Trang Nhà

Phước cho những người trọn vẹn trong đường lối mình,
Đi theo luật pháp của Đức Giê-hô-va.
Thi Thiên 119:1.

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và Lời Tiên Tri Trong Kinh Thánh: Quá Khứ, Hiện Tại và Tương Lai

Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và Lời Tiên Tri Trong Kinh Thánh: Quá Khứ, Hiện Tại và Tương Lai

 

 

Có rất nhiều lời tiên tri trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước đã được ứng nghiệm. Có những lời tiên tri đã ứng nghiệm và kết thúc, ví dụ như trường hợp của Giăng Báp-tít, sự hình phạt trên dân Y-sơ-ra-ên, hay sự hiện đến của Đấng Mê-si. Tuy nhiên, cũng có những lời tiên tri đã ứng nghiệm trong quá khứ, vẫn đang ứng nghiệm trong thời đại hiện nay và sẽ tiếp tục ứng nghiệm trong tương lai. Tiêu biểu đó là trường hợp của đền thờ Giê-ru-sa-lem. Lời tiên tri về đền thờ Giê-ru-sa-lem là gì? Điều gì xảy ra với đền thờ Giê-ru-sa-lem trong quá khứ, hiện tại và tương lai? Trong giới hạn của bài viết này, tôi mong chia xẻ một vài điều về những ứng nghiệm của các lời tiên tri liên quan đến đền thánh Giê-ru-sa-lem. Bài viết sẽ được chia làm ba phần chính: Phần 1: Vinh Quang và Tủi Nhục, Phần 2: Sự Gớm Ghiếc Lập Ra Trong Nơi Thánh, và Phần 3: Vinh Quang Giê-ra-sa-lem và Sự Giải Cứu của Đức Giê-hô-va.

 

Phần 1: Vinh Quang và Tủi Nhục

 

Giê-ru-sa-lem là địa danh được nhắc đến hơn tám trăm lần trong Kinh Thánh, cùng với rất nhiều lần khác nữa xuyên suốt cả Kinh Thánh qua các tên gọi khác nhau.[1] Giê-ru-sa-lem xưa vốn được gọi là Sa-lem, là một thành phố của người Ca-na-an cổ xưa. Chữ Sa-lem là danh xưng theo tiếng người Ca-na-an dành cho vị thần của Ba-by-lôn là Shalmanu, tức là thần chạng vạng (twilight).[2] Khi dân Y-sơ-ra-ên chiếm xứ Ca-na-an và định cư tại đó thì Giê-ru-sa-lem trở thành một thành phố của họ. 

Trong thời vua Đa-vít, dân Y-sơ-ra-ên phát triển mạnh mẽ và trở nên thịnh vượng. Vì lầm lỗi khi tu bộ dân số của Đa-vít mà Đức Chúa Trời đã hình phạt dân Y-sơ-ra-ên,[3] sự kiện này đã khiến cho hơn bảy ngàn người ngã chết. 

Đa-vít lập một bàn thờ tại đây và dâng của lễ thiêu, của lễ bình an và cầu khẩn Đức Giê-hô-va. Sử Ký chép: “Ngài đáp lời người bằng lửa từ trời giáng xuống trên bàn thờ về của lễ thiêu.” (1 Sử Ký 21:26).Từ lúc đó, Đa-vít thấy Đức Giê-hô-va đã nhậm lời mình tại trong sân đạp lúa của Ọt-nan, người Giê-bu-sít, thì người bèn dâng của lễ tại đó (21:28). Cũng chính tại nơi nầy, Đa-vít truyền lệnh xây dựng đền thờ cho Đức Giê-hô-va. Vua Sa-lô-môn, con trai vua Đa-vít đã khởi cất đền Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem, tại sân đạp lúa của Ọt-nan, người Giê-bu-sít (2 Sử Ký 3:1). 

 

1. Vinh Quang Giê-ru-la-lem

Nói đến Giê-ru-sa-lem, người ta sẽ nghĩ đến một vùng đất thánh, nơi có đền thánh mà vua Sa-lô-môn đã lập lên. Đền thờ mà vua Sa-lô-môn xây dựng rất vinh quang vì sự tráng lệ đẹp đẽ bởi những chất liệu như vàng ròng, gỗ hương, vải gai mịn, các loại chỉ điều đầy màu sắc. Đền thờ được mô tả rất “nguy nga lạ kỳ” (2 Sử Ký 2:9), bởi có hàng chục ngàn người tham gia từ việc đẽo đá, gỗ, chế tác các loại vàng, bạc, đồng, và sắt. 

Vinh quang của Giê-ru-sa-lem còn được biết đến là một nơi thánh và vinh hiển vì có sự hiện diện của Đức Giê-hô-va. Chính Ngài đã hiện ra cùng Sa-lô-môn và thề hứa rằng Ngài đã chọn nơi này và sẽ ngự tại đây đời đời. “Bấy giờ, mắt ta sẽ đoái xem, lỗ tai ta sẽ lắng nghe lời nào cầu nguyện tại nơi nầy; vì bây giờ, ta đã chọn và khiến cho cái nhà nầy ra thánh, hầu cho danh ta ngự đó đời đời; mắt cùng lòng ta sẽ ở đó luôn luôn.” (2 Sử Ký 7:16).

Sự vinh quang của Giê-ru-sa-lem càng thêm lên khi Đức Giê-hô-va ngự xuống trong ngày lễ cung hiến đền thờ. 1 Các Vua 8:10-11, chép như sau: “Xảy khi những thầy tế lễ đã ra khỏi nơi thánh, bèn có mây đầy dẫy nhà của Đức Giê-hô-va, đến nỗi những thầy tế lễ vì có mây ấy không thể đứng đó mà hầu việc được, vì sự vinh quang của Đức Giê-hô-va đầy dẫy đền của Đức Giê-hô-va.” 

Từ đó,đền thờ Giê-ru-sa-lem trở thành trung tâm của sự thờ phượng, vì đây là nơi mà Đức Giê-hô-va yêu mến. Thi Thiên 87: 1-2 chép rằng: “Cái nền Ngài đã đặt trên các núi thánh. Đức Giê-hô-va chuộng các cửa Si-ôn hơn những nơi ở của Gia-cốp.” Tất cả mọi người trong dân chúng đều đến Giê-ru-sa-lem để cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Những ai ở xa, cũng đều hướng về Giê-ru-sa-lem để cầu khẩn Đức Chúa Trời. Giê-ru-sa-lem trở thành đề tài của biết bao nhiêu áng văn thơ chúc tụng. Thi Thiên 125 viết rằng: “Các núi vây quanh Giê-ru-sa-lem thể nào, Đức Giê-hô-va vây phủ dân sự Ngài thể ấy, từ rày cho đến đời đời.”và Thi Thiên 122:8 “Vì cớ anh em và bầu bạn ta, Ta nói rằng: Nguyện sự hoà bình ở trong ngươi! Nhân vì nhà Giê-hô-va, Đức Chúa Trời chúng ta, Ta sẽ cầu phước cho ngươi.”

            Sự vinh quang chói sáng của Giê-ru-sa-lem không phải là điều con người có thể làm được. Nếu Đức Giê-hô-va không hiện diện và ban phước thì đền thánh cũng chỉ như bao nhiêu đền đài tôn giáo khác. Chính vì lẽ đó, Giê-ru-sa-lem phải tuân theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va một cách nghiêm ngặt.

 

2. Các Lời Tiên Tri về Đền Thờ Giê-ru-sa-lem

            Đi cùng với lời hứa về sự hiện diện của Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem, chính Ngài cũng đã thề với Sa-lô-môn về sự huỷ diệt nếu dân sự không hết lòng kính sợ và đi theo đường lối của Ngài. “Nhưng nếu các ngươi và con cháu các ngươi xây bỏ ta, không giữ các điều răn và luật lệ ta đã truyền cho các ngươi, đi hầu việc những thần khác và thờ lạy chúng nó, thì ta sẽ truất Y-sơ-ra-ên khỏi đất ta đã ban cho chúng nó, trừ bỏ khỏi trước mặt ta cái đền nầy, mà ta đã vì danh ta biệt riêng ra thánh, và Y-sơ-ra-ên sẽ trở nên lời tục ngữ và trò cười giữa muôn dân. Còn đền nầy, dầu cao dường nào, ai đi ngang qua gần nó cũng lấy làm lạ lùng, chê bai, mà rằng: Cớ sao Đức Giê-hô-va có làm cho xứ nầy và đền nầy như vậy?” (1 Các Vua 9:6-9).

            Không phải tự nhiên mà đền thờ Giê-ru-sa-lem là trung tâm của nhiều sự thu hút và quan tâm của hầu hết các dân tộc xung quanh vùng Cổ Cận Đông khi các lời tiên tri cảnh báo về sự sụp đổ của đền thờ ngày càng được biết đến. Tất cả những cảnh báo về sự sụp đổ của đền thờ Giê-ru-sa-lem cũng như dân cư thành ấy bị huỷ diệt đều liên quan đến những tội lỗi mà chính họ đã phạm nghịch cùng Đức Giê-hô-va. Sau khi vương quốc phía bắc là Y-sơ-ra-ên có thủ đô là Sa-ma-ri bị tàn phá và huỷ diệt năm 722 BC., thì mọi con mắt đều hướng về Giê-ru-sa-lem. Nếu dân Y-sơ-ra-ên ở miền nam Giu-đa không kính sợ Đức Giê-hô-va thì sự hình phạt chắc chắn sẽ đến.

            Các lời tiên tri về đền thờ Giê-ru-sa-lem trong Kinh Thánh có thể được kể đến như sau:

 

            Tiên tri A-mốt từ những năm 760 BC., tiên tri về sự hình phạt của Đức Giê-hô-va trên vương quốc phía bắc Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên trong một phần rất nhỏ trong lời tiên tri, A-mốt đã cho biết rằng lửa sẽ thiêu đốt Giê-ru-sa-lem. “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Bởi cớ tội ác của Giu-đa đến gấp ba gấp bốn lần, nên ta không xây bỏ án phạt khỏi nó; vì chúng nó đã bỏ luật pháp của Đức Giê-hô-va và không vâng theo lệ luật Ngài, những sự giả dối mà tổ phụ chúng nó đã theo, làm lầm lạc chúng nó. Ta sẽ sai lửa đến trên Giu-đa, nó sẽ thiêu nuốt những đền đài của Giê-ru-sa-lem.” (A-mốt 2:4-5).

Tiên tri Ê-sai từ những năm 740 BC., tiên tri về sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem và thành trì của Si-ôn.[4]Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại quốc đến huỷ diệt. Đó là sự hình phạt đến từ Đức Giê-hô-va. “Xứ các ngươi là nơi hoang vu, thành các ngươi bị lửa thiêu huỷ; dân ngoại nuốt đất đai các ngươi trước mặt các ngươi, hoang vu như bị dân ngoại phá tán. Con cái Si-ôn bị bỏ lại như lều vườn nho, như chòi ruộng dưa, như thành bị vây. Ví bằng Đức Giê-hô-va vạn quân chẳng để chúng ta còn sót lại chút đỉnh, thì chúng ta sẽ giống thành Sô-đôm và như thành Gô-mô-rơ vậy!” (Ê-sai 1:7-9).

            Tiên tri Mi-chê từ những năm 733-701 BC, cũng nói tiên tri về sự huỷ diệt của Giê-ru-sa-lem và sự tàn phá thành trong tương lai, nơi mà đền thờ và cung điện sẽ trở nên như đống đổ nát và hoang tàn.[5]“Các quan trưởng xét đoán vì của hối lộ, các thầy tế lễ dạy dỗ vì tiền công, còn các kẻ tiên tri nói tiên tri vì bạc; rồi chúng nó nương cậy Đức Giê-hô-va mà rằng: Đức Giê-hô-va há chẳng ở giữa chúng ta sao? Tai vạ sẽ chẳng đến trên chúng ta! Vậy nên, vì cớ các ngươi, Si-ôn sẽ bị cày như ruộng; Giê-ru-sa-lem sẽ trở nên đống đổ nát, và núi của nhà sẽ trở nên như nơi cao trong rừng!” (Mi-chê 3:12).

            Tiên tri Ha-ba-cúc từ năm 640 BC., là tiên tri của Đức Chúa Trời mang sứ điệp cho dân Giu-đa. Ông nhìn thấy dân Canh-đê (tức Ba-by-lôn) đến huỷ diệt dân Chúa. Ông hỏi Chúa vì sao để một dân tộc thậm chí gian ác hơn, đến huỷ diệt dân sự của Ngài.[6] Đây là một trong những lời tiên tri nêu đích danh kẻ thù tức là dân Ba-by-lôn. Lúc bấy giờ, Ba-by-lôn mới vừa trở nên hùng mạnh sau khi đánh bại Asyria và Ai-cập năm 605 B.C[7]

            Tiên tri Sô-phô-ni từ năm 622 BC, cũng nói tiên tri về đền thờ Giê-ru-sa-lem vì những thầy tế lễ đã phạm luật pháp của Đức Giê-hô-va.[8] “Ta sẽ dang tay ta trên Giu-đa và trên hết thảy dân cư Giê-ru-sa-lem; sẽ trừ diệt phần sót lại của Ba-anh, các tên của thầy cả và thầy tế lễ nó khỏi nơi nầy. Ta sẽ diệt những kẻ lạy cơ binh trên trời nơi nóc nhà; và những kẻ thờ lạy, những kẻ thề với Đức Giê-hô-va và cũng thề bởi vua mình; cùng với những kẻ xây bỏ không theo Đức Giê-hô-va, và những kẻ không tìm kiếm Đức Giê-hô-va, không cầu hỏi Ngài.” (Sô-phô-ni 1:5-6).

            Tiên tri Giê-rê-mi từ năm 627 BC, đã nói tiên tri rất chi tiết về sự sụp đổ của đền thờ Giê-ru-sa-lem. Ông chính là tiên tri đã nói trước về sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem và cũng là người chứng kiến lần đầu tiên đế quốc Ba-by-lôn tấn công Giê-ru-sa-lem. 

Giê-rê-mi chép về tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên liên quan đến trộm cướp, giết người, phạm tội tà dâm, thề dối, dâng hương cho Ba-anh, đi theo thần khác, là thần họ không hề biết. Rồi đến trong nhà Chúa và thờ phượng Ngài. Giê-rê-mi cho rằng: “họ phạm mọi sự gớm ghiếc ấy.” (Giê-rê-mi 7:9-10); và sự hình phạt sẽ đến như sau: “Ta sẽ khóc lóc thở than về các núi, sẽ xướng bài ca sầu não về nội cỏ nơi đồng vắng, vì thảy đều bị đốt cháy, đến nỗi chẳng con ai đi qua đó nữa. Tại đó chẳng còn nghe tiếng bầy súc vật, chim trời và loài thú đều trốn đi cả rồi. Ta sẽ khiến Giê-ru-sa-lem thành ra đống đổ nát, nơi ở của chó rừng; sẽ làm cho các thành của Giu-đa ra hoang vu không người ở.” (Giê-rê-mi 9:10-11)

            Tiên tri Ê-xê-chi-ên là vị tiên tri được dấy lên trong những ngày cuối cùng của vương quốc Giu-đa. Ông được sinh ra trong gia đình thầy tế lễ và bị lưu đày qua Ba-by-lôn. Ê-xê-chi-ên bắt đầu chức vụ từ năm 593 TC. đến 571 TC. Lời tiên của Ê-xê-chi-ên gắn liền với sự kiện xảy ra cho cuộc đời ông.[9] Vợ ông chết và ông không được phép để tang. Ông bị câm cho đến khi lời tiên tri được ứng nghiệm. Lời tiên tri được chép đầy đủ trong Ê-xê-chi-ên chương 24. Lời tiên tri được trích như sau: “Hãy nói cùng nhà Y-sơ-ra-ên: Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Nầy, ta sẽ làm ô-uế nơi thánh ta, là nơi các ngươi lấy làm khoe khoang về quyền năng mình, mắt các ngươi ưa thích, lòng các ngươi thương xót; và những con trai con gái các ngươi mà các ngươi đã để lại, sẽ ngã bởi gươm.” (Ê-xê-chi-ên 24:21).

            Hầu hết các tiên tri trong thời kỳ trước khi Giê-ru-sa-lem sụp đổ đều nói tiên tri về sự kiện này. Những lý do khiến Đức Giê-hô-va hình phạt Giê-ru-sa-lem được các tiên tri đưa ra khá giống nhau đó là vì sự phạm tội của dân sự Chúa, thờ lạy hình tượng, đặc biệt là thần Ba-anh xứ Ca-na-an, các thần của Ba-by-lôn và dân chúng làm điều gian ác trước mặt Ngài. 

 

3. Hổ Thẹn và Tủi Nhục: Vinh Quang Giê-hô-va Lìa Giê-ru-sa-lem

            Vinh quang của đền thờ Giê-ru-sa-lem từ những ngày đầu tiên được Đức Chúa Trời ban phước bao nhiêu, thì nay nơi này chỉ còn lại với sự hổ thẹn và tủi nhục. Sự nhục nhã và xấu hổ không chỉ liên quan đến những lãnh đạo, thầy tế lễ, các quan tướng và dân sự, mà còn liên quan đến cả nơi thánh, là đền thờ Giê-ru-sa-lem. Sự nhục nhã kinh khủng được tiên tri Ê-xê-chi-ên mô tả rất chi tiết qua những sự hiện thấy của mình.

            a. Giê-ru-sa-lem bị kể như người đàn bà tà dâm. 

Đức Giê-hô-va phán: “Chúng nó trở nên thuộc về ta, và đẻ con trai con gái. Ô-hô-la tức là Sa-ma-ri, còn Ô-hô-li-ba, tức là Giê-ru-sa-lem.” (Ê-xê-chi-ên 23:4). Đức Giê-hô-va mô tả Ô-hô-li-ba như sau: “Em gái nó là Ô-hô-li-ba đã xem thấy mọi việc đó; dầu vậy, nó buông mình theo tình dục hơn chị nó; và sự hành dâm của nó lại còn nhiều hơn.” (23:11)“Những người Ba-by-lôn đến cùng nó lên giờng âu yếm, và chúng làm ô-uế nó bởi sự hành dâm mình. Nó cũng tự làm ô-uế với chúng; rồi thì lòng nó sinh chán.” (23:18). Đức Giê-hô-va cũng chán người đàn bà tà dâm này. Ngài phán “Nó đã tỏ bày sự dâm ô mình, đã lột truồng mình ra, thì lòng ta cũng chán nó, như đã chán chị nó.” (23:19).

            Sự hành dâm này trong thực tế đó là sự thờ lạy các thần tượng của Ba-by-lôn và thần Mo-lóc. Đức Chúa Trời phán: “Chúng nó lại còn làm sự nầy nghịch cùng ta: cùng trong một ngày chúng nó đã làm ô-uế nơi thánh ta, và phạm các ngày sa-bát ta; sau khi đã giết con cái mình dâng cho thần tượng, trong ngày ấy chúng nó vào trong nơi thánh ta đặng làm ô-uế! Ấy đó là điều chúng nó đã làm giữa nhà ta!” (23:38-39).

            b. Đời sống ô-uế của cả dân chúng

Cả xã hội từ lãnh đạo đến dân chúng, từ thầy tế lễ trong đền thờ đến các tiên tri, từ người lớn đến người nhỏ đều phạm luật pháp của Đức Chúa Trời và chống nghịch cùng Ngài. “Các thầy tế lễ nó phạm luật pháp ta, và làm dơ vật thánh ta; chẳng phân biệt cái gì là thánh, cái gì là tục; chẳng khiến người ta phân biệt cái gì là ô-uế, cái gì là tinh sạch; nhắm mắt chẳng xem các ngày sa-bát ta, và ta bị nói phạm giữa chúng nó. Các quan trưởng ở giữa nó giống như muông sói xé mồi, chỉ lo làm đổ máu, làm mất linh hồn, để được lợi bất nghĩa...Dân trong đất làm sự bạo ngược, phạm sự trộm cướp, khuấy rối kẻ nghèo nàn thiếu thốn, và ức hiệp người trú ngụ cách trái phép.” (22:26-29)

            Đức Giê-hô-va tìm kiếm một người để xây lại sự thối rữa mục nát về đạo đức của Y-sơ-ra-ên, mà Ngài chẳng tìm được một ai. “Ta đã tìm một người trong vòng chúng nó đặng xây lại tường thành, vì đất mà đứng chỗ sứt mẻ trước mặt ta, hầu cho ta không huỷ diệt nó; song ta chẳng tìm được một ai.” (22:30).

            c. Đền thờ bị làm ra dơ dáy và gớm ghiếc

Trong lúc đó, tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, sự dơ dáy và gớm ghiếc được tìm thấy chính trong hành lang và tường bên trong của đền thờ đầy dẫy sự gớm ghiếc. “Ngài lại phán: Hãy vào xem những sự gian ác đáng gớm mà chúng nó làm ra ở đây. Vậy ta vào, xem thấy; và nầy, có mọi thứ hình tượng côn trùng và thú vật gớm ghiếc, mọi thần tượng của nhà Y-sơ-ra-ên đã vẽ chung quanh tường. Trước mặt các thần tượng ấy đứng bảy mươi trưởng lão của nhà Y-sơ-ra-ên, giữa đám họ có Gia-a-xa-nia, con trai Sa-phan, mỗi người tay cầm lư hương, khói thơm bay lên nghi ngút.” (8:9)

            d. Shekinah của Đức Giê-hô-va phải lìa xa đền thờ

Tất cả những sự gớm ghiếc xảy ra tại đền thờ khiến cho Đức Giê-hô-va phải xa nơi thánh của Ngài. Trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên, sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va phải lìa khỏi đền thờ Giê-ru-sa-lem. Nếu trước đây, đền thờ Giê-ru-sa-lem là nơi thánh vinh hiển vì sự hiện diện của Đức Giê-hô-va, thì giờ đây sự vinh hiển của Chúa phải rời xa thành thánh. Thuật ngữ Shekinah thường được dùng để nói đến sự hiện diện vinh hiển của Đức Giê-hô-va từng ngự ở đền tạm trong Xuất Ê-díp-tô ký, hoặc trong trụ mây và trụ lửa, hoặc tại lễ khánh thành đền thờ vua Sô-lô-môn xây dựng.[10] Nay Shekinah đó, di chuyển ra khỏi đền thờ Giê-ru-sa-lem.[11]

Ê-xê-chi-ên 10:18 chép rằng: “Sự vinh hiển Đức Giê-hô-va ra khỏi ngạch cửa nhà, và đứng trên các chê-ru-bim.” Sau đó, sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va dấy lên và rời khỏi đền thờ mà đứng về phía đông thành. “Sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va dấy lên từ giữa thành và đứng trên núi ở phía đông thành” (11:22). Đức Giê-hô-va phải lìa xa khỏi nơi ô-uế, dơ dáy và gớm ghiếc, là nơi mà Ngài đã từng yêu mến và từng hứa rằng “mắt và lòng ta sẽ ở đó luôn luôn”.

 

4. Lời Tiên Tri Ứng Nghiệm: Đền Thờ Giê-ru-sa-lem Hoàn Toàn Sụp Đổ

Lời phán dặn của Đức Giê-hô-va cho vua Sa-lô-môn và dân sự của người về mọi điều mà họ phải cẩn thận làm theo ngay từ lúc ban đầu nay đã ứng nghiệm. Không những vậy, trước khi sự việc xảy đến, Đức Chúa Trời đã gởi đến sứ điệp về sự hình phạt của Ngài sẽ giáng trên Giê-ru-sa-lem qua các đấng tiên tri.

Vào ngày 9 tháng Av (tháng năm) năm 587 TC. Giê-ru-sa-lem bị tấn công và thiêu huỷ. Dân Y-sơ-ra-ên gọi đó là ngày 9 tháng Av và là ngày khóc than vì đền thánh bị phá huỷ. Theo lịch sử Thánh Kinh thì có hai ngày được ghi lại. 2 Các Vua 25:8 nói rằng đó là: “ngày 7 tháng năm, năm thứ 19 đời Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, quan thị vệ Nê-bu-xa-ra-đan, tôi tớ của vua Ba-by-lôn, đến Giê-ru-sa-lem. Người thiêu đốt đền thờ Đức Giê-hô-va, cung của vua và mọi nhà trong thành Giê-ru-sa-lem; thiêu đốt luôn các nhà của người sang trọng.”

Trong khi đó Giê-rê-mi thì ghi lại là ngày 10 tháng Av. Theo The Tosefta Ta'anit 4:10 giải thích rằng ngày 7 là bức tường bên ngoài bị đánh sập, đến ngày 10, thì mọi thứ đều bị thiêu huỷ

[12]  Sử ký chép rằng “Chúng đốt đền Đức Chúa Trời, đánh đổ vách thành Giê-ru-sa-lem, lấy lửa đốt các cung điện và phá huỷ các khí dụng tốt đẹp của nó.” (2 Sử Ký 36:19) Giê-rê-mi mô tả chi tiết hơn về sự huỷ phá đền thờ. “Quân Canh-đê phá tan các cột đồng trong nhà Đức Giê-hô-va, cả đến đế tảng và biển đồng trong nhà Đức Giê-hô-va, rồi đem những đồng đó về Ba-by-lôn. (Giê-rê-mi 52:17). Dấu hiệu về ngày huỷ diệt, ngày 9 tháng Av sẽ được phân tích chi tiết hơn ở phần sau khi tôi đề cập đến sự sụp đổ lần thứ hai của đền thờ Giê-ru-sa-lem.

Tất cả các lời tiên tri từ hơn 170 năm trước lần lượt ứng nghiệm trong sự kiện lịch sử này. Giê-ru-sa-lem bị huỷ diệt. Đền thờ của Đức Giê-hô-va bị đốt cháy. Thầy tế lễ, các quan tướng và dân sự bị bắt làm phu tù. Sự tan thương này được Giê-rê-mi mô tả trong Ca Thương như sau: “Kẻ thù đã giơ tay trên mọi vật tốt nó; vì nó đã thấy các dân ngoại xông vào nơi thánh nó... Đức Giê-hô-va đã bỏ bàn thờ, lại gớm nơi thánh; Ngài đã phó thành quách cung điện Si-ôn vào trong tay quân nghịch..chúng nó làm om sòm trong nhà Đức Giê-hô-va..” (Ca Thương 1:10; 2:7).

 

Như vậy, đền thờ Giê-ru-sa-lem, nơi được cho là thành thánh vinh hiển, nơi có sự hiện diện của Đức Giê-hô-va đã bị huỷ diệt để làm cho ứng nghiệm lời các đấng tiên tri bởi Đức Chúa Trời phán ra. Giê-ru-sa-lem đã từng đẹp đẽ vinh hiển thể nào, thì nay nó cũng chỉ là một đống đổ nát. Nhiều người cho rằng Giê-ru-sa-lem sụp đổ tất cả đều liên quan đến chính trị và sai lầm của lãnh đạo vương quốc Giu-đa. Tuy nhiên, trong thâm tâm của mỗi người Y-sơ-ra-ên đều tin rằng đó là do chính tội lỗi của họ, vì đã không làm theo giao ước với Đức Chúa Trời mình.

 Dù Y-sơ-ra-ên bị hình phạt, dù đền thờ Giê-ru-sa-lem bị Đức Giê-hô-va bỏ rơi, nhưng Chúa vẫn là Đấng hay thương xót. Sự xấu hổ và nhục nhã kia sẽ được xây dựng lại. Đức Giê-hô-va sẽ thăm viếng dân sự Ngài và phục hồi đền thánh của Ngài. Đền thờ cùng tất cả sự tốt đẹp sẽ trở lại khi dân sự của Chúa thật sự quay về trong sự yêu mến kính sợ Đức Giê-hô-va. Đó là lý do tại sao, Y-sơ-ra-ên vẫn còn hy vọng nơi Đức Giê-hô-va, mà Giê-rê-mi đã viết: “Ấy là nhờ sự nhân từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt. Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt; Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín Ngài là lớn lắm.” (Ca-thương 3:22-23).

Lời tiên tri về sự lập lại của đền thờ đã ứng nghiệm. Sau bảy mươi năm phu tù tại Ba-by-lôn, dân Y-sơ-ra-ên được trở về quê hương. Đền thờ Giê-ru-sa-lem được xây dựng lại bởi Xô-rô-ba-bên (Zerubabel), với sự cho phép của Đế quốc Ba-Tư (Persia Empire) dưới thời vua Si-ru Đại Đế năm 559 TC, và Đa-ri-út Đại Đế năm 516 TC., được Kinh Thánh ký thuật trong sách Ê-xơ-ra 1-6. Vách thành Giê-ru-sa-lem được trùng tu bởi Nê-hê-mi năm 445 TC, (Nê-hê-mi 1-13). Vài trăm năm sau, đền thờ Giê-ru-sa-lem được trùng tu và nới rộng bởi vua Hê-rốt Đại Đế trong đầu thế kỷ thứ nhất khoảng năm 20 SC. (Giăng 2:20)[13]              

Tuy nhiên, nếu dân sự vẫn tiếp tục không vâng lời, không giữ giao ước, không đi theo con đường kính sợ Đức Giê-hô-va, thì đền thờ kia dù được phục hồi, nơi thánh kia dù được dựng lên, đền đài kia dù đẹp đẽ hơn, sẽ tiếp tục là nơi hoang tàn. 

Chính vì lẽ đó, xuyên suốt lịch sử đền thờ Giê-ru-sa-lem đã trở thành tâm điểm mang dấu ấn của sự hình phạt và sự phục hồi. Khi đền thờ phục hồi, lúc đó sự hiện diện của Chúa trở lại. Khi đền thờ bị huỷ phá, điều đó đồng nghĩa với sự huỷ diệt và chết chóc cho cả dân tộc. 

Sau khi đền thờ thứ nhất bị sụp đổ, các lời tiên tri đề cập đến thể nào đền thờ được phục hồi. Nhưng rồi theo lời tiên tri của Đa-ni-ên trong tương lai, sẽ có sự gớm ghiếc lập ra trong nơi thánh. Chính về điều này mà Chúa Giê-xu từng phán dạy rằng: “Khi các ngươi sẽ thấy sự gớm ghiếc tàn nát lập ra trong nơi thánh, mà tiên tri Đa-ni-ên đã nói (ai đọc phải để ý).” (Ma-thi-ơ 24:15).[14] Sự gớm ghiếc lập ra trong nơi thánh sẽ đánh dấu thời kỳ yếm thế, thời kỳ tung hoành của thế lực bóng tối và thù địch, cũng có thể đi kèm với sự xuất hiện của Anti-Christ.

            Trong phần sau, Phần 2: Sự Gớm Ghiếc Lập Ra Trong Nơi Thánh, tôi sẽ đề cập đến thể nào lời tiên tri của Đa-ni-ên và Chúa Giê-xu được ứng nghiệm trong sự sụp đổ của đền thờ thứ hai. Phần này phân tích lý do dân Y-sơ-ra-ên vẫn tiếp tục không kính sợ và không yêu mến Đức Chúa Trời mình. Minh chứng rõ ràng nhất là khi Đấng Mê-si đến và họ đã khước từ bằng cách giết Ngài. Trong sự kiện Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ và đền thờ bị huỷ phá lần thứ hai, có một sự gớm ghiếc lập ra trong nơi thánh như lời tiên tri đã phán. Sự sụp đổ hoang tàn này kéo dài cho đến khi Giê-ru-sa-lem bị quân Hồi giáo xâm chiếm và họ xây dựng đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa Mosquethe Doom of Rock và the Doom of Chain trên nền của đền thờ Giê-ru-sa-lem và toàn bộ Núi Thánh (The Temple Mount) cho đến ngày nay. Sự ứng nghiệm của các lời tiên tri về đền thờ Giê-ru-sa-lem trong lịch sử và những chứng tích tồn tại cho đến nay khiến cho dân Do-thái và Cơ đốc giáo nói chung lấy làm sững sờ và tự hỏi rồi đây điều gì sẽ xảy đến cho đền thánh của Chúa trong tương lai? Liệu đền thờ thứ ba theo lời đồn đoán sẽ được xây dựng sẽ là điềm tốt hay tiếp tục là điềm gở và là sự gớm ghiếc trước mặt Đức Giê-hô-va?

 

Phước Lê

Vietnamese Baptist Church San Diego

May 6, 2017

Hậu Chú:



[1] Harold D. Foods, “Jerusalem in Biblical Prophecy,” Dictionary of Premillenial Theology, ed. Mal Couch (Grand Rapids: Kregel Publication, 1996), 207.

[2] Randall Price, Jerusalem in Prophecy: God’s Stage for the Final Drama (Oregon: Harvest House Publishers, 1998), 78.

[3] 1 Sử Ký 21 chép rằng, “Đức Chúa Trời sai một thiên sứ đến Giê-ru-sa-lem đặng huỷ diệt nó; đương khi huỷ diệt, Đức Giê-hô-va xem thấy, bèn ăn năn việc tai vạ nầy, và nói với thiên sứ đi huỷ diệt rằng: Thôi! Bây giờ hãy rút tay ngươi lại. Bấy giờ thiên sứ  của Đức Giê-hô-va đứng gần sân đạp lúa của Ọt-nan, người Giê-bu-sít.”

[4] Willem A. VanGemeren, Interpreting Prophetic Word: An Introduction to the Prophetic Literature of the Old Trestament (Grand Rapids: Zondervan Publishing House, 1990), 249.

[5] Ibid., 150.

[6] Ibid., 338.

[7] Ibid., 168.

[8] Ibid., 173.

[9] Ibid., 323.

[10] Xem chi tiết về thuật ngữ Shekinah được mô tả bởi tác giả James Murphy, trong quyển George Bush, Notes, Criticals and Practicals in the book of Exodus (Boston: Henry A. Young and Co., 1948), 293-300.

[11] Randall Price, The Temple and Bible Prophecy: A Definite Look at Its Past, Present and Future, 72.

[12] Tosefta Ta’anit là bộ luật truyền khẩu Do-Thái trong khoảng thế kỷ thứ 2 T.C đến khoảng năm 70 SC. Thời kỳ này cũng được gọi là thời kỳ Mishna, là thời gian hiệu đính bản Ngũ Kinh Truyền Miệng và các lời dạy truyền khẩu khác. Tosefta đóng góp một phần vào trong phần hiệu chỉnh này.

13 Randall Price, The Temple and Bible Prophecy: A Definite Look at Its Past, Present and Future, 61.

14 Lời tiên tri Đa-ni-ên 9:26-27 viết như sau: “ Sau sáu mươi hai tuần lễ đó, Ðấng chịu xức dầu sẽ bị trừ đi, và sẽ không có chi hết. Có dân của vua hầu đến sẽ hủy phá thành và nơi thánh; cuối cùng nó sẽ như bị nước lụt ngập, có sự tranh chiến cho đến cuối cùng; những sự hoang vu đã định. Người sẽ lập giao ước vững bền với nhiều người trong một tuần lễ, và đến giữa tuần ấy, người sẽ khiến của lễ và của lễ chay dứt đi. Kẻ hủy phá sẽ đến bởi cánh gớm ghiếc, và sẽ có sự giận dữ đổ trên nơi bị hoang vu, cho đến kỳ sau rốt, là kỳ đã định.”

 

Sách Tham Khảo:

Foods Harold D., “Jerusalem in Biblical Prophecy,” Dictionary of Premillenial Theology, ed. Mal 

Couch. Grand Rapids: Kregel Publication, 1996.

Price, Randall. Jerusalem in Prophecy: God’s Stage for the Final Drama. Oregon: Harvest House 

Publishers, 1998.

Price, Randall. The Temple and Bible Prophecy: A Definite Look at Its Past, Present and Future

Eugene: Harvest House Publishers.

VanGemeren, Willem A. Interpreting Prophetic Word: An Introduction to the Prophetic

 Literature of the Old Trestament. Grand Rapids: Zondervan Publishing House, 1990.

Murphy, James trong George Bush, Notes, Criticals and Practicals in the book of Exodus. Boston: 

Henry A. Young and Co., 1948.

Mitchell, Chris. Dateline Jerusalem: An Eyewitness Account of Prophecies Unfolding in the 

Middle East. Nashville: Thomas Nelson, 2013.

Cahn, Jonathan. The Mystery of the Shemitah. Lake Mary: Frontline, 2014.

 

 

 

 

 

1 nhận xét: