NGÀY SABÁT TRONG BỐI CẢNH
NGŨ KINH VÀ TÂN ƯỚC
I. DẪN NHẬP
Từ trước vô cùng, Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời của thời
gian cũng như Chúa của sự vĩnh hằng. Quả thật, ngay từ buổi sáng thế, chính
Ngài là Đấng đã tạo nên thời gian và thiết lập sự vận hành của các hành tinh
cùng quỹ đạo chung quanh mặt trời. Và cũng chính Ngài là Đấng đã đánh dấu tuần
lễ bảy ngày, và biệt riêng một ngày ra “thánh”
cho chính Ngài. Chúng ta có thể nhìn
thấy qua câu đầu của chương một đến câu ba của chương hai trong sách Sáng thế
ký của Thánh Kinh rằng chính Đức Chúa Trời là Đấng đã làm những việc kỳ diệu
suốt sáu ngày sáng tạo, nhưng đỉnh điểm của tuần lễ sáng tạo là “sự nghỉ ngơi”
của Đức Chúa Trời sau công việc của Ngài. Như chúng ta thấy, Đức Chúa Trời đã
thánh hoá công việc cũng như sự nghỉ ngơi, nhưng chính sự nghỉ ngơi dường như
là nhu cầu lớn nhất trong lòng người ngày nay. Augustine đã đúng khi ông viết:
“Ngài đã tạo nên chúng tôi cho chính
Ngài, và lòng chúng tôi không an ổn cho đến khi chúng tôi yên nghỉ trong Ngài”.[1] Tuy nhiên,
với sự hiểu sai dẫn đến những luật cứng nhắc về ngày sabát của những người
Pharisi đã làm cho ngày Sabát trở nên khắc nghiệt, và đi sai lời Chúa dạy về
ngày Sabát trong bối cảnh của các sách Ngũ Kinh. Và trong bối cảnh của Tân Ước,
thì Cứu Chúa Giêxu đã đến để làm trọn luật pháp và mọi điều công bình. Ngài đã giúp cho dân sự hiểu được ý nghĩa đích
thực của ngày Sabát. Đó chính là sự yên nghỉ thật trong Ngài!
II. Ngày Sabát trong bối cảnh của Ngũ Kinh và
Tân Ước
1.
Ngày Sabát trong bối cảnh của Ngũ Kinh
a.
Ý nghĩa của ngày Sabát trong bối cảnh của Ngũ Kinh:
Trong bối cảnh của Ngũ Kinh, ngày Sabát đã được Đức Chúa Trời tạo dựng
sau khi Ngài đã tạo nên muôn vật trong sáu ngày, như có chép trong sách Sáng
Thế ký rằng “Ấy vậy, trời đất và muôn vật đã dựng nên xong
rồi. Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời làm
xong các công việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công việc Ngài
đã làm. Rồi, Ngài ban phước cho ngày thứ
bảy, đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên
và đã làm xong rồi”.[2]
Qua
ba câu Kinh Thánh nói về sự tạo dựng ngày Sabát này, chúng ta thấy rằng:
Nhóm từ “ngày thứ 7” được đề cập ba lần trong
các câu 2-3. “Sa-bát” đến từ một từ Hêbơrơ “Shabbat” nghĩa là ngưng làm việc,
nghỉ ngơi” và có liên hệ với từ Hêbơrơ chỉ số “bảy”. Chúng ta cần phải xem xét
ba ngày sabát khác nhau trong Kinh Thánh. Có ba đặc trưng về ngày thứ bảy này
của tuần lễ sáng tạo. Thứ nhất, không có sự đề cập “buổi chiều và buổi mai”, từ
đó sự nghỉ ngơi ngày Sabát của Đức Chúa Trời sẽ không có kết thúc. Tiếc thay,
tội lỗi loài người đã làm gián đoạn sự nghỉ ngơi của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa
Trời phải tìm kiếm Ađam và Êva và đối phó với họ (3:89; Giăng 5:9,17). Thứ hai,
không có ghi chép nào cho thấy Ngài ban phước bất kỳ ngày nào trong sáu ngày
kia, nhưng Ngài thật đã ban phước cho ngày thứ bảy (2:3). Khi ban phước cho
ngày đó, Ngài biến nó thành một phước hạnh. Thứ ba, khi ban phước cho ngày thứ
bảy, Đức Chúa Trời thánh hoá ngày ấy (c3), nghĩa là Ngài biệt riêng ngày ấy vì
những mục đích đặc biệt của Ngài.[3]
Và tại đây, ý nghĩa của ngày sabát được
bày tỏ qua những cụm từ như “Làm
xong...nghỉ”, nhưng không có nghĩa là
Đức Chúa Trời nghỉ vào ngày thứ bảy vì Ngài mệt mỏi, mà có nghĩa là công
việc sáng tạo của Chúa đã hoàn thành một cách trọn vẹn, tuyệt đối hoàn hảo, “thật rất tốt lành,”[4], và Đấng
Tạo Hoá nghỉ để kỷ niệm. Đúng vậy, ngày
sabát đầu tiên này đã xảy ra không phải vì Đức Chúa Trời mệt mỏi bởi công việc
sáng tạo của Ngài, vì Đức Chúa Trời không hề mệt mỏi như tiên tri
Êsai đã chép“Ngươi không biết
sao, không nghe sao? Đức Chúa Trời hằng sống, là Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng
nên các đầu cùng đất, chẳng mỏi chẳng mệt; sự khôn ngoan Ngài không thể dò.”[5] Vậy nên, Đức Chúa Trời biệt riêng
ngày thứ bảy vì công việc sáng tạo của Ngài đã hoàn tất và Ngài hài lòng với
công việc đã làm. “Đức Chúa Trời thấy các
công việc Ngài làm thật rất tốt lành” (Sáng thế ký 1:31).[6] Kế đến, Ngài đã ban phước cho ngày thứ bảy,
và đặt là ngày thánh, vì trong ngày này Chúa đã “nghỉ” các công việc của Ngài.[7] Hơn
nữa, thời xưa, Cổ dân Sumer và dân Sem
xưa coi những biến cố dưới đất là phản chiếu những gì xảy ra trên trời. Ở đây
tác giả cũng dựa theo đó mà nói rằng, sau sáu ngày làm việc, Thiên Chúa đã nghỉ
ngày thứ bảy, như một người Do Thái. Thiên Chúa ban phước cho ngày này và
“thánh hoá” nó, nghĩa là tách biệt nó ra khỏi các ngày khác, dành riêng ngày đó
cho mình (Xuất 31:17).[8]
Để hiểu thêm ý nghĩa của từ
sabát ở đây, một sách khác của Ngũ Kinh, là Xuất Êdíptô ký cũng có viện dẫn
phân nữa phần đầu câu 3, nhưng thay thế “Sa bát” bằng “thứ bảy” rõ ràng như
nhau (Xuất Êdíptô ký 20:11).[9] Thêm vào
đó, khi nói về ngày sabát, Xuất Êdíptô ký 20:10 có chép rằng: “Trong ngày đó, chớ làm công việc chi hết”[10],
nghĩa là Đức Chúa Trời nêu rõ tầm
quan trọng của ngày Sabát bằng cách Ngài ban phước và biệt riêng ngày đó ra
thánh, và Kinh Thánh mô tả Đức Chúa Trời nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy, nhưng rõ
ràng tác giả ngụ ý nói rằng con người là “những người được dựng nên theo ảnh
tượng của Đức Chúa Trời thì phải giống như Đấng Tạo Hoá của mình.” Thật vậy, văn
mạch ngụ ý nói rằng một ngày nghỉ ngơi trong tuần cũng cần yếu cho sự nghỉ ngơi
của con người. Mặt khác, chúng ta cũng có thể thấy cụ thể hơn về lý do mà trong
ngày đó, “người Ysơraên chớ làm công việc chi” trong Xuất Êdíptô ký 31:12-18,
đó là ngày sabát là mối liên hệ trong giao ước được lập lại tại núi Sinai, cũng
tương tự dấu cắt bì trước đây (Sáng 17:9-14). Người nào không vâng giữ ngày
Sabát tức là không quý trọng mối liên hệ đặc biệt giữa Đức Chúa Trời và dân
Ysơraên.[11]
Như vậy, sau khi đã hoàn tất công trình sáng tạo, Đức Chúa Trời “qua
ngày thứ bảy Ngài nghỉ” (câu 11), và dân Ysơraên phải tuân theo mẫu mực đó
trong khi phục vụ Ngài qua muôn vật, dân Ysơraên phải ngừng mọi công việc hầu
cho các tôi tớ của họ cũng có thể dự sự nghỉ ngày sabát, y như Giêhôva Đức Chúa
Trời đã giải cứu dân của Ngài khỏi gánh nặng nô lệ tại Aicập (Phục 5:14-15).
Ngày Sabát trở thành “dấu hiệu” của giao ước giữa Đức Chúa Trời và Ysơraên tại
núi Sinai (Xuất 31:12-17; Sáng 9:12).[12] Và
trong Xuất Êdíptô ký 31:13 thì những chỉ thị xây dựng Đền Tạm và làm những bộ
áo thầy tế lễ được kết thúc bằng cách gây ấn tượng mạnh trên dân Ysơraên về tầm
quan trọng và cần thiết giữ ngày Sabát ngay khi làm công tác đặc biệt này.[13]
Tóm lại, Sáng thế ký nói đến
sự tạo dựng và ban phước và biệt riêng ngày Sabát ra thánh, còn xuyên suốt phần
còn lại của Ngũ Kinh thể chế ngày sabát được thiết lập. Một điều lý thú được
lưu ý ở đây là có sự liên hệ về ngày sabát trong bốn sách còn lại của Ngũ Kinh.
Sáng Thế ký nêu ra sự an nghỉ thánh, các sách còn lại nhấn mạnh về sự pháp chế
của ngày sabát. Và ngày sabát là sự đầy đủ và thiết yếu đối với luật pháp căn
bản của Cựu Ước và Ngũ Kinh (Xuất 31: 13-16; 34:21; 35:2, Lê 19:3, 30; 23:3; 28)[14]
b.
Mục đích của ngày Sabát trong bối
cảnh của Ngũ Kinh:
Như có đề cập ở trên thì công
cuộc sáng tạo trải qua trong sáu ngày, đến ngày thứ bảy thì Đức Chúa Trời nghỉ
(nghĩa đen “thôi, ngưng”) khỏi công việc của Ngài. Như vậy, có sự khác biệt giữa sáu ngày làm
việc với một ngày nghỉ ngơi. Đây là sự thật cho dù sáu ngày lao động được xem
như một khoảng thời gian dài 24 giờ. Sự diễn đạt này được nhân cách hoá, vì Đức
Chúa Trời không phải là con người mỏi mệt cần được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đây là
khuôn mẫu được đặt ra cho loài người tuân giữ. Xuất 20:11 nói rõ Đức Chúa Trời
nghỉ vào ngày thứ bảy, và Xuất 31:17 nói rằng Ngài nghỉ công việc của mình và
lấy lại sức. Sự diễn đạt này nhấn mạnh rằng con người có thể học biết sự cần
thiết của ngày Sabát như là một ngày mà bản thân họ cần được nghỉ khỏi công
việc của mình.[15]
Đây chính là mục đích tốt lành đầy tình yêu thương của Đức Chúa Trời ban cho
con người. Và mục đích của ngày Sabát lần đầu tiên đã được nhắc đến ở trong Xuất
Êdípô16:23-30 bày tỏ rõ ràng mối liên hệ giữa ngày sabát với việc ban bánh mana.
Ngày Sabát ở đây được trình bày như một tặng phẩm của Đức Chúa Trời dành cho sự
nghỉ ngơi và lợi ích của dân sự. Họ không cần phải làm việc trong ngày sabát (thu
lượm bánh mana), vì khẩu phần gấp đôi đã được cung cấp vào ngày thứ sáu. Vì
vậy, dân Ysơraên biết rõ về ngày sabát, và mạng lệnh nhớ ngày sabát là điều mà
họ hiểu rõ, trước hết, nó phải là ngày của Ngài, và lý do căn bản để tuân giữ
ngày sabát là vì nó vốn thuộc về Ngài. Đó là ngày được Ngài ban phước và biệt
riêng ra để tuân giữ.[16] Trong
Mười điều răn (Xuất 20:8-11), dân Ysơraên được nhắc nhở “phải nhớ ngày Sabát”
cho thấy đây không phải khởi đầu của việc tuân giữ ngày Sabát. Bằng cách nghỉ ngơi hoặc tạm ngưng làm việc,
người Ysơraên được nhắc nhở rằng Đức Chúa Trời đã nghỉ công việc sáng tạo của
Ngài vào ngày thứ bảy. Bên cạnh đó, mục đích của việc giữ ngày Sabát nhắc nhở
Đức Chúa Trời đã chọn dân Ysơraên ra khỏi nhà nô lệ Êdíptô và biệt họ ra thánh
để làm dân thánh của Ngài (Xuất 31:13, Phục truyền 5:12-15).[17] Và dân
Ysơraên cũng được lệnh để giữ ngày sabát, để cho “tôi trai và tớ gái ngươi cùng
được nghỉ như ngươi’. Tại đây, mục đích của ngày sabát bày tỏ lòng nhân đạo
được nhấn mạnh, nhưng cũng nhấn mạnh trên một thực tế là ngày sabát được thiết
lập với mục đích vì con người. Dân Ysơraên từng làm nô lệ tại Aicập và được
giải phóng, vì vậy, dân Ysơraên phải bày tỏ lòng nhân từ của ngày sabát đối với
những người nô lệ đang sống giữa vòng họ,[18] như
lòng yêu thương nhân từ vĩ đại của Đức Chúa Trời đã ban cho họ vậy.
Tóm lại, mục đích mà Đức Chúa
Trời tạo dựng nên ngày Sabát và muốn dân Ysơraên tuân giữ ngày Sabát trong bối
cảnh của các sách Ngũ Kinh là vì chính con người, để mang ơn phước tốt lành đến
cho con người, để bày tỏ lòng yêu thương cùng ân điển tốt lành trọn vẹn của
Thiên Chúa dành cho họ. Tuy nhiên, với sự cứng nhắc và thiếu sự thông biết sự
dạy dỗ của lời Chúa của các thầy dạy luật, thì vào thời giữa Cựu Ước và Tân
Ước, đã len lõi nhiều luật truyền khẩu thêm vào khiến cho con người không hiểu
thấu được mục đích tốt lành Chúa dành cho họ trong ngày Sabát, là ngày mà Chúa
đã tạo dựng, ban phước và biệt riêng ra thánh để họ được yên nghỉ thật trong sự
thờ phượng Ngài.
2.
Ngày Sabát trong bối cảnh của Tân Ước
a. Ý nghĩa của ngày Sabát trong bối cảnh của Tân Ước:
Vào thời kỳ giữa Cựu Ước và
Tân Ước, có một sự thay đổi đáng lưu ý dần len lỏi vào sự hiểu biết mục đích
của sabát. Trong các nhà hội, luật pháp được học trong ngày sabát. Và dần dần
lời truyền khẩu phát sinh giữa vòng người Giuđa làm cho sự lưu ý chỉ đặt trên
các việc tuân giữ những chi tiết vụn vặt mà thôi. Chúa của chúng ta đã kịch
liệt chống đối lại việc đè nặng lên điều răn của Đức Chúa Trời bằng lời truyền
khẩu của loài người. Lời phê bình của Ngài không trực tiếp chống lại thể chế
ngày sabát và chống lại lời dạy dỗ của Cựu Ước. Nhưng Ngài chống đối người
pharisi, người đã dùng lời truyền khẩu của mình làm cho Lời Đức Chúa Trời trở
nên vô hiệu lực. Và, chính Chúa Cứu Thế
tự nhận Ngài là Chúa của ngày sabát (Mác 2:28). Nói như thế, Ngài không có ý
coi thường tầm quan trọng và ý nghĩa của ngày sabát, cũng không mâu thuẩn với
luật pháp Cựu Ước. Ngài chỉ lưu tâm đến việc đưa ra ý nghĩa đích thực của ngày
sabát đối với con người và ngụ ý rằng Ngài có quyền để nói điều đó, vì Ngài
chính là Chúa của Ngài Sabát. Là Chúa
ngày Sabát, nên Đức Chúa Giêxu đã đến nhà hội vào ngày sabát theo thói quen
(Luca 4:16). Ngài đã làm trọn trong việc tuân giữ ngày sabát đúng với mạng lệnh
của Cựu Ước về việc giữ ngày ấy là ngày thánh cho Yahweh. Và qua sự bất đồng
của Ngài và người Pharisi (Math 12:1-14; Mác 2:23-28; luca 6:1-11) Chúa của
chúng ta đã chỉ cho người Giuđa thấy rằng họ hoàn toàn hiểu sai các mạng lệnh
của Cựu Ước. Họ đã tìm cách khiến cho việc tuân gữ ngày sabát trở nên khắc
nghiệt hơn những gì Đức Chúa Trời đã truyền dạy. Ăn trong ngày sabát thì chẳng
có gì sai trái cả, ngay cả thức ăn có được là do bứt từ những bông lúa mì. Và
làm điều thiện trong ngày sabát cũng không có gì là sai. Chữa bệnh là công việc
của lòng nhân ái, vì Chúa của ngày sabát là Đấng nhân từ (Giăng 5:1-18; Luca
13:10-17; 14:1-6)[19]
Ý nghĩa quan trọng của ngày
Sabát ấy là ngưng những công việc làm thường ngày trong tuần để nghỉ và tương
giao với Chúa cũng như với những người thân trong gia đình và Hội Thánh. Đức
Chúa Trời đã ban phước cho ngày thứ Bảy và đặt làm ngày
Thánh sau khi ngưng các “Công
việc đã dựng nên và đã làm xong rồi”. Chúa chúng ta thật là một Đấng yêu
thương, vì Ngài đã chăm sóc mọi lĩnh vực của đời sống của con người chúng ta
cách cẩn thận vô cùng.[20]
Trong Cựu Ước chúng ta biết rằng, ngày Sabát là ngày của Chúa. Trong Tân
Ước Đức Chúa Giêxu lập lại điều này khi Ngài phán “Con Người là Chúa ngày
Sabát”, và Con Người ở đây nói về Đức Chúa Giêxu hay ngày Sabát là ngày của
Chúa (Xuất Êdíptô ký 20:8; Mác 2:22). Và trong thời kỳ Chúa ở dưới thế gian
nầy, Ngài đã trung tín giữ ngày Sabát, và đi nhóm họp ở các nhà hội trong ngày
sabát (Luca 4:16; 6:5,6; 13:10; Mác 1:21; 6:2; 2:27,28; Mathiơ 1:8-10...). Đức
Chúa Giêxu còn dạy rằng, “Trong ngày Sabát có phép làm việc lành.” (mathiơ
12:12)[21]
Do đó, trong giao ước mới do Đấng Christ lập,
ngày sabát (thứ bảy) được thay thế bằng ngày của Chúa (Chúa Nhật ). Cơ đốc nhân
không cần buộc phải giữ ngày sabát lẫn lễ cắt bì nữa.[22] Và
trong thời kỳ của Hội Thánh Đầu Tiên, các tín hữu cũng đến nhóm nhau lại vào
ngày thứ nhất trong tuần tại các nhà hội, các sứ đồ cũng đi giảng dạy tại nhà
hội… như trong Công vụ có chép rằng “7Ngày thứ nhứt trong
tuần lễ, chúng ta đang nhóm lại để bẻ bánh; Phao-lô phải đi ngày mai, nên người
nói chuyện với các môn đồ, và cứ giảng luôn cho đến nửa đêm, 8
có nhiều đèn trong phòng cao mà chúng ta đương nhóm lại.”…
b. Mục đích của ngày Sabát trong bối cảnh Tân Ước:
Chúa
thiết lập ngày Sabát với mục đích để nghỉ ngơi, thờ phượng hoặc kỷ niệm công
trình sáng tạo của Thượng Đế. Hội Thánh của Chúa thời Tân ước chuyển ngày thứ
bảy qua ngày Chúa Nhật để nghỉ ngơi và thờ phượng thay vì ngày thứ bảy, mục
đích là để kỷ niệm công ơn tái Sáng Tạo, tức là công ơn cứu rỗi của Thượng đế.[23]
Luật
Sabát này hiện vẫn còn được thực hành một cách nghiêm chỉnh, với cả những người không tin Chúa, qua luật Lao Động quốc
tế của các nước trên thế giới. Trong ngày này, Chúa ngưng tất cả công việc đã
làm thường ngày. Ở Xuất 16:26,
Môise đã vâng lời Chúa dạy dân sự biệt riêng ra một ngày để nghỉ ngơi, không nhất
thiết là ngày thứ bảy hay Chúa nhật. Ngày xưa họ theo chu kỳ luân chuyển của
mặt trăng chứ không theo mặt trời, nên những người giữ ngày Sabát nhất định cứ
là ngày thứ bảy như Cơđốc Phục Lâm là không đáng. Lịch thời xưa khác hơn lịch
thời nay, chỉ riêng điểm này thôi, chúng ta cũng không nên giữ ngày thứ bảy một
cách cố chấp. Dân sự của Chúa thời đó cũng như nhiều sắc dân khác, những ngày
nghỉ lễ hằng năm hay hàng tuần của họ được tính theo vụ mùa vì họ là những nông
dân. Tới ngày mùa họ làm liên tục không nghỉ cho kịp vụ, ngày thứ bảy, trong
giờ ăn trưa chẳng hạn, họ quay quần lại ngoài đồng thờ phượng Chúa cách ngắn
gọn, như Lễ Vượt qua, Lễ ăn bánh không men, Lễ chuộc tội...đều xoay quanh lịch
của nhà nông. Nên chúng ta không thể cứng nhắc trong vấn đề ngày nghỉ, ngoại
trừ tinh thần phải giữ, đó là biệt riêng ra thánh một ngày nghỉ ngơi phần thể
xác, để thờ phượng Chúa, tâm linh tương giao với Chúa và anh em mình.[24]
Bởi
cớ đó, Đức Chúa Giêxu đã sửa sai và tuyên bố một câu thật quan trọng: “ Ngày Sabát được lập ra cho loài người, chứ
không phải loài người được dựng nên cho ngày Sabát”, có nghĩa là ngày này
được lập ra để phục vụ con người chứ không phải để loài người làm nô lệ cho
ngày Sabát, chứ không phải để đời sống sinh hoạt của con người bị giới hạn và
lệ thuộc vào ngày sabát, vì cớ dân Ysơraên đã áp dụng lời Chúa một cách cứng
nhắc, họ không làm gì cả trong ngày Sabát, thậm chí nếu đang ở trong thang máy,
mà giờ sabát đến thì thang máy cũng phải đứng yên, họ không được di chuyển vật
gì nặng quá 100gram, hay không được đi lại quá xa so với phạm vi cho phép trong
thành phố.v.v. Nhưng rồi bởi cớ sự cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày, họ
không thể hoàn thành đúng những điều luật trong ngày sabát của họ, và thế là họ
dùng mẹo để tránh phạm luật, chẳng hạn như họ muốn di chuyển cái bàn với khối
lượng nặng hơn 100gram (mức độ cho phép trong ngày sabát), thế là họ đã bỏ quả
trứng nặng 100gram lên trên cái bàn để biện cớ là khiên quả trứng trên cái bàn
đi, nhưng thật ra vật họ đang cần để di chuyển lại chính là cái bàn... Và chính
vì con người bất lực như thế, nên Đức Chúa Giêxu đã đến không phải để phá luật
pháp, nhưng Ngài đến để làm trọn mọi điều công bình theo ý muốn của Đức Chúa
Trời[25] chứ
không phải đi theo những lề thói của người pharisi, chất cho người ta một gánh
nặng khó mang mà chính họ không hề động ngón tay đến.[26] Đúng là
ngày thứ Bảy, Đức Chúa Trời nghỉ công trình sáng tạo của Ngài, căn cứ trên
Xuất-Êdíptô ký 16:22-30 và 20:8,11 nhưng nếu có những gì quan trọng cần thiết
xảy ra ngay trong ngày Sabát, người ta vẫn có thể làm được như giúp đỡ người
khác, làm việc lành...
Và việc nghỉ ngày Chúa Nhật là ngày thứ
nhất của tuần lễ trong thời hội thánh đầu tiên chúng ta thấy được ghi trong
công vụ 20:7; ICôr 16:2. “Cứ ngày đầu tuần
lễ, mỗi một người trong anh em khá tùy sức mình chắt lót được bao nhiêu thì để
dành tại nhà mình, hầu cho khỏi đợi khi tôi đến rồi mới góp.” Chúng ta thấy vấn đề dâng hiến cũng thế, dân sự
của Chúa dành dụm để chờ ngày thứ nhất trong tuần lễ đem đến lạc hiến cho Chúa.
Tại sao Hội Thánh Chúa không giữ ngày Thứ Bảy mà lại chuyển qua ngày Chúa Nhật?
Vì ngày thứ bảy kỷ niệm công ơn sáng tạo của Thượng Đế, ngày Chúa Nhật là ngày
Chúa Giêxu sống lại, hoàn thành nhiệm mạng cứu rỗi tội nhân, nên con cái Chúa
lấy ngày này để kỷ niệm công ơn tái Sáng Tạo của Ngài.
Thêm
vào đó, chúng ta có thể nhìn thấy mục đích tốt lành của ngày Sabát của Chúa
cũng ban cho mọi người tình yêu sâu rộng cùng sự chăm sóc của Ngài, dầu người
đó không phải là Cơ Đốc nhân qua Luật Lao Động thế giới bắt nguồn từ Luật Sabát
và luật Chúa Nhật của Thánh Linh của Thánh Kinh để thầy thợ được nghỉ ngơi,
phục hồi sức khoẻ sau 5,6 ngày làm việc mệt nhọc. Nếu phải làm việc vào những
ngày này và làm cho tự nguyện, người lao động phải được trả lương gấp đôi. Lao
động thế giới rất nghiêm chỉnh trong việc giữ luật Sabát này vì đây là quyền
lợi của thợ thuyền và giới lao công[27] mà Đức
Chúa Trời đã ban cho loài người.
3.
Nhận định chung về ý nghĩa và mục đích của ngày Sabát trong bối cảnh của
Ngũ Kinh và Tân Ước:
Ý
nghĩa và mục đích thật của ngày Sabát trong bối cảnh của Ngũ Kinh và Tân Ước
đều nói đến tình yêu thương cùng lòng nhân từ cao cả, vĩ đại của Đức Chúa Trời
dành cho con người qua việc Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu thương và sự chăm sóc
của Ngài đối với đời sống nhân loại, không những cho con người mà cho cả súc
vật nữa, đó cũng là một ân điển chung, tình thương yêu tổng quát Chúa ban cho
tất cả mọi người, dầu người đó là người tin Chúa hay không tin Chúa. Đấng Tạo
Hoá biết chúng ta được tạo nên bởi gì, Ngài không chỉ tạo chúng ta cần thì giờ
nghỉ ngơi để có thể phục hồi lại sức khoẻ sau khi làm việc mệt nhọc trong một
ngày hoặc một tuần. Và hơn thế nữa, là
Đức Chúa Giêxu đã đến để đem đến cho chúng ta một sự SABÁT, hay còn gọi là sự
yên nghỉ thật ở trong Ngài. Như chính lời kêu gọi của Đức Chúa Giêxu Christ đã
nói trong sách Phúc Âm Mathiơ rằng: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ
cho các ngươi được Yên Nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh
lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được Yên Nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta
nhẹ nhàng.”[28]
Thật
là một ân điển lớn lao lạ lùng mà người thế gian đã và đang không nghĩ đến và
không biết ơn Thượng Đế. Sau một ngày làm việc, Chúa lại còn ban cho loài người
một giấc ngủ ban đêm như phương tiện bồi dưỡng hầu cho có đủ sức làm việc cho
một ngày mới. Giấc ngủ hằng đêm của chúng ta cũng là ân điển đã được dự bị bởi
lòng thương xót của Chúa đối với loài thọ tạo.[29] Và vượt
trên hết mọi điều, ân điển và lòng thương xót của Đức Chúa Trời dành cho con
người đã đạt đến đỉnh điểm khi Cứu Chúa Giêxu Christ đã giáng sinh làm người để
làm trọn mọi điều công bình cho con người, giúp con người hoàn thành trọn vẹn
luật pháp, đem đến cho con người một sự cứu rỗi, một sự sống hay còn gọi là sự Sabát-
sự yên nghỉ thật ở trong Ngài. Và chính Đức Chúa Giêxu đã sống lại từ kẻ
chết vào ngày thứ nhất trong tuần lễ, do đó ngay từ đầu, ngày này đã trở thành
ngày đứng trên tất cả các ngày khác “ngày của Chúa” (Khải 1:10)- trong ngày đó,
Cơ Đốc nhân trong Hội Thánh Đầu Tiên đã họp nhau lại để thờ phượng (công 20:7)[30], để Sabát - yên nghỉ thật trong Ngài!
III.
Kết Luận:
Tóm lại, mục đích và ý nghĩa của ngày Sabát trong bối cảnh của Sáng thế
ký và thể chết về ngày Sabát trong bốn sách Ngũ Kinh còn lại không phải để chúng
ta biết thời gian. Bảy ngày là kế hoạch trọn vẹn để con người bước vào sự Sabát
với Đức Chúa Trời. Sabát cũng không phải là ngày thứ bảy. Đó không phải là ngày
để thờ phượng. Sabát có thể là bất kỳ ngày nào, vì mục đích cuối cùng của sự
sáng tạo đó là Sabát, sự yên nghĩ. Đức Chúa Trời không dựng nên ngày Sabát cho
con người, nhưng con người vì ngày Sabát để con người có thể yên nghỉ trong
Chúa. Chúa Giêxu nói Ngài chính là Sabát. Trong Đấng Christ, chúng ta ở trong
sự Sabát, yên nghỉ với Chúa. Vậy, tất cả những gì trong Cựu Ước nói về ngày
Sabát đều là hình bóng chỉ về Sabát trong Tân Ước. Đó là sự yên nghỉ trong Đấng
Christ (Mathiơ 11:28-30), lời hứa được ứng nghiệm trong thân thể của Đấng
Christ. (Lêvi 23:32-38.)[31]
1. Wiersbe Warren W. Giải Nghĩa Kinh Thánh- Sáng Thế Ký 1-19, CA: Vietnam Ministries,
Inc, 2000.
2.
Viện Thần
Học Tin Lành Việt Nam, Giải Nghĩa Kinh
Thánh-Ấn Bản thế kỷ 21, tập 1: Ngũ Kinh, Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2004.
3. Thư Viện Thánh Kinh Thần Học- Liên hệ Phái Tin Lành Việt Nam, Nghiên
cứu sách Sáng Thế Ký, Np: np:
nd.
4.
Lê Vĩnh
Phước, Giáo Trình Giảng Dạy môn Ngũ Kinh
Môise Np: np: nd
5.
Samuel Schultz J., Cựu Ước Phán Truyền Illinois: BEE
international, 2007.
6. Nguyễn Ngọc Rao, Tìm Hiểu Ngũ Thư, Np: np: 1998.
7.
Thánh Kinh Khảo Học- Cựu Ước Sáng Thế ký – II
Các Vua, Nd: np: nd.
8.
I Howard Marshall, at al, Thánh Kinh Tân Từ
Điển, Ấn Bản Thứ Ba, VTHTLVN: Nhà Xuất Bản Phương Đông, 2009.
9.
Kinh Thánh
Bản Dịch Truyền Thống, 1926.
10.
Dương Quốc
Tùng, Lẽ Thật Về Ngày Sabát, Santa Ana:
An Bình Và Hạnh Phúc Radio, 1995.
[1] Warren Wiersbe W. Giải Nghĩa Kinh Thánh- Sáng Thế Ký 1-19, (CA:
Vietnam Ministries, Inc, 2000), 32.
[11] Viện Thần Học Tin Lành
Việt Nam, Giải Nghĩa Kinh Thánh-Ấn Bản
thế kỷ 21, tập 1: Ngũ Kinh (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2004), 289.
[15] I
Howard Marshall, at al, Thánh Kinh Tân Từ
Điển, Ấn Bản Thứ Ba (VTHTLVN: Nhà Xuất Bản Phương Đông, 2009.), 1545.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét