Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và Lời Tiên Tri Trong Kinh Thánh:
Quá Khứ, Hiện Tại và Tương Lai
Có rất nhiều lời tiên tri trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước đã được ứng nghiệm. Có những lời tiên tri đã ứng nghiệm và kết thúc, ví dụ như trường hợp của Giăng Báp-tít, sự hình phạt trên dân Y-sơ-ra-ên, hay sự hiện đến của Đấng Mê-si. Tuy nhiên, cũng có những lời tiên tri đã ứng nghiệm trong quá khứ, vẫn đang ứng nghiệm trong thời đại hiện nay và sẽ tiếp tục ứng nghiệm trong tương lai. Tiêu biểu đó là trường hợp của đền thờ Giê-ru-sa-lem. Lời tiên tri về đền thờ Giê-ru-sa-lem là gì? Điều gì xảy ra với đền thờ Giê-ru-sa-lem trong quá khứ, hiện tại và tương lai? Trong giới hạn của bài viết này, tôi mong chia xẻ một vài điều về những ứng nghiệm của các lời tiên tri liên quan đến đền thánh Giê-ru-sa-lem. Bài viết sẽ được chia làm ba phần chính: Phần 1: Vinh Quang và Tủi Nhục, Phần 2: Sự Gớm Ghiếc Lập Ra Trong Nơi Thánh, và Phần 3: Vinh Quang Giê-ra-sa-lem và Sự Giải Cứu của Đức Giê-hô-va.
Phần 2: Sự Gớm Ghiếc Lập Ra Trong Nơi Thánh
“Sự gớm ghiếc lập ra trong nơi thánh” là cụm từ được Chúa Giê-xu đề cập khi Ngài nhắc lại lời tiên tri của Đa-ni-ên. Chữ “shiqqutz” [trong tiếng Hebrew có nghĩa là sự gớm ghiếc, những vật dơ dáy, thần tượng gớm ghiếc] được đề cập đến từ rất sớm khi Đức Chúa Trời cảnh báo cho dân Y-sơ-ra-ên về sự gớm ghiếc và các thần tượng mà dân xứ Ca-na-an đang thờ lạy. Đây là sự gớm ghiếc trước mặt Đức Giê-hô-va: “16 Các ngươi biết sự kiều ngụ của chúng ta trong xứ Ê-díp-tô, và chúng ta đi ngang qua các nước là làm sao. Ðang khi đi ngang địa phận chúng nó, 17 các ngươi đã thấy sự gớm ghiếc của chúng nó, và những tà thần quái gở bằng cây, bằng đá, bằng bạc, và bằng vàng ở nơi chúng nó.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 29:16-17).
Cũng chính vì sự gớm ghiếc này mà đền thờ Giê-ru-sa-lem thứ nhất bị huỷ diệt. Ê-xê-chi-ên kể lại trong sự hiện thấy của mình về sự gớm ghiếc mà các thầy tế lễ đã đem vào trong đền thánh. “9 Ngài lại phán: Hãy vào xem những sự gian ác đáng gớm mà chúng nó làm ra ở đây. 10 Vậy ta vào, xem thấy; và nầy, có mọi thứ hình tượng côn trùng và thú vật gớm ghiếc, mọi thần tượng của nhà Y-sơ-ra-ên đã vẽ trên chung quanh tường.” (Ê-xê-chi-ê 8:9-10). Tại chính trong đền thánh Giê-ru-sa-lem, các thầy tế lễ đã phạm tội và làm ra ô-uế đến nỗi Đức Giê-hô-va phải lìa xa nơi thánh của Ngài. “Ngài lại phán cùng ta rằng: Hỡi con người, ngươi có thấy những kẻ nầy làm, tức là những sự gớm ghiếc lớn mà nhà Y-sơ-ra-ên đã phạm tại đây, đặng làm cho ta xa nơi thánh ta chăng? Song ngươi sẽ còn thấy sự gớm ghiếc lớn khác nữa.” (Ê-xê-chi-ên 8:6).
Bởi đó, lời tiên tri đề cập đến sự “gớm ghiếc lập ra trong nơi thánh” ám chỉ đến sự trả thù của Đức Giê-hô-va.[1] Nếu đền thờ là nơi vinh hiển Chúa ngự đã bị dân sự của Chúa làm ra gớm ghiếc và dơ dáy, thì cũng tại chính đền thờ này, Chúa cũng sẽ báo trả cho họ sự gớm ghiếc mà họ đã gây ra. “Sự gớm ghiếc lập ra trong nơi thánh” được Ê-xê-chi-ên thuật lại như sau: “Ta sẽ xây mặt khỏi chúng nó, người ta sẽ làm nhơ nhớp nơi cấm của ta; những kẻ trộm cướp sẽ vào đó và làm ô-uế.” (Ê-xê-chi-ên 7:22). Đền thờ sẽ bị huỷ diệt, đốt cháy và trở nên hoang vu.
Tất cả những điều mô tả trên đều đã ứng nghiệm vào ngày 9 tháng Av năm 586 TC., đền thờ Giê-ru-sa-lem do Sô-lô-môn xây dựng, bị tấn công và thiêu huỷ. Dù đền thờ được xây dựng lại năm 515 TC. và được trùng tu bởi Hê-rốt Đại Đế năm 19 TC., thì đền thánh vẫn tiếp tục là đề tài của các lời tiên tri cảnh báo về sự sụp đổ và trở nên gớm ghiếc trong tương lai.[2]
Trong bài này tôi muốn đề cập đến lời tiên tri của Đa-ni-ên và của Chúa Giê-xu nói về sự sụp đổ và trở nên gớm ghiếc của đền thờ thứ hai; những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của đền thờ, những sự kiện xảy ra trong lịch sử và sự hoang tàn cho đến ngày nay.
1. Đền Thờ Giê-ru-sa-lem Thứ Hai Sẽ Trở Nên Gớm Ghiếc
Sự gớm ghiếc lập ra trong nơi thánh là vấn đề trước hết được tiên tri Đa-ni-ên đề cập đến, sau đó Chúa Giê-xu cũng lập lại lời tiên tri này khi nói về đền thờ Giê-ru-sa-lem. Chúng ta cùng nhau xem xét các lời tiên của Đa-ni-ên và của Chúa Giê-xu trong phần sau:
a. Lời Tiên Tri của Đa-ni-ên
Lời tiên tri của Đa-ni-ên được ký thuật trong Đa-ni-ên 9:24-27 là lời tiên tri liên quan đến Đấng Mê-si sẽ đến và bị giết. Có rất nhiều chi tiết liên quan đến ngày tháng và dấu hiệu của sự ứng nghiệm theo sự mô tả về bảy mươi tuần lễ. Tuy nhiên trong phần này chúng ta chỉ đề cập đến khía cạnh tiên tri liên quan đến đền thánh. Lời tiên tri về đền thờ Giê-ru-sa-lem được giải thích theo nhiều học thuyết khác nhau, ví dụ như: quan điểm lịch sử, quan điểm thần học các thời kỳ và quan điểm lai thế học.[3] Trong bài viết này, tôi theo quan điểm lai thế học nhưng có sự ứng nghiệm kép. Quan điểm này sẽ được giải thích ở trong phần sau đây.
Hầu hết các nhà giải kinh đều thừa nhận sự mô tả 70 tuần lễ ám chỉ về tuần thời gian, hay còn có nghĩa là 70 tuần của các năm.[4] Trong đó, câu 25-27 phân chia 70 tuần lễ ra thành ba phần: 7 tuần lễ, 62 tuần lễ và tuần cuối cùng, tuần thứ 70. “Ngươi khá biết và hiểu rằng từ khi ra lệnh tu bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem, cho đến Đấng chịu xức dầu, tức là vua, thì được bảy tuần lễ, và sáu mươi hai tuần lễ; thành đó sẽ được xây lại, có đường phố và hào, trong kỳ khó khăn.” (Câu 25). Câu này cho thấy có sự ứng nghiệm về việc tu bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem. Đền Thờ Giê-ru-sa-lem được xây lại theo chiếu chỉ của vua Si-ru (Cyrus) ký thuật trong Ê-xơ-ra 1:2.
“Sau sáu mươi hai tuần lễ đó, Đấng chịu xức dầu sẽ bị trừ đi, và sẽ không có chi hết. Có dân của vua hầu đến sẽ huỷ phá thành và nơi thánh; cuối cùng nó sẽ như bị nước lụt ngập, có sự tranh chiến cho đến cuối cùng; những sự hoang vu đã định.” (câu 26).
Lời tiên tri này nói đến thời điểm sau 62 tuần lễ, Đấng chịu xức dầu sẽ bị trừ đi. Nhiều nhà giải kinh cho rằng câu này chỉ về Đấng Mê-si sẽ bị giết. Chữ ‘bị trừ đi’ còn có nghĩa là bị giết đi. Như vậy, trong thời kỳ này có dân của vua hầu đến sẽ huỷ phá thành và nơi thánh. Đây có thể là lời tiên tri về sự sụp đổ đền thờ Giê-su-ra-lem thứ hai. Điều khó khăn khi giải thích lời tiên tri của Đa-ni-ên nằm trong câu 27. Chữ “Người” không có sự liên kết với các câu nào ở phần trên và chữ “Người” được mô tả nắm giữ vai trò quan trọng liên quan đến đền thờ. Chữ “Người” được giải nghĩa là “Kẻ Chống Đối” hay còn gọi là “Anti-Christ” trong thời kỳ cuối cùng.[5] Vậy, tại đây hàm ý nói đến một đền thờ khác trong tương lai, một đền thờ thứ 3.
“Người sẽ lập giao ước vững bền với người người trong một tuần lễ, và đến giữa tuần ấy, người sẽ khiến của lễ và của lễ chay dứt đi. Kẻ huỷ phá sẽ đến bởi cánh gớm ghiếc, và sẽ có sự giận dữ đổ trên nơi bị hoang vu, cho đến kỳ sau rốt, là kỳ đã định.” (câu 27).
Lời tiên tri về đền thánh trong câu 27 có thể liên quan đến thời kỳ tương lai, khi đền thờ thứ ba sẽ được xây dựng. Lúc đó, tại trong đền thánh, kẻ huỷ phá sẽ đến và sự gớm ghiếc sẽ tiếp tục xảy ra theo như lời tiên tri đã báo trước. Như vậy, lời tiên tri của Đa-ni-ên có thể nói đến những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, đang xảy ra trong hiện tại và sẽ diễn ra trong tương lai, tất cả đều liên quan đến đền thờ Giê-ru-sa-lem thứ hai, và thậm chí là đền thờ thứ ba và sự tàn nát gớm ghiếc xảy ra cho nó.
b. Lời Tiên Tri của Chúa Giê-xu
Lời tiên tri của Chúa Giê-xu liên quan đến đền thờ Giê-ru-sa-lem được ký thuật trong sách Ma-thi-ơ 24, Mác 13 và Luca 21. Trong đó, Ma-thi-ơ ghi chép lại việc Chúa Giê-xu nhắc về lời tiên tri của Đa-ni-ên về đền thờ như sau: “Khi các ngươi sẽ thấy sự gớm ghiếc, tàn nát lập ra trong nơi thánh, mà Đấng tiên tri Đa-ni-ên đã nói (ai đọc phải để ý).” (Ma-thi-ơ 24:15). Có thể nói sự gớm ghiếc, tàn nát lập ra trong nơi thánh mà Đa-ni-ên nói ám chỉ về thời kỳ cuối cùng. Chúa Giê-xu cũng mô tả những điềm xảy ra liên quan đến ngày tận thế. Tuy nhiên, tại đây, lời tiên tri của Chúa Giê-xu cũng nói đến những việc sẽ xảy ra trong một tương lai gần. Đó chính là về sự huỷ diệt đền thờ Giê-ru-sa-lem thứ hai, mà Ngài và các môn đồ đang thấy trước mặt, do Hê-rốt xây dựng: “Ngài phán rằng: Các ngươi có thấy mọi điều đó chăng? Quả thật, ta nói cùng các ngươi, đây sẽ không còn một hòn đá nào chồng trên một hòn khác mà không bị đổ xuống.” (Mat.24:2). Lời tiên tri về đền thánh được Lu-ca 21:20-24, chép lại cụ thể như sau:
“20 Vả, khi các ngươi sẽ thấy quân lính vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết sự tàn phá thành ấy gần đến. 21 Lúc đó, ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành phải đi ra ngoài, ai ở ngoài đồng đừng trở vào thành. 22 Vì những ngày đó là ngày báo thù, hầu cho mọi lời đã chép được ứng nghiệm. 23 Trong những ngày ấy, khốn cho đờn bà có thai, và đờn bà cho con bú! Vì sẽ có tại nạn lớn trong xứ, và cơn thạnh nộ nghịch cùng dân nầy. 24 Họ sẽ bị ngã dưới lưỡi gươm, sẽ bị đem đi làm phu tù giữa các dân ngoại, thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày đạp, cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn.”
Nếu Ma-thi-ơ chỉ nói về đền thánh bị tàn phá, thì Lu-ca nói chi tiết hơn về sự tàn phá cả thành Giê-ru-sa-lem, trong đó dân chúng sẽ bị ngã dưới lưỡi gươm, sẽ bị đem đi làm phu tù giữa các dân ngoại, và thành Giê-ru-sa-lem bị dân ngoại giày đạp cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn. So sánh lời tiên tri của Chúa Giê-xu và của Đa-ni-ên có phần rất giống khi nói đến sự hoang tàn của đền thánh. Đa-ni-ên thì viết rằng: “và sẽ có sự giận dữ đổ trên nơi bị hoang vu, cho đến kỳ sau rốt, là kỳ đã định”, trong khi đó Lu-ca lập lại lời Chúa Giê-xu “thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày đạp cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn.” Cả hai lời tiên tri này đều nói đến sự hoang tàn, hoang vu kéo dài của đền thờ cho đến một thời kỳ đã định. Đây có thể là lời giải thích cho sự hoang tàn của đền thánh cho đến ngày nay.
2. Nguyên Nhân Đền Thờ Giê-ru-sa-lem Thứ Hai Bị Huỷ Diệt
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự huỷ diệt của đền thờ thứ hai do vua Hê-rốt xây dựng bao gồm những yếu tố tôn giáo và chính trị. Chúng ta có thể nhận thấy bốn lý do chính dẫn đến sự huỷ diệt đền thờ Giê-ru-sa-lem thứ hai vào năm 70 SC.
a) Những Của Lễ Ô-Uế
Chỉ sau một thời gian rất ngắn khi đền thờ thứ hai được xây dựng và trùng tu khoảng năm 515 T.C, các thầy tế lễ và dân Y-sơ-ra-ên trở lại sự gian ác mà tổ phụ họ đã làm. Ma-la-chi thuật lại chi tiết trong sách của mình. “Các ngươi dâng bánh ô-uế trên bàn thờ ta, rồi các ngươi nói rằng: Chúng tôi có làm ô-uế Ngài ở đâu? Ấy là ở điều các ngươi nói rằng: Bàn của Đức Giê-hô-va đáng khinh dễ.” (Malachi 1:7). Ma-la-chi liệt kê tất cả những điều mà thầy tế lễ và dân sự đã làm. Họ dâng con vật mù, què quặt làm của lễ. Họ nhen lửa vô ích nơi bàn thờ của Chúa. Thậm chí còn ăn trộm tiền của Chúa vì đã không đem các phần mười vào kho (Malachi 3:8).
b) Hệ Thống Thầy Tế Lễ Giả Hình
Một lý do khác dẫn đến sự huỷ diệt đền thánh là do hệ thống thầy tế lễ trở nên bạo tàn và gian ác. Gil Nativ, một học giả Do-thái viết rằng vào thời điểm đó các của lễ được làm theo tục lệ hơn là theo đạo đức. Đền thờ trở nên ô-uế vì chính các thầy tế lễ giết nhau.[6] Trong câu chuyện Tosefta kể lại một thầy tế lễ đâm một thầy tế lễ khác trong giữa khoảng đền thờ ngay trong ngày Đại Lễ Chuộc Tội, trước sự chứng kiến của đám đông, là dấu chỉ về sự huỷ diệt sẽ đến.[7] Chính Chúa Giê-xu cũng cáo buộc thầy tế lễ và người Pha-ri-si là những kẻ giả hình, dòng dõi rắn lục. Họ là những kẻ giết người. Họ đã giết Xa-cha-ri là con của Ba-ra-chi ở giữa khoảng đền thờ và bàn thờ trong ngày đại lễ đó. (Mat.23:35). Về sau, khi quân đội La-Mã tràn vào, và cai trị, sự phân hoá của tầng lớp thầy tế lễ càng trở nên kinh khủng hơn. Gil Nativ mô tả: “Họ không thể quên sự suy đồi diễn ra trong khu đền thánh, các thầy tế lễ và gia đình của họ tranh giành các lễ vật, chiếm lấy những miếng thịt từ các của lễ dâng, tranh giành nhau ngay giữa trung tâm tôn giáo. Các thầy Ra-bi không thể quên sự cướp bóc và tranh giành bằng vũ lực của các gia đình tế lễ, để tạo ảnh hưởng trong đền thánh, thậm chí sát hại lẫn nhau giữa các phe Do Thái cánh tả và những người ủng hộ chính quyền Rô-ma.”[8]
c) Sự Gớm Ghiếc Lập Ra Trong Nơi Thánh Ngay Trong Thời Chúa Giê-Xu
Một trong những lý do chính mà đền thờ bị nguyền rủa và sẽ bị đổ nát đó là sự gớm ghiếc mà dân sự lập ra trong nơi thánh. Khi Chúa Giê-xu vào đền thờ Giê-ru-sa-lem, Ngài “đuổi những kẻ buôn bán ở tại đó, lại lật đổ bàn những người đổi bạc, và ghế những kẻ bán bồ câu. Ngài cấm không cho ai được đem đồ gì đi ngang qua đền thờ.” Chúa Giê-xu lập lại lời của tiên tri Giê-rê-mi nói về đền thờ thứ nhất: “Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân hay sao? Nhưng các ngươi đã làm thành cái hang trộm cướp.” (Mác 11:17; Giê-rê-mi 7:8-10). Sự kính sợ Đức Chúa Trời không còn nữa, đền thờ chỉ qua là nghi thức tôn giáo, là nơi buôn bán, là hang ổ trộm cướp mà thôi.
d) Yếu Tố Chính Trị
Khi nói đến sự sụp đổ của đền thờ Giê-ru-sa-lem, nhiều nhà sử học cho rằng Giê-ru-sa-lem sụp đổ liên quan phần lớn đến yếu tố chính trị. Tuy nhiên, dù vấn đề chính trị như thế nào, thì lý do của sự xung đột cũng đều liên quan đến đền thánh. Lúc bấy giờ, sự cai trị và chuyển quyền lực từ Đại Đế Nê-rô cho Vespasian đã khiến dẫn đến sự thay đổi lớn về sự cầm quyền khu vực Palestine. Đại đế Vespasian trao quyền cai trị khu vực này cho con mình là Titus và Titus quyết định tấn công Giê-ru-sa-lem.[9] Do có sự nổi dậy của các phong trào yêu nước nên dẫn đến sự nổi dậy khắp nơi chống lại chính quyền La Mã. Phong trào mạnh mẽ nhất đó là đảng Zealots và cầm đầu là Yochanan. Sự nổi dậy chống lại nhà cầm quyền La-mã trở nên mạnh mẽ nhất là từ khi đại đế Nê-rô ra lệnh dâng con bò bệnh tật trong đền thờ để đổi lấy hiệp ước hoà bình với chính quyền La-mã, nhưng bị dân Do-thái từ chối.[10] Những xung đột giữa các nhóm Do-thái yêu nước nổi lên khắp nơi. Nhóm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm và người Sa-đu-sê, liên minh với La-mã luôn xung đột với nhóm Zealots liên minh với dân Ê-đôm miền nam. Cuối cùng, nhóm Zealots đã vào chiếm được khu đền thánh và họ tìm mọi cách để bảo vệ đền thờ khỏi bị phá huỷ bởi quân đội La-mã. [11]
3. Sự Chết Của Đấng Mê-si Và Những Điềm Báo Từ Đền Thờ
Nhắc đến sự sụp đổ của đền thánh Giê-ru-sa-lem thứ hai, chúng ta không thể không nhắc đến lời tiên tri của Đa-ni-ên về sự kiện Đấng Mê-si sẽ bị “trừ đi” và sau đó là sự tàn phá đền thánh do những dân ngoại đến giày đạp. Tuy nhiên, trước khi bị dân ngoại đến phá huỷ thì đền thánh đã trở nên như “hoang vu” không còn ý nghĩa sau sự kiện Đấng Mê-si, tức là Chúa Giê-xu, chịu chết và sống lại.
Nếu trước đây đền thánh là nơi Đức Giê-hô-va nhậm các của tế lễ và ban sự tha thứ cho dân sự, thì giờ đây Chúa Giê-xu đã làm trọn của tế lễ đó và cất hết tội lỗi của cả thế gian. Vai trò của đền thờ không còn linh nghiệm trong sự tha thứ nữa. Hệ thống tế lễ của đền thánh cũng không còn hiệu nghiệm vì Chúa Giê-xu đã trở thành thầy tế lễ vĩ đại cho dân Y-sơ-ra-ên.
Do đó, càng có nhiều người tin rằng lời tiên tri của Đa-ni-ên và Chúa Giê-xu đã trở nên ứng nghiệm ngay sau sự kiện Chúa Giê-xu chịu chết và sống lại. Trong lịch sử của Cơ Đốc Giáo và của Do-Thái Giáo đều ký thuật lại những sự kiện mang tính điềm báo về sự huỷ diệt từ chính đền thờ mà ra. [Có thể những sự kiện xảy ra mang tính lịch sử không có ý nghĩa về điềm báo, nhưng trong trường hợp đền thánh Giê-ru-sa-lem thì chúng ta nên xem xét lại.] Dưới đây là một vài trường hợp xảy ra cần được đề cập đến; dù có trường hợp không được nhắc đến trong Kinh Thánh nhưng tài liệu Giê-ru-sa-lem Talmud và Ba-by-lôn Talmud có ghi chép lại.[12]
a) Bức Màn Đền Thờ Xé Đôi
Sự kiện bức màn đền thờ xé đôi đều được các sách tin lành cộng quan ký thuật. Đa số lời giải thích cho rằng Đấng Mê-si đã mở bức màn cho con người đến gần với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, sự thắc mắc ở đây không phải là ý nghĩa của việc bức màn bị xé đôi, mà là ai đã làm điều đó? Nếu có những dấu hiệu nào khác xảy ra trong đền thánh thì dấu hiệu đó sẽ được giải thích ra làm sao? Bởi vì còn có nhiều sự việc xảy ra liên quan đến đền thánh trong suốt lịch sử từ năm 30 SC đến năm 70 SC, nên việc bức màn đền thờ bị xé toạc từ trên xuống dưới cũng còn có ý nghĩa khác. Bradley Chance cho rằng: “Sự việc bức màn trong đền thờ bị xé thể hiện sự huỷ diệt của đền thờ. Đó là hình ảnh bị trừng phạt. Không ai khác, chính Đức Chúa Trời là Đấng đem đến sự hình phạt cho đền thờ.”[13] Có thể nói, ngay khi Chúa Giê-xu trút linh hồn trên thập tự giá, bức màn trong đền thờ bị xé làm hai, cũng có nghĩa đền thánh không còn là nơi để con người tìm cầu sự tha thứ và sự thờ phượng phải lẽ qua hệ thống tế lễ của đền thờ. Bức màn bị xé đôi bắt đầu những điềm báo về sự huỷ diệt của đền thờ.
b) Sợi Dây Đỏ Điều Không Đổi Màu
Bắt đầu từ khi Đấng Mê-si bị giết và sống lại, trong suốt 40 năm trước khi đền thờ bị phá huỷ, dân Y-sơ-ra-ên không còn chứng kiến phép lạ trong ngày Đại Lễ Chuộc Tội nữa. Đó là sự kiện luôn xảy ra hằng năm trong dịp Đại Lễ Chuộc Tội. Khi đó, thầy tế lễ Thượng phẩm giết con sinh tế, dâng lên cho Đức Giê-hô-va trong nơi chí thánh; còn con dê còn lại phải thả nó ra nơi đồng hoang và bị giết đi. Tất cả tội lỗi của dân sự đều chất trên con dê bị đuổi ra nơi đồng hoang. Có một sợi dây đỏ điều cột trên sừng của nó sẽ được cắt về treo trên cửa của đền thờ cho mọi người thấy. Hằng năm, sợi dây màu đỏ điều đó sẽ đổi sang màu trắng để chứng tỏ tội lỗi của dân sự được tha thứ. Như trong Ê-sai chép: “Ðức Giê-hô-va phán: Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên.” (Ê-sai 1:18). Tuy nhiên, trong tài liệu Ba-by-lôn Talmud nói rằng: “trong bốn mươi năm cuối trước khi đền thờ bị phá huỷ, dải dây màu đỏ điều không chuyển qua màu trắng.” (Talmud Mas. Yoma 39b).
c) Đèn Trong Nơi Thánh Tự Tắt
Một trong những sự kiện khiến người Do-thái không giải thích được đó là đèn Menorah tự tắt. Đèn Menorah là bộ đèn nằm ở phía tây đền thờ, được cho là phải thắp sáng luôn luôn. Vì vậy, các thầy tế lễ luôn đổ đầy dầu Ô-liu để giữ lửa cháy. Nhưng điều kỳ lạ xảy ra đó là, trong suốt bốn mươi năm, kể từ ngày Đấng Mê-si bị giết và sống lại, thì hằng đêm đèn Menorah luôn bị tắt. Mọi nỗ lực giữ lửa và thêm dầu cũng như không. (Talmud, Soncino, Yoma 39b). Ernet Martin cho rằng: “Sự sáng của Menorah, đại diện cho sự tương giao với Đức Chúa Trời, Thần Linh của Ngài và sự hiện diện của Ngài đã bị dời khỏi đền thờ.”[14]
d) Cửa Đền Thờ Hakel Tự Mở
Điều kỳ lạ tiếp theo xảy ra nơi đền thờ được Giê-ru-sa-lem Talmud ghi lại: “Trong bốn mươi năm trước khi đền thờ bị phá huỷ, chân đèn phía tây bị tắt, sợi dây đỏ điều vẫn là màu đỏ, thăm bắt cho Đức Giê-hô-va cứ ở bên tay trái. Họ sẽ đóng cửa đền thờ vào ban đêm và thức dậy thấy nó mở toang.” ((Jacob Neusner, the Yerushalmi, p.156-157). [The Temple was destroyed in 70 CE]). Bởi đây là những dấu hiệu chỉ về sự huỷ diệt đền thánh nên thầy Ra-bi Rabban Yohanan Ben Zakkai, nói với đền thờ như sau: “Hỡi đền thờ, tại sao ngươi làm chúng ta hãi hùng? Chúng ta biết rằng cuối cùng ngươi sẽ bị huỷ diệt. Vì có lời chép rằng: “ Hỡi Li-ban, khá mở các cửa ngươi, cho lửa thiêu nuốt những cây bá hương ngươi!” (Xa-cha-ri 11:1) (Jerusalem Talmud; Sota 6:3). Cánh cửa Hakel tự động mở ra cho thấy mọi người có thể vào đền thờ, thậm chí vào nơi chí thánh. Sự hiện diện của Đức Giê-hô-va đã rời khỏi đền thờ. Đây không còn là nơi dành cho thầy tế lễ thượng phẩm, nhưng nó dành cho tất cả những ai muốn đến thờ phượng Đức Chúa Trời.[15]
Thật vậy, ngay sau khi Đấng Mê-si bị trừ đi, thì sự linh nghiệm của đền thờ không còn nữa. Vai trò của hệ thống tế lễ thượng phẩm trong đền thánh cũng không còn giá trị. Dù các thầy tế lễ có tiếp tục dâng của lễ, dân chúng có thể nhóm họp hằng năm trong kỳ Đại Lễ Chuộc Tội, thì đền thánh vẫn im lặng vì sự hiện diện của Đức Chúa Trời không còn ở đó. Đền thánh chờ đợi cho đến ngày bị huỷ phá mà thôi.
4. Lời Tiên Tri Ứng Nghiệm Theo Dòng Lịch Sử:
Lời tiên tri của Đa-ni-ên và của Chúa Giê-xu về đền thờ đã ứng nghiệm dù ở trong những bối cảnh lịch sử khác nhau. Dù lời tiên tri có liên quan đến những điều sẽ xảy ra trong thời kỳ cuối cùng, nhưng những điều đã và đang xảy ra trong hiện tại minh chứng sự ứng nghiệm một phần nào đó của các lời tiên tri.
a) Antiochus Và Tế Lễ Gớm Ghiếc Trong Đền Thánh Năm 168 TC
Đền thờ Giê-ru-sa-lem trở thành nơi gớm ghiếc và bị tàn phá bắt đầu ứng nghiệm với lời tiên tri của Đa-ni-ên về một người sẽ đến trong tương lai. “23 Ðến kỳ sau rốt của nước chúng nó, khi số những kẻ bội nghịch đã đầy, thì sẽ dấy lên một vua, là người có bộ mặt hung dữ và thấu rõ những lời mầu nhiệm.24 Quyền thế người sẽ lớn thêm, nhưng không phải bởi sức mình. Người làm những sự tàn phá lạ thường; và được thạnh vượng, làm theo ý mình, hủy diệt những kẻ có quyền và dân thành.” (Đa-ni-ên 8:23-25; 11:21-35)
Lời tiên tri của Đa-ni-ên được nhiều học giả Do-thái cho là ứng nghiệm với Antiochus Epiphanes, là tổng chỉ huy của đế quốc Hy-lạp. Antiochus tin rằng mình là thánh thần nên muốn dân chúng tạc tượng và tôn thờ ông.[16] Vì sự nổi loạn tại Giê-ru-sa-lem bởi phe chính thống, lãnh đạo bởi Jason chống lại Menelau, là người được Antiochus lập lên đàn áp dân Y-sơ-ra-ên. Antiochus từ Ai-cập đem quân vào Giê-ru-sa-lem giết hơn 40 ngàn đàn bà, trẻ em và dân chúng; cũng đem khoảng 40 ngàn người khác bán làm nô-lệ. Antiochus vào đền thờ Giê-ru-sa-lem lấy nhiều vàng bạc, những vật dụng thánh, bàn thờ bằng vàng, chân đèn Menorah, bàn để bánh Trần Thiết, màn treo và những vật dát vàng trong đền thờ.[17] Sự đàn áp dân Do-thái trở nên tàn bạo hơn bao giờ hết.
Antiochus ra lệnh chấm dứt các của lễ dâng con sinh tế trong đền thờ mà thay vào đó là bàn thờ thần tượng và dâng lên những con vật không thanh sạch. Không những vậy, Antiochus ra lệnh biến nơi thánh của đền thờ thành đền thờ thần Zeus. Ông ra lệnh cấm giữ lễ Sa-bát và các kỳ lễ Do-thái, không được đọc kinh Tô-ra và đốt nhiều kinh sách. Hễ ai còn giữ kinh sách Tô-ra sẽ bị giết, và ai cho mình là người Do thái cũng sẽ bị giết.[18] Vào năm 168 TC, Antiochus đặt tượng thần Zeus vào nơi chí thánh của đền thờ và làm ô-uế đền thờ bằng việc dâng trên bàn thờ một con heo.[19] Hành động này trở nên ứng nghiệm lời tiên tri của Đa-ni-ên đã nói: “Những quân lính của người mộ sẽ dấy lên, làm ô-uế nơi thánh cùng đồn luỹ, cất của lễ thiêu hằng dâng và lập sự gớm ghiếc, làm ra sự hoang vu.” (Đa-ni-ên 11:31).
b) Ngày 9 tháng Av: Ngày Định Mệnh của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem
Có ba tuần lễ được biết với tên gọi là Bein Hameitzarim, tức là 21 ngày từ ngày 17 tháng Tamuz (tức tháng 4) cho đến ngày 9 tháng Av (tháng 5), người Do-thái nên tránh tổ chức lễ cưới, tổ chức nhảy múa, nhưng nên kiêng ăn thịt và không uống rượu, trừ ngày Sa-bát. Gil Nativ cho biết rằng trong Mishna, Ta’anit 4:6 có kể về năm điều mà tổ phụ Y-sơ-ra-ên đã thất bại tương ứng khoảng thời gian từ ngày 17 tháng Tamuz đến ngày 9 tháng Av.[20] Trong đó có sự kiện nổi loạn thờ Con Bò Vàng, các thám tử từ chối vào đất hứa, và ngày đền thờ bị huỷ phá. Nhưng về ngày 9 tháng Av, thì tài liệu Mishna viết như sau: “Đền thờ bị huỷ phá lần thứ nhất và lần thứ hai cũng trong ngày này.” Điều này có nghĩa là cả hai đền thờ bị huỷ phá cùng trong ngày 9 tháng Av nhưng ở thế kỷ khác nhau mà thôi. Đền thờ thứ nhất bị huỷ phá vào ngày 9 tháng Av năm 586 TC.; và đền thờ thứ hai bị huỷ phá vào ngày 9 tháng Av năm 70 SC. Đối với người Do-thái, ngày 9 tháng Av là ngày định mệnh, là ngày của sự hình phạt, là đêm than khóc.
Vì sao ngày 9 tháng Av được chọn là ngày đền thờ bị huỷ phá? Nativ giải thích rằng chính ngày này, chính xác hơn là chính đêm đó, tổ phụ của chúng ta, theo tường thuật của các thám tử, đã từ chối bước vào đất hứa. Chính đêm đó, tổ phụ chúng ta đã lầm bầm và khóc lóc mà hỏi Chúa rằng: “Tại sao Chúa đem chúng con vào vùng đất để bị giết bởi lưỡi gươm?” (Dân số ký 14:1). Thế hệ đó bị hình phạt, và sự hình phạt sẽ tiếp tục lập lại cho các thế hệ trong tương lai nếu họ vẫn tiếp tục không kính sợ Đức Chúa Trời mình.[21]
Scherman kể lại rằng: Titus đem 80,000 lính La-mã đến vây Giê-ru-sa-lem. Trước lễ Vượt Qua năm 70 SC, dân chúng từ khắp nơi đổ về Giê-ru-sa-lem và khu vực đền thờ để dâng lễ, phe nổi dậy lẻn vào thành phố Giê-ru-sa-lem và khu vực đền thánh. Họ đóng tất cả các cửa vào khu vực đền thánh để cố giữ đền thánh khỏi đội quân của Titus. Vì nhằm vào ngày lễ Vượt Qua, nên Titus không tấn công khu vực đền thánh. Hơn nữa, vì Titus được đảng Sa-đu-sê và Pha-ri-si hứa sẽ trao đền thánh trong hoà bình, nên Titus vẫn chờ đợi. Đảng Sa-đu-sê không thể trao đền thánh trong hoà bình, vì phe nổi dậy Zealots và các phe khác đã nắm giữ khu vực đền thờ. Titus quyết định tấn công vào khu vực đền thánh nơi đang có rất nhiều người dân và phe nổi dậy ở trong.[22] Vì không thể tấn công bằng vũ lực, Titus quyết định phong toả khu vực và cắt nguồn lương thực. Dân chúng trong thành và quân lính chết vì đói. Josephus tường thuật lại: “Trên mái của tường thành đầy phụ nữ và trẻ em chết vì đói, và thay của những người già chất đống trên đường phố. Các thanh niên trai trẻ lang thang vì đói nơi phố chợ cho đến khi họ ngã xuống. Không có ai khóc cho người chết, vì sự đói kém quá kinh khiếp. Những người ngã xuống vì đói, đều hướng mắt về đền thánh và những chiến sĩ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.” (The Jewish Wars, 5:10). Vì vậy, vào ngày 9 tháng Av năm 70 SC., thành phố và đền thờ bị thiêu đốt, quân lính La-mã giết rất nhiều thầy tế lễ và dân chúng. Trong sự tức giận, quân lính La-mã đã giựt sập những bức tường đá của đền thờ. Một số lượng lớn bờ tường bên ngoài có liên kết với đền thờ đều bị giựt sập xuống, chỉ còn một phần bức tường phía Tây, còn lại cho đến ngày nay.[23]
c) Sự Xây Dựng Đền Hồi Giáo và The Doom of Rock
Sau khi Mohammed qua đời năm 632 SC, Abu Kakr là người kế vị làm Caliphe, còn gọi là giáo chủ của thế giới hồi giáo. Ngay sau đó có sự tranh chiến nội bộ trong dòng dõi Mohammed nên đã chia ra thành hai dòng hồi giáo Sunni và hồi giáo Shiite. Cả hai dòng này tranh chiến cho đến ngày nay. Từ những năm 633-643, Hồi giáo xâm chiếm và cai trị Syria, Iraq, Ai-cập, và Ba-tư. Vào năm 638, người hồi giáo xâm chiếm Y-sơ-ra-ên và Giê-ru-sa-lem, nơi chính quyền Cơ đốc giáo đang cai trị. Sử gia Steve Runciman chép lại cuộc xâm chiếm như sau:
Vào một ngày trong tháng 2 năm 638, Caliph Omar tiến vào Giê-ru-sa-lem, cưỡi trên một con lạc đà màu trắng. Ông ta mặc một chiếc áo choàng cũ kỹ dơ nhớp, và theo sau là một đoàn quân hung bạo nhưng kỷ luật sắt. Bên cạnh ông ta là tổ phụ Sophronius, là chưởng lý của thành phố đầu hàng. Omar đi thẳng đến khu vực đền thánh của So-lô-môn, nơi bạn của mình Mohammed được cất lên trời. Đừng nhìn ông Omar, tổ phụ Sophronius nhớ lại lời của Đấng Christ, và đọc thầm trong nước mắt: “Khi các ngươi thấy sự gớm ghiếc tàn nát lập ra trong nơi thánh, mà Đấng tiên tri Đa-ni-ên đã nói.”[24]
Theo truyền thống kể lại, chính Omar là người muốn xây dựng đền hồi giáo trên nền của đền thờ của Đa-vít, dù có nhiều lời đồn đoán cho rằng đây là nơi Mohammed về trời. Vì thấy nơi đổ nát dơ dáy vì rác, nên Omar đã tự mình dọn rác vì tôn trọng nơi thiêng liêng mà Cơ đốc nhân lúc bấy giờ bỏ mặc. Năm 691 Umayyaed Caliph cho xây một nhà vòm trên nơi đổ nát mà Omar đã dọn và đặt tên là “Đền của Omar” sau này mang tên là “the Dome of the Rock.” Để áp đặt sự cai trị và thế lực mình, Caliph Omar cho xây dựng một đền thờ trên nền nhà thờ của Cơ đốc giáo lúc bấy giờ, lấy tên là Al-aqsa, cũng trong khu vực đền thánh. Đền thờ này trở thành một trong ba địa danh thiêng liêng nhất của Hồi giáo, nhưng “The Dome of the Rock” là vương miện của cả khu vực núi thánh.[25]
Cả khu vực đền thánh trước đây đẹp đẽ bao nhiêu đã bị đổ xuống trở thành đống hoang tàn; nay được dọn dẹp và lập lại với sự gớm ghiếc của một tôn giáo, một vị thần khác và một dân tộc khác là kẻ thù, và là kẻ khinh bỉ danh Đức Giê-hô-va. Điều này xảy ra để ứng nghiệm những gì Đức Giê-hô-va có phán cùng dân sự của Ngài khi đền thờ Sô-lô-môn được khánh thành trong 1 Các Vua 9:6-9:
“6 Nhưng nếu ngươi và con cháu các ngươi xây bỏ ta, không giữ các điều răn và luật lệ ta đã truyền cho các ngươi, đi hầu việc những thần khác và thờ lạy chúng nó, 7 thì ta sẽ truất Y-sơ-ra-ên khỏi đất ta đã ban cho chúng nó, trừ bỏ khỏi trước mắt ta cái đền này mà ta đã vì danh ta biệt riêng ra thánh, và Y-sơ-ra-ên sẽ trở nên lời tục ngữ và trò cười giữa muôn dân.8 Còn đền này, dầu cao dường nào, ai đi ngang qua gần nó cũng lấy làm lạ lùng, chê bai, mà rằng: Cớ sao Ðức Giê-hô-va có làm cho xứ này và đền này như vậy? 9 Người ta sẽ đáp rằng: Ấy vì chúng nó đã lìa bỏ Giê-hô-va Ðức Chúa Trời chúng nó, là Ðấng đem tổ phụ họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô; họ theo các thần khác, thờ lạy các thần ấy, và hầu việc chúng nó; vì cớ đó, Ðức Giê-hô-va đã giáng trên họ các tai họa này.”
Lời tiên tri của Chúa Giê-xu được Lu-ca 21:24, viết lại rằng: “Thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày đạp, cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn.” Cảm nhận của một người Do-thái tên là Nahmanides viết cho con trai mình trong thế kỷ 13 được ký thuật như sau:
“Cha sẽ nói gì về vùng đất này...nơi này thánh khiết bao nhiêu, nay trở nên hoang tàn bấy nhiêu. Giê-ru-sa-lem là nơi hoang tàn nhất ...có khoảng hơn 2000 cư dân tại đây..nhưng không có một người Do-thái...Có nhiều người đến Giê-ru-sa-lem, đàn ông, đàn bà từ Đa-mách, từ Aleppo và mọi vùng trên thế giới để xem đền thờ và khóc vì nó. Nguyện Đấng xét đoán chúng ta sẽ thấy sự đổ nát của Giê-ru-sa-lem và ban cho chúng ta cơ hội xây dựng và phục hồi..”[26]
Thật vậy, Giê-ru-sa-lem, nơi khu vực đền thánh, ngày nay là đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa và the Dome of the Rock, là nơi người Hồi giáo khắp nơi trên thế giới đổ về hành hương, cầu nguyện. Người không theo đạo Hồi không được phép vào bên trong “The Dome of the Rock”.
Kết luận
Lời tiên tri của Đa-ni-ên về sự tàn nát gớm ghiếc và hoang vu lập ra trong nơi thánh đã ứng nghiệm. Sự gớm ghiếc chưa từng xảy ra trong nơi thiêng liêng nhất nay đã trở thành sự thật với hành động của Antiochus. Lời tiên tri ấy tiếp tục được ứng nghiệm qua sự tuyên bố của Chúa Giê-xu về đền thánh qua đó không còn một hòn đá nào chồng trên một hòn khác mà không bị đổ xuống, qua sự tàn bạo của Titus. Rồi đến sự ứng nghiệm của thời kỳ Hồi giáo, xây dựng sự gớm ghiếc trên nền của đền thờ Giê-ru-sa-lem. “Giê-ru-sa-lem bị dân ngoại giày đạp” thậm chí ngay trên nền của đền thờ Giê-ru-sa-lem cho đến ngày nay. Lời tiên tri về đền thờ Giê-ru-sa-lem đã ứng nghiệm trong quá khứ, và hiện nay vẫn đang ứng nghiệm đến sững sờ.
Trong phần sau, Phần 3: Vinh Quang Giê-ra-sa-lem và Sự Giải Cứu của Đức Giê-hô-va.
Tôi sẽ mô tả lời tiên tri về đền thờ trong tương lai. Điều gì sẽ xảy ra khi nhiều lời đồn đoán về một đền thờ thứ 3 sẽ được dựng nên? Liệu đây sẽ là đền thờ đến từ Đức Chúa Trời, hay là hành động của sự chống nghịch đến từ con người. Đền thờ này dù được dựng nên, các của tế lễ có thể sẽ lập lại, nhưng một lần nữa, sự gớm ghiếc được bày tỏ bởi Đa-ni-ên và Chúa Giê-xu có thể sẽ còn gớm ghiếc hơn những gì đã xảy ra trong hiện tại. Đó là thời kỳ cuối cùng, khi anti-Christ hiện đến ngồi trên ngôi, tự xưng mình là Đức Chúa Trời, như Phao-lô viết “3Vì phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra, 4 tức là kẻ đối địch, tôn mình lên trên mọi sự mà người ta xưng là Ðức Chúa Trời hoặc người ta thờ lạy, rất đỗi ngồi trong đền Ðức Chúa Trời, chính mình tự xưng là Ðức Chúa Trời.” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 23-4). Tuy nhiên, dù điều gì xảy ra, thì sự nhân từ của Đức Giê-hô-va vẫn hằng còn đến đời đời cho những kẻ yêu mến Ngài. Thành thánh là Giê-ru-sa-lem mới sẽ từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống như Giăng chép trong Khải Huyền 21, hoặc là Ê-xê-chi-ên 40-48, nói về đền thờ mới, là nơi đầy dẫy sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va.
Hậu Chú
[1] Cũng xem trong Lê-vi-ký 26:25; Giê-rê-mi 5:9; 29; 9:9.
[2] Randall Price, The Temple and Bible Prophecy: A Definite Look at Its Past, Present and Future (Eugene: Harvest House Publishers, 2005), 61 và 244.
[3] Tham khảo thêm về lịch sử giải nghĩa lời tiên tri của Đa-ni-ên trong các tài liệu sau: Michael Kalafian, The Prophecy of the Seventy Weeks of the Book of Daniel: A Critical Review of the Prophecy as Viewed by Three Major Theological Interpretations and the Impact of the Book of Daniel on Christology (New York: University Press of America, 1991). Richard S. Hess, “The Seventy Sevens of Daniel 9: A Timetable for the Future?” in Bulletin for Biblical Research 21.3 (2011): 315-330. Randall Price, The Temple and Bible Prophecy: A Definite Look at Its Past, Present and Future (Eugene: Harvest House Publishers, 2005).
[4] Randal, The Temple and Bible Prophecy, 250.
[5] Ibid., 252.
[6] Gil Nativ, “Why Was Jerusalem Destroyed?” in European Judaism, Vol. 38., No. 1, (Spring: 2005), 129-130.
[7] Ibid., 130.
[8] Ibid., 130.
[9] Rabbis Nosson Scherman, The History of the Jewish Peopl: The Second Temple Era (Jerusalem: Mesorah Publication, 1982), 186-194.
[10] Nativ, 128.
[11] Scherman, 179-185.
[12] (Talmud (/ tɑ ː lmʊd, - məd, ˈtæl-/;, tiếng Do Thái: תַּלְמוּד Talmud nghĩa là "giảng dạy, học tập", từ một gốc LMD " giảng dạy, nghiên cứu ") là một văn bản trung tâm của giáo sĩ Do Thái giáo (rabbinic). Nó cũng được gọi theo cách truyền thống là Shas (ש"ס), một từ viết tắt tiếng Do Thái của shisha sedarim, "sáu thứ bậc" của Luật Miệng của Do Thái giáo. Talmud có hai bộ phận: Mishnah (tiếng Do Thái:. משנה, năm 200 sau công nguyên), bản tóm đầu tiên bằng văn bản của Luật Miệng của Do Thái giáo, và Gemara (năm 500 sau công nguyên), giải thích cho tác phẩm Mishnah và liên quan tới các bài viết Tannaitic mà thường xuyên đề cập tới các đối tượng khác và được giải nghĩa rộng rãi trong Kinh Thánh Do Thái. Thuật ngữ Talmud và Gemara thường được sử dụng thay thế cho nhau, mặc dù không được chính xác cho lắm. Toàn bộ kinh Talmud bao gồm 63 bài luận, trong bản in tiêu chuẩn dài hơn 6.200 trang. Nó được viết bằng tiếng Tannaitic Do Thái và tiếng Aram (tiếng Sy-ri). Talmud bao gồm những ý kiến của hàng ngàn giáo sĩ Do Thái trong nhiều chủ đề, bao gồm cả pháp luật, đạo đức, triết học, phong tục, lịch sử, thần học, truyền thuyết và nhiều chủ đề khác. Talmud là cơ sở cho tất cả các bộ luật của luật giáo đoàn Do Thái giáo và được nhiều trích dẫn trong các tài liệu giáo đoàn khác.)
[13] J. Bradley Chance, “The Cursing of the Temple and the Tearing of the Veil in the Gosple of Mark,” in Biblical Interpretation 15 (2007): 268-291, here p. 285.
[14] Ernet Martin, The Significance of the Year CE 30, Research Update, Aprile 1994, p. 4.
[15] N. Federooff and T. Peterson, Talmudic Evidence for the Messiah at 30 EC at www.windowview.org at (http://www.windowview.org/hmny/pgs/talmuds.30ce.html)
[16] Scherman, 61.
[17] Ibid., 63.
[18] Ibid., 64.
[19] Randal, The Temple and Bible Prophecy, 75.
[20] Nativ, 126.
[21] Ibid., 127-128.
[22] Scherman, 188.
[23] Ronny Reich, The Stones Cry Out: What Archaeology Reveals About the Truth of the Bible (Eugene: Harvest House Publishers, 1997), 194-196.
[24] Steve Runciman, A History of the Crusades: The First Crusade (Cambridge: Cambridge University Press, 1951), 3.
[25] Randal, The Temple and Bible Prophecy, 170.
24 Eliyahu Tal, Whose Jerusalem? (Tel Aviv: The International Forum for a United Jerusalem, 1994), p.76.
Tài Liệu Tham Khảo
Cahn, Jonathan. The Mystery of the Shemitah. Lake Mary: Frontline, 2014.
Chance, J. Bradley. “The Cursing of the Temple and the Tearing of the Veil in the Gosple of
Mark,” in Biblical Interpretation 15 (2007): 268-291.
Federooff, N. and T. Peterson, Talmudic Evidence for the Messiah at 30 EC at
www.windowview.org at (http://www.windowview.org/hmny/pgs/talmuds.30ce.html).
Foods Harold D., “Jerusalem in Biblical Prophecy,” Dictionary of Premillenial Theology, ed. Mal
Couch. Grand Rapids: Kregel Publication, 1996.
Hess, Richard S. “The Seventy Sevens of Daniel 9: A Timetable for the Future?” in Bulletin for
Biblical Research 21.3 (2011): 315-330.
Kalafian, Michael. The Prophecy of the Seventy Weeks of the Book of Daniel: A Critical Review of
the Prophecy as Viewed by Three Major Theological Interpretations and the Impact of
the Book of Daniel on Christology. New York: University Press of America, 1991.
Martin, Ernet. The Significance of the Year CE 30, Research Update, Aprile 1994, p. 4.
Mitchell, Chris. Dateline Jerusalem: An Eyewitness Account of Prophecies Unfolding in the
Middle East. Nashville: Thomas Nelson, 2013.
Murphy, James trong George Bush, Notes, Criticals and Practicals in the book of Exodus. Boston:
Henry A. Young and Co., 1948.
Nativ, Gil “Why Was Jerusalem Destroyed?” in European Judaism, Vol. 38., No. 1, (Spring: 2005),
129-130.
Price, Randall. The Temple and Bible Prophecy: A Definite Look at Its Past, Present and Future.
Eugene: Harvest House Publishers, 2005.
Price, Randall. Jerusalem in Prophecy: God’s Stage for the Final Drama. Oregon: Harvest House
Publishers, 1998.
Reich, Ronny. The Stones Cry Out: What Archaeology Reveals About the Truth of the Bible.
Eugene: Harvest House Publishers, 1997.
Runciman, Steve. A History of the Crusades: The First Crusade. Cambridge: Cambridge University
Press, 1951.
Scherman, Rabbis Nosson. The History of the Jewish Peopl: The Second Temple Era. Jerusalem:
Mesorah Publication, 1982.
Tal, Eliyahu Whose Jerusalem? (Tel Aviv: The International Forum for a United Jerusalem, 1994.
VanGemeren, Willem A. Interpreting Prophetic Word: An Introduction to the Prophetic
Literature of the Old Trestament. Grand Rapids: Zondervan Publishing House, 1990.