Nội Bộ, 2012.
Macdonald, William. Kinh Thánh Chú Giải Cựu Ước. Thomas Nelson Publishes: Translate in to
           Vietnamse, 2004.
                     Maclaren, Alexander. Giải Nghĩa Thi Thiên – Quyển 1. Sài Gòn: NXB. Tin Lành 1970.
Mashall, I. Howard et al. Thánh Kinh Tân Tự Điển. Ấn bản thứ ba. TP. Hồ Chí Minh: NXB Phương Đông, 2009.
Marsh, F E. Nguyên Lý Cấu Tạo Kinh Thánh. Sài Gòn: Phòng Sách Tin Lành, 1966.
                     Sterrett, Norton T. Phương Pháp Nghiên Cứu Kinh Thánh. Anaheim: Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam, 1986.
Pham, Tin X. Thần Đạo Căn Bản. Nha Trang: Thánh Kinh Thần Học Viện, 1968.
Pham, Tin X. Giải Nghĩa Thi Thiên. Nha Trang: Thánh Kinh Thần Học Viện, nd.
Wenham, G. H et al. Giải Nghĩa Kinh Thánh – Tập 4. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2004.
___ Cựu Ước Lược Khảo – Tập 2. Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam, 2004.
___Dẫn Nhập Ngũ Kinh Cựu Ước. TP. Hồ Chí Minh: Viện Thánh Kinh Thần Học, 2004.



[1] Thien Le. V. Nguồn Sống Bất Diệt – Quyển 2 (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo 2007), trang 265.
[2] Wm. Cadman. Thánh Kinh Tự Điển – Quyển Thượng (Sài Gòn: Nhà In Tin Lành, 1958), trang 407 – 408.
[3] Alexander Maclaren. Giải Nghĩa Thi Thiên – Quyến 1 (Sài Gòn: NXB Tin Lành, 1972), trang 447.
[4] Phuoc Le. V. Nghiên Cứu Các Sách Văn Thơ (Lưu Hành Nội Bộ, 2012), trang 5 – 8.
[5]William Macdonald. Chú Giải Kinh Thánh Cựu Ước (Thomas Nelson Publishes: Translated in to Vietnamse,2004), trang 530.
[6] Alexander Maclaren. Giải Nghĩa Thi Thiên – Quyến 1, trang 446 – 448.
[7] Thai Le.V. Châu Ngọc Thi Thiên – Quyển Thượng (Sài Gòn: Nhà Sách Tin Lành, 1970), trang 219.
[8] Henry H.Halley. Thánh Kinh Lược Khảo (Sài Gòn: Cơ Quan Xuất Bản Tin Lành, 1971), trang 285.
[9] Phuoc Le. V. Nghiên Cứu Các Sách Văn Thơ, trang 7.
[10] ___  Cựu Ước Lược Khảo – Tập 2 (Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam, 2004), trang 3.
[11] William Macdonald. Chú Giải Kinh Thánh Cựu Ước, trang 466.
[12]T.Norton Sterrett. Phương Pháp Nghiên Cứu Kinh Thánh (Anaheim: Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam, 1986), trang 93.
[13] Phuoc Le. V. Nghiên Cứu Các Sách Văn Thơ, trang 6.
[14] Alexander Maclaren. Giải Nghĩa Thi Thiên – Quyến 1, trang 455.
[15] G. H Wenham et al. Giải Nghĩa Kinh Thánh – Tập 3 Thi Văn (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2004), trang 14.
[16] Phuoc Le. V. Nghiên Cứu Các Sách Văn Thơ, trang 7.
[17] _____Dẫn Nhập Ngũ Kinh Cựu Ước (TP. Hồ Chí Minh: Viện Thánh Kinh Thần Học, 2004), trang 16.
[18] Wm. Cadman. Thánh Kinh Tự Điển – Quyển Thượng, trang 407.
[19] F.E. Marsh. Nguyên Lý Cấu Tạo Kinh Thánh, trang  171.
[20] Phuoc Le.V. Lịch Sử Tuyển Dân. (Lưu Hành Nội Bộ, 2011), trang 10 – 11.
[21] Wm. Cadman. Thánh Kinh Tự Điển – Quyển Thượng, trang 407.
[22] Alexander Maclaren. Giải Nghĩa Thi Thiên – Quyến 1, trang 449.
[23]Đây là 1 bài mẫu về đặc điểm cú pháp của Giáo sư Lê Vĩnh Phước. Phuoc Le. V. Nghiên Cứu Các Sách Văn Thơ, trang 7.
[24] Phuoc Le. V. Nghiên Cứu Các Sách Văn Thơ, trang 6.
[25] Alexander Maclaren. Giải Nghĩa Thi Thiên – Quyến 1, trang 449 - 500.
[26] Cadman. Thánh Kinh Tự Điển – Quyển Hạ, trang 1003.
[27] Cadman. Thánh Kinh Tự Điển – Quyển Thưọng, trang 453.
[28] Cadman. Thánh Kinh Tự Điển – Quyển Thượng,  trang 531.
[29] Cadman. Thánh Kinh Tự Điển – Quyển Thượng, trang 961
[30] Alexander Maclaren. Giải Nghĩa Thi Thiên – Quyến 1, trang 454.
[31] Wm. Cadman. Thánh Kinh Tự Điển – Quyển Thượng, trang 574.
[32] F. E. Masrh. Nguyên Lý Cấu Tạo Kinh Thánh, trang 315.
[33] Tin, Pham X. Giải nghĩa Thi Thiên (Nha Trang: Thánh Kinh Thần Học Viện, nd), trang 72.
[34] Thai Le. V. Châu Ngọc Thi Thiên – Quyển Thượng, trang 207.
[35] Phuoc Le. V. Nghiên Cứu Các Sách Văn Thơ, trang 11.
[36] G. H Wenham et al. Giải Nghĩa Kinh Thánh – Tập 3 Thi Văn, trang 181.
[37] William Macdonald. Chú Giải Kinh Thánh Cựu Ước, trang 531.
[38] _____Dẫn Nhập Ngũ Kinh Cựu Ước, trang 16.
[39] F.E. Marsh. Nguyên Lý Cấu Tạo Kinh Thánh, trang 155 – 157.
[40]I.Howard. Mashall et al. Thánh Kinh Tân Từ Điển - Ấn bản thứ 3 (TP. Hồ Chí Minh: NXB Phương Đông, 2009), trang 438.
[41] F.E. Marsh. Các Nguyên Lý Cấu Tạo Kinh Thánh, trang 161, 179.
[42] F.E. Marsh. Các Nguyên Lý Cấu Tạo Kinh Thánh, trang 479 – 480.
[43] F.E. Marsh. Các Nguyên Lý Cấu Tạo Kinh Thánh, trang 542.
[44] I. Howard. Mashall et al. Thánh Kinh Tân Từ Điển, trang 584.
[45] I Howard. Mashall. et al. Thánh Kinh Tân Từ Điển, trang 438.
[46] Henry H.Halley. Thánh Kinh Lược Khảo, trang 286.
[47] Thien Le. V. Nguồn Sống Bất Diệt – Quyển 2, trang 152.
[48] II Côrinhtô 1: 10.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét