Trang Nhà

Phước cho những người trọn vẹn trong đường lối mình,
Đi theo luật pháp của Đức Giê-hô-va.
Thi Thiên 119:1.

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Hành Trình Truyền Giáo Lần Thứ 4 của Phao-lô


Hành Trình Truyền Giáo Lần Thứ 4 của Phao-lô

(Tác giả: Sinh Viên N.K D, Tp.HCM)


DẪN NHẬP

               Ý định của Đức Chúa Trời là ban sự cứu rỗi đến các dân tộc, Đại mạng lệnh của Chúa Jesus là ra đi truyền giáo khắp thế gian. Sách Công vụ thuật lại công cuộc truyền giáo của các sứ đồ, trong đó Phao lô là vị sứ đồ truyền giáo cho dân ngoại kết quả nhất. Qua các hành trình truyền giáo của ông, Tin lành được truyền từ châu Á sang châu Âu.
               Phao lô được gặp Chúa trên đường đến Đa mách, qua khải tượng này ông nhận được sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại bang. Dưới sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, vào khoảng năm 45 – 48 S.C.[1] Phao lô và Ba na ba thực hiện hành trình truyền giáo lần thứ nhất đến các vùng Tiểu Á. Trong hành trình truyền giáo lần thứ hai từ năm 50 – 53 S.C [2] và lần thứ ba vào khoảng năm 54 – 57 S.C, [3] Phao lô đã đem Tin lành đến Châu Âu, và thành lập nhiều hội thánh tại đây. Nhưng đặc biệt trong hành trình lần thứ bốn Phao lô đã truyền giáo trong hoàn cảnh bị tù đày, để làm chứng nhân tại thủ đô Rô ma hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời, cũng như mong ước lan rộng Phúc âm của ông.
               Mặc dù nhiều người không công nhận đây là hành trình truyền giáo lần thứ bốn của Phao lô. Nhưng chuyến đi Rô ma trong cảnh tù đày này, Phao lô đã rao giảng Phúc Âm và đem lại kết quả lớn lao cho Chúa. Qua các phiên tòa, qua việc bị giải tù, Phao lô vẫn tiếp tục giảng đạo và viết bốn thư tín rất quí báu. Tại đây, chúng ta có thể thấy Phao lô trung tín thực hiện hành trình truyền giáo lần thứ bốn của mình, thậm chí qua các phương tiện nhà tù. Hành trình của Phao lô chỉ kết thúc khi ông chịu chết cho Chúa như chính lời ông nói (II Tim 4: 7).
              Trong bài này, người viết sẽ đề cập đến chuyến vượt biển nguy hiểm đến Rô ma và thời gian bị giam giữ tại ngục thất của Phao lô. Tại đây, chúng ta có thể thấy dù phải chịu khổ và thiếu tự do khi bị giam giữ, nhưng Phao lô vẫn tiếp tục rao giảng Phúc âm và viết các thư tín.
I.  HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO LẦN THỨ BỐN CỦA PHAO LÔ
                A. Chuyến hải hành ngục tù đến Rô ma  (năm 60 S.C)
               Có thể thấy dù Phao lô là một tù nhân của Đế quốc Rô ma, tuy  nhiên trong các thư tín Phao lô tự nhận mình là tù nhân của Đấng Christ (Philêmôn 1: 1). Qua các phiên tòa, Phao lô cũng tận dụng cơ hội để rao giảng cho Chúa và biện minh để cứu mạng sống ông khỏi những kẻ bắt bớ để có thể thực hiện cuộc đua của chức vụ mình. Tại Sê sa rê,      
theo ý vua  Ạc ríp ba có thể tha bổng cho Phao lô khi chưa kêu nài lên Sê sa.[4] Nếu như
vậy có thể Phao lô đã bị người Do thái giết chết do cách đối xử bất chính của Tổng đốc Phết tu trong Công vụ 25: 9, [5] và mạng sống ông không được gìn giữ để hoàn thành
cuộc đua. Lời kêu nài của Phao lô đến Sê sa để hoàn thành ước muốn được đến Rô ma
mở mang chứng cớ Chúa và “Phao lô ý thức rằng các biến cố đưa đẩy ông đến Rô ma là
do thánh ý của Chúa.” [6]
               Cuộc hành trình truyền giáo lần thứ bốn của Phao lô được bắt đầu từ đây.[7] Vào khoảng mùa thu năm 60 S.C.[8] Phao lô được đi bằng đường thuỷ để đến Rô ma và gặp cơn bão lớn. Trong chuyến vượt biển giữa cơn bão này, Phao lô thực sự là một chứng nhân cho Chúa. Trong sách Công vụ  27: 23 – 24  Phao lô nói: “Vì đêm nay Đức Chúa Trời mà tôi thuộc về và phụng sự đã cho thiên sứ Ngài đứng bên tôi mà phán rằng: ‘Phao lô ơi đừng sợ, ngươi cần phải đứng trước mặt Sê sa và nầy Đức Chúa Trời ban cho ngươi hết thảy những kẻ đồng thuyền với ngươi nữa… ” Trong câu 23,  Phao lô cho thấy rằng trước hết ông thuộc về Đức Chúa Trời, kế đến ông phụng sự Ngài. Và trong câu 24 thiên sứ bảo đảm với Phao lô rằng ông sẽ đứng trước mặt Sê sa. Điều này để làm thành lời hứa của Chúa trong Công vụ 23: 11 và niềm khao khát của vị sứ đồ trong Công vụ 19: 21. Theo chương 27: 24  Đức Chúa Trời đã ban cho Phao lô tất cả những người cùng đi thuyền với ông. Điều này cho thấy họ đều ở dưới ông, nếu Phao lô không hiện diện cùng họ, hết thảy họ sẽ mất mạng. Rồi kế đến: “Phao lô bèn lấy bánh, cảm tạ Đức Chúa Trời trước mặt mọi người, đoạn bẻ ra và ăn trước.[9] Ở đây, Phao lô như vị chủ thuyền, trận bão vẫn dữ dội, con thuyền lắc lư, ai nấy đều sợ hãi. Tuy nhiên, Phao lô bảo họ hãy phấn khởi, bình an và ăn một ít thức ăn để có sức lực cần thiết. Có 267 người trong thuyền và chúng ta có thể thấy họ như là thần dân trong vương quốc mà Phao lô cai trị.[10] Sau đó, dù thuyền bị chìm, nhưng nhờ có sự bảo vệ của Chúa trên Phao lô, nên mọi người đều được vào bờ an toàn đến một hòn đảo gọi là Man tơ. Phao lô được cư dân trên đảo đón tiếp cách tử tế. Và tại đây Phao lô đã dùng ân tứ chữa bệnh để chữa lành cho nhiều dân cư bị bệnh trên đảo.[11]
                 Trên biển trong bão tố, Chúa lập vị sứ đồ không chỉ làm chủ nhân cai trị những người đồng thuyền, mà còn là người đảm bảo mạng sống và yên ủi họ. Sau đó, trên đảo Man tơ trong sự bình an, Phao lô không chỉ là sự thu hút thần kỳ trong mắt những kẻ mê tín, mà còn là người chữa lành và đem niềm vui cho dân bản xứ. Nên dân chúng trên đảo rất tôn trọng và quí mến Phao lô, họ dành cho ông và các bạn đồng hành sự kính trọng tốt đẹp. Trong suốt chuyến hải hành dài và trắc trở này, Chúa đã giữ gìn vị sứ đồ trong sự bình an, đồng thời ban năng quyền giúp ông sống vượt trên sự lo lắng, sợ hãi. Phao lô là vị sứ đồ đầy phẩm giá với tiêu chuẩn cao nhất của các mỹ đức con người và biểu lộ các thuộc tính thần thượng, giống như đời sống mà chính Ngài từng sống.[12] Là một tù nhân nhưng trải suốt chuyến hành trình nhọc nhằn đầy gian khó, Phao lô đã sống một đời sống đầy uy quyền, khôn ngoan, và cư xử như một vị vua. Do đó “cơn bão dữ dội cũng không thể ngăn trở mục đích của Đức Chúa Trời, Ngài vẫn tể trị cuộc hành trình đến Rô ma của tôi tớ Ngài.”[13]
              B. Tại ngục thất Rô ma
     
              Ước muốn được đến Rô ma của Phao lô đã trở thành hiện thực, những người thuộc Do thái giáo tìm cách ngăn cản ông đến thế giới ngoại bang nhưng Chúa tể trị đem Phao Lô đến Rô ma. Vào thời xưa thực hiện cuộc hành trình từ Giê ru sa lem đến Rô ma là một việc lớn, nhưng Chúa đem Phao lô đi sâu vào thế giới dân ngoại, thậm chí vào thủ đô đế quốc Rô ma. Nhìn bên ngoài Phao lô là môt tù nhân bị xiềng xích, đang bước vào vùng đất tối tăm của đế quốc bị Satan chiếm đoạt. Nhưng thật ra với tư cách là đại sứ của  Đấng Christ và uy quyền của Ngài, Phao lô đầy vinh hiển và niềm vui khi đến vùng đất mới để rao giảng Phúc Âm và xây dựng Hội thánh. Đang bị tôn giáo bắt bớ trong đế quốc Satan, mặc dầu được Chúa khích lệ trực tiếp (23: 11) và rất can đảm suốt cuộc hải  hành, nhưng Phao lô vẫn vui mừng khi được các anh em nồng nhiệt đón tiếp. Phao lô được thêm lòng can đảm và không cô đơn vì được gặp các tín hữu tại Rô ma.[14]
               Phao lô làm việc hai năm tại Rô ma rao giảng cách dạn dĩ về Chúa Jesus và vương quốc Đức Chúa Trời mà không bị  ngăn trở gì cả. Phao lô được thuê nhà riêng có lính canh gác, tự do tiếp đãi bạn hữu, điều khiển công tác truyền giáo, rao giảng Phúc  Âm.[15] Chúa đã tạo điều kiện cho Phao lô thi hành chức vụ tại đây. Cũng trong thời gian này, Phao lô viết các thư tín: Cô lô se, Ê phê sô, Phi líp và Phi lê môn. Trong thư Phi líp và Phi lê môn,  Phao lô mong ước được tự do. Có lẽ hai năm sau ông được tha khỏi tù và đi thăm Ê phê sô và Ma xê đoan (ITim 1: 3). Tại đó ông viết thư thứ nhất cho Ti mô thê. Có thể sau đó ông đã đến Tây ban nha, và Cơ rết (Tít 1:5) Ni cô bô li (Tít 3:12). Tại đó, ông viết thư cho Tít, rồi đến Trô ách và Mi lê (II Tim 4:13, 20).[16]
II. KẾT QUẢ HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO LẦN BỐN
              A. Làm lan rộng Phúc Âm
  Các chương 27 và 28  của sách Công vụ  bày tỏ cho chúng ta thấy Phao lô là một chứng nhân xuất sắc cho Chúa, hoàn toàn sống cho Chúa. Ông bị cầm tù, xiềng xích, bị những lính gác vây quanh, biển động mạnh và thuyền di chuyển khó khăn. Dầu chính Phao lô là một tù nhân ở trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, “Nhưng vị sứ đồ đã chỉ huy con tàu theo đúng nghĩa đen và ra những quyết định và mạng lịnh mang ý nghĩa sống còn cho cả đoàn tàu.[17] Tại đảo Man tơ  Phao lô đã làm phép lạ và chữa bệnh, một số học giả Kinh thánh cho rằng có thể Luca cũng giúp đỡ Phao lô chữa bệnh cho cư dân trên đảo và họ đã trở thành đoàn truyền giáo y khoa đầu tiên.[18] 
 Qua chuyến đi, Phúc âm qua Phao lô đã đến Cơ rết, Man tơ, Syracusơ, Rêghium, Buxôlơ,  Áp-bi-u, Ba quán và Rôma. Tại ngục thất Rô ma “Phao lô rao giảng nước Đức Chúa Trời và dạy những điều về Chúa Jesus Christ cách dạn dĩ mọi bề, chẳng ai ngăn cấm chi cả.[19] Câu cuối cùng của sách Công vụ cho chúng ta thấy rằng cuộc chinh phục bằng thông điệp Phúc âm đã chiến thắng. “Chẳng ai ngăn cấm chi cả ” trong tiếng Hi lạp là một chữ duy nhất có nghĩa: tiếng reo hò đắc thắng… Ngay từ đầu Lu ca đã cho chúng ta biết sơ đồ sách Công vụ khi ông viết rằng Chúa Jesus đã truyền lịnh cho các môn đồ Ngài hãy giảng đạo tại Giê ru sa lem, xứ Giu đê, Samari, cho đến cùng trái đất (Công vụ 1: 8). Hơn ba mươi năm trước, Phúc âm được giảng tại Giê ru sa lem, bây giờ đã đến tại Rô ma. Đó là phép lạ của Đức Chúa Trời! Hội thánh ở đầu sách Công vụ  vốn chỉ có thể đếm bằng số chục bây giờ không thể đếm bằng số ngàn, số vạn. Câu chuyện về con người ở Na xa rét bị đóng đinh trên thập tự giá, đã được loan truyền khắp thế gian với tiến trình chinh phục lòng người cho đến tận bây giờ, đã được rao giảng ở Rô ma, thủ đô của đế quốc La mã,  không hề bị ai cấm cản, ngăn trở gì cả. Phúc Âm đã đến tận trung tâm thế giới thời bấy giờ, được truyền bá tự do.[20] Qua hành trình chức vụ của Phao lô Phúc âm đã đi từ dân Do thái đến dân ngoại bang và  từ Giê ru sa lem đến Rô ma.[21] Tại  đây, Phúc âm được lan rộng và vương quốc Đức Chúa Trời phát triển tại Rô ma, và công tác truyền giáo của Phao lô đã thành công cách lạ lùng.
             B. Viết các thư tín trong tù
             Trước khi kêu nài lên Sê sa, Phao lô mới chỉ viết 6 thư tín là I & II Tê sa lô ni ca
Ga la ti, Rô ma, I & II Cô rinh tô. Trong thời gian bị tù Phao lô viết các thư Cô lô se, Ê phê sô, Phi líp và Phi lê môn. Sau khi ra khỏi tù, ông viết thư I Ti mô thê ,Tít và có lẽ viết thư Hê bê rơ. Trong khi bị tù lần hai, ông viết tiếp II Ti mô thê. Nếu không có 8 thư tín  này, sự khải thị thần thượng sẽ thiếu sót và Hội Thánh sẽ chịu thiệt hại biết bao! Lời kêu nài của Phao lô đã đem lại lợi ích lớn cho mối quan tâm của Chúa.[22]  Nếu không kêu nài như vậy Phao lô đã bị giết chết do âm mưu của những người Do thái (Công vụ 25:1-3, 9). Và ông không thể đến Rô ma để mở mang chứng cớ Chúa cũng như không thể viết tiếp các thư tín cuối. Trong sự tể trị của Đức Chúa Trời, Ngài đã phân rẽ Phao lô khỏi mọi hoàn cảnh, và những cạm bẫy nguy hiểm, đưa ông đến một nhà giam an toàn, điều này tạo cho ông một môi trường yên tĩnh và thời gian ở riêng với Chúa  suy nghĩ để chuẩn bị tại Sê sa rê và viết thư tại Rô ma.
  Trải qua nhiều hoạn nạn, bắt bớ, đau khổ, thử thách, và khi nhìn tình hình Hội Thánh, tôn giáo Do thái, chính trị La mã, với những điều đã nhận nơi Chúa, Phao lô  àng có gánh nặng để viết ra những khải thị mà ông đã thấy. Nếu không được kinh nghiệm những sự kiện này, hẳn Phao lô không thể viết các thư tín một cách thấu đáo như vậy. Mặc dù bất tiện do bị giam cầm, Phao lô đã học bài học sâu sắc và đã viết nhiều lá thư quí giá ở trong tù. Đây là những sách huyền nhiệm, sâu xa và phong phú nhất của sự khải thị thần thượng. Lợi ích mà Hội thánh Chúa trải suốt các đời đã nhận được từ các thư tín trong tù này, cần đến cõi đời đời để đánh giá.[23]   
  KẾT LUẬN
               Phao lô là nhà truyền giáo anh hùng, nhà sáng lập Hội thánh từ Á sang Âu và là  người cung ứng lời Chúa đến cuối cuộc đời. Trong hành trình truyền giáo lần thứ bốn, dù bị sự bắt bớ, ghen ghét của Do thái giáo tối tăm, giả hình nhưng Phao lô đầy can đảm, trung tín và sáng suốt. Cuối cùng nhờ sự tể trị và chăm sóc của Chúa, nên Phao lô đã thực hiện hành trình truyền giáo đến Rô ma  kết quả tốt đẹp, hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời và Đại mạng lệnh như lời Chúa Jesus đã phán (Công vụ 1:8). Suốt hành trình đầy trắc trở, Phao lô đã sống tôn đại Chúa, làm vinh hiển danh Ngài, ông là chứng nhân sống động, rao giảng Phúc Âm kết quả bất chấp mọi hoàn cảnh như lời bày tỏ trong thư Phi líp 1:19 - 21a. 
              Dù bị giam cầm nhưng trong hành trình truyền giáo này, Phao lô là chứng nhân kỳ diệu cho Phúc Âm từ Giê ru sa lem đến Rô ma, ông truyền giảng từ người Do thái cho đến các nhà lãnh đạo Rô ma, kể cả Sê sa Nê rô. Tại tòa án hay trên thuyền đi giữa bão tố, từ đảo Man tơ… đến giữa thủ đô Rô ma, Phao lô đều thực sự sống cho Chúa, bày tỏ Chúa, làm vinh hiển danh Ngài cách quyền năng và can đảm, ứng nghiệm lời Chúa đã phán[24] (Mathiơ 10: 18-19). Phao lô còn là người cung ứng lời Chúa và lẽ thật cho Hội thánh qua sự rao giảng của ông tại Rô ma và qua các thư tín được viết trong tù. Suốt hai năm ở tại Rôma, ông “Rao giảng Nước Đức Chúa Trời và dạy dỗ những điều về Chúa Jesus cách dạn dĩ mọi bề, chẳng ai ngăn cấm chi cả…”[25] Như chính lời Phao lô đã nói, dù ông bị trói nhưng Đạo Đức Chúa Trời không hề bị trói,[26] nhưng đã được rao giảng, lan rộng khắp nơi để hết thảy dân ngoại bang đều được nghe.
               Qua hành trình truyền giáo lần thứ bốn của Phao lô, người viết thật sự xúc động trước tấm gương rao giảng Tin Lành và đời sống tận hiến vì Chúa của vị sứ đồ. Phao lô  thật sự là một chứng nhân trung tín cho đến chết, đã để lại gương mẫu truyền giáo tốt đẹp cho các tín hữu trải mọi thời đại. Dù hành trình truyền giáo của sứ đồ Phaolô đã kết thúc, nhưng công cuộc rao giảng Phúc Âm vẫn luôn tiến tới và cứ lan rộng cho đến ngày Chúa Jesus tái lâm như lời xác quyết của Lu ca. Đây là mong ước của người viết cũng như toàn thể con cái Chúa. Amen!   
















                                                  THƯ MỤC

            

     Barclay, William. Giải nghĩa Công Vụ Các Sứ Đồ. Anaheim: Vietnamese Ministry,     Ins, 1999.

     Halley, Henry. H. Thánh Kinh Lược Khảo.Tái bản lần hai. Sài Gòn: Cơ Quan Xuất
                  Bản Tin Lành, 1971.

     Lee, Witness. Nghiên Cứu Sự Sống Sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Anaheim:LivingStream
                  Ministry, 2009.
                                                                                                                    
     Macdonald, William.  Chú giải Kinh thánh Tân Ước. Thomas Nelson Publishes: Translated in to Vietnamese, 2004

Marshall, I. Horward. et al.  Thánh Kinh Tân Từ Điển.Ấn bản thứ ba. Sài Gòn: NXB Phương  Đông , 2009.         
                                   
     Wiersbe, Warren. W.  Công Vụ Các Sứ Đồ.  Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2005.

     ________Tìm hiểu Tân ƯớcAnaheim: Viện Thần Học Tin Lành Việt nam,  2006.
                                     
                              

























[1] Henry H. Halley. Thánh Kinh Lược Khảo (Sài gòn: Cơ quan xuất bản Tin Lành, tái bản lần 2, 1971), 690.
[2] Henry H. Halley. Sđd, 693.
[3] Henry H. Halley. Sđd, 695.
[4] Warren W. Wiersbe. Giải Nghĩa Công Vụ (Hà Nội: Nhà Xuất bản Tôn Giáo, 2005), 158.
[5] Horward I. Marshall et al. Thánh Kinh Tân Từ Điển  (Sài Gòn: NXB Phương Đông, 2009), 1431.
[6] ________Tìm Hiểu Tân Ước (Anaheim: Union University of California, 2006), 212.
[7] Witness Lee. Nghiên Cứu Công Vụ Các Sứ Đồ (Anaheim: Living Stream Ministry, 2009), 732.
[8] Henry H. Halley. Sđd, 701.
[9] Công vụ các sứ đồ  27: 35.
[10] Witness Lee. Nghiên Cứu Công Vụ Các Sứ Đồ, 156 - 157.
[11] William Barclay, Giải Nghĩa Công Vụ Các Sứ Đồ (Anaheim: Vietnamese Minitry Ins, 1992), 201.
[12] Witness Lee, Sđd, 158.
[13] Warren W. Wiersbe,  Giải Nghĩa CôngVụ,  196.
[14] William Barclay, Giải Nghĩa Công Vụ Các Sứ Đồ , 203.
[15] Công vụ các sứ đồ  28: 30 – 31.
[16] Mardonanld William, Chú Giải Kinh Thánh Tân Ước (Thomas Nelson Publishes: Translated  in to Vietnamese, 2004), 736.
[17] Mardonanld William, Sđd, 732.
[18] William Barclay, Sđd,  201.
[19] Công vụ các sứ đồ  28: 31.
[20] William Barclay, Sđd,  205 – 206.
[21] Warren W. Wiersbe, Sđd,  202.
[22] Witness Lee, Sđd,  690.
[23] Witness Lee, Sđd,  66.
[24] William Barclay, Sđd , 186.
[25] Công vụ các sứ đồ 28: 31.
[26] II Timôthê 2: 9.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét